UBND tỉnh làm việc với BQL Cửa khẩu Thanh Thủy
HGĐT- Chiều 9.8, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Ban quản lý (BQL) Khu kinh tế Cửa khẩu (KTCK) Thanh Thủy, các ngành chức năng, UBND huyện Vị Xuyên để bàn về công tác XNK hàng hóa tạm nhập - tái xuất qua Cửa khẩu Thanh Thủy và Mốc 238 Lao Chải. Các đồng chí: Triệu Tài Vinh,Uy viên BCH T.Ư Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy; Đàm Văn Bông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
7 tháng qua, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự cố gắng của các ngành chức năng, sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động đầu tư, thương mại, dịch vụ tại Khu KTCK Thanh Thủy đạt kết quả tích cực. Nổi bật, tỉnh đã công bố công khai Quy hoạch chung xây dựng Khu KTCK Thanh Thủy đến năm 2030 và ban hành Quy định về công tác quản lý theo đồ án quy hoạch chung. Hoạt động thương mại, dịch vụ có sự tăng trưởng đáng kể; trong đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tính đến hết tháng 7 đạt 144.463.892 USD, tăng 107% so với cùng kỳ năm 2011. Tổng số thuế nộp vào ngân sách nhà nước trên 250 tỷ 540 triệu đồng...
Tại cuộc họp, các cơ quan chức năng phản ánh và góp ý về một số vấn đề cấp bách hiện nay, đó là tuyến đường vận chuyển hàng hóa từ UBND xã Lao Chải ra Mốc 238 còn quá nhiều khó khăn, gây ách tắc, cản trở giao thông; Chính sách tạm nhập – tái xuất hiện nay như thời hạn nộp thuế, thời gian cho phép hàng tạm nhập – tái xuất lưu tại Việt Nam, việc thống kê số lượng, giá trị hàng hoá đăng ký tạm nhập – tái xuất còn bất cập; Cơ chế quản lý hiện nay được phản ánh vẫn có nhiều điểm chưa chặt chẽ, sát thực tế, lực lượng kiểm tra, kiểm soát vẫn chưa tương xứng yêu cầu đề ra, chế tài xử lý các vụ vi phạm chưa đủ mạnh, đủ sức răn đe... Hàng hóa và phương tiện bị dồn ứ, ách tắc tại khu vực biên giới. Qua đó, đại diện các ngành đều nhất trí cho rằng việc phát triển loại hình này đem lại lợi ích thiết thực về KT-XH, đặc biệt là những xã nghèo vùng biên giới. Do vậy, cần phải duy trì và phát huy loại hình dịch vụ này. Tuy nhiên, để hạn chế mặt trái của vấn đề, các đại biểu đã thảo luận và đề xuất giải pháp quản lý từng vấn đề cụ thể nhằm đảm bảo tốt việc thanh khoản, thu ngân sách, chống thẩm lậu, chống ô nhiễm môi trường...
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh nhấn mạnh: Để hoạt động này phát triển ổn định thì cả hệ thống chính quyền cần vào cuộc để giải quyết tốt các mặt trái của vấn đề... Có như vậy thì hoạt động thương mại biên giới nói chung và hoạt động tạm nhập - tái xuất nói riêng mới phát huy hiệu quả và phát triển bền vững. Đồng thời giao nhiệm vụ cho BQL và một số ngành chức năng có các giải pháp chấn chỉnh công tác quản lý tạm nhập – tái xuất, giảm thiểu những hành vi lợi dụng để trục lợi, kinh doanh trái phép, nhập lậu hàng hoá vào Việt Nam. Đồng chí lưu ý các giải pháp được đề xuất cần có tính căn cơ và tính đến lợi ích tổng quát hơn, kiểm soát chặt chẽ, thực hiện nghiêm các chính sách, quy định của pháp luật đối với loại hình hàng hóa tạm nhập - tái xuất để từng cơ quan, địa phương thực hiện.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông cho rằng: Để hoạt động này ngày càng hiệu quả, góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, căn cứ thực tiễn trên địa bàn, UBND tỉnh sẽ trình BTV sớm cho chủ trương đối với cửa khẩu Thanh Thủy và các lối mở đảm bảo cho công tác XNK. Đồng chí yêu cầu các lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm soát chặt chẽ, thực hiện nghiêm các chính sách, quy định của pháp luật đối với loại hình hàng hóa tạm nhập - tái xuất. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục để các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định. Yêu cầu các doanh nghiệp dừng, đỗ xe chở hàng đúng nơi quy định tại các khu vực kiểm soát hải quan, không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại các khu vực cửa khẩu. Tổ chức lực lượng tiến hành tuần tra, kiểm soát các khu vực, tuyến đường trọng điểm, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp phá dỡ container, tẩu tán hàng hóa, đưa vào tiêu thụ nội địa, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm.
Ý kiến bạn đọc