Tháng Tám mùa Thu thăm hang Pác Bó
HGĐT- Còn nhớ ba năm trước, cũng vào dịp tháng Tám mùa Thu, mấy anh em cán bộ, phóng viên của Báo Hà Giang đã có mặt ở Cao Bằng. Những đồng nghiệp ở đây đưa chúng tôi về thăm vùng quê cách mạng Pác Bó, một địa danh được coi là cội nguồn của cách mạng Việt Nam - Nơi đây, đã đón Bác trở về sau tròn 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước; và, Pác Bó cũng gắn liền với một giai đoạn lịch sử khởi nguồn cho cách mạng nước ta(từ năm 1941 đến năm 1945).
Ngày 28 tháng 1 năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí của Người đã từ Trung Quốc vượt qua cột mốc 108 trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Pác Bó, Cao Bằng được Bác chọn làm “đại bản doanh”, vì theo Bác: “Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc Quốc tế rất thuận lợi. Từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên, thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được, khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tấn công, lúc khó khăn có thể giữ được”.
Trước lúc đến khu di tích, tôi cứ hình dung sẽ là một cái hang rộng rãi, có chiều sâu, có cảnh đẹp, sơn thủy hữu tình, vì ngay phía dưới hang là khởi nguồn của dòng suối được Bác đặt tên suối Lê Nin, nước xanh, trong vắt, những lúc rảnh rỗi Bác thường ngồi câu cá. Nhưng vào trong hang, tôi thực sự ngỡ ngàng, đó là một hang đá không rộng lắm, vòm hang sâu khoảng 6 đến 7 m, nền không bằng phẳng, cửa hang có mấy phiến đá được kê ghép như một bàn một ghế, ánh sáng trong hang được tạo thành bởi những vệt sáng hắt từ vòm hang xuống. Được biết, khi Bác ở hang Pác Bó, giường nằm của Người được ghép bằng những tấm ván, đêm nằm, hơi đá tỏa ra, mùa hè thì mát, nhưng mùa đông lạnh vô cùng. Cô gái hướng dẫn viên cho tôi biết, những ngày đầu về nước, Bác ở nhà ông Lý Quốc Sùng, cách dưới cửa hang độ 100m, đến ngày 8.2.1941, Bác chuyển vào ở hẳn trong hang, những ngày đầu tiên ở đây, Bác đã dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô từ tiếng Nga sang tiếng Việt. Từ năm 1941 đến năm 1945, hang Pác Bó đã gắn liền với phong trào cách mạng nước ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu. Từ đây, Bác thực hiện nhiều chuyến công tác về các vùng, gặp gỡ, mở lớp đào tạo cán bộ, rồi sang Trung Quốc làm việc nhiều lần; ngày 13.8.1942, Bác chính thức dùng tên gọi Hồ Chí Minh để sang Trung Quốc liên lạc với cách mạng Trung Hoa, đây chính là chuyến đi Bác đã bị chính quyền Quốc dân Đảng bắt giữ, cầm tù hơn một năm trời và tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác đã ra đời trong những ngày gian khó này. Tháng 9 năm 1943, được trả tự do, Bác nhanh chóng về nước, hang Pác Bó lại là nơi ở của Người để lãnh đạo phong trào cách mạng. Tháng 4 năm 1945, Bác cùng các đồng chí của mình rời Pác Bó chuyển sang Sơn Dương (Tuyên Quang), tiếp tục xây dựng căn cứ, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa toàn quốc vào tháng 8 năm 1945.
Trong thời gian ở Pác Bó, dưới sự chỉ đạo của Bác, nhiều sự kiện quan trọng của cách mạng đã diễn ra: Từ ngày10 đến 19 tháng 5 năm 1941, tại lán Khuổi Nậm, người chủ trì Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương Đảng, quyết định thành lập Mặt trận Việt minh, đưa ra nhiều chủ trương và quyết sách quan trọng cho cách mạng. Đồng thời, nhiều lớp huấn luyện về chính trị, quân sự để đào tạo cán bộ đã được tổ chức tại đây. Đặc biệt, ngày 1 tháng 8 năm 1941, số báo “Việt Nam Độc lập” đầu tiên đã được phát hành – Đây là tờ báo do Bác sáng lập và tham gia viết bài, tờ báo chính thức của Mặt trận Việt minh để tuyên truyền cổ vũ, hướng dẫn các tầng lớp nhân dân, xây dựng phong trào cách mạng trong cả nước tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Cũng tại đây, Bác đã ra Chỉ thị thành lập lực lượng vũ trang cách mạng và ngày 22 tháng 12 năm 1944 Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân – tiền thân của quân đội ta - đã được thành lập.
Ngồi trong hang, tận mắt chứng kiến nền đá lồi lõm, phản nằm bằng gỗ, bàn viết bằng đá cùng những vật dụng sinh hoạt hàng ngày của Bác, chúng tôi xúc động vô cùng! Hang Pác Bó, lán Nà Lừa – những nơi Bác đã ở đều đơn sơ, trống trải, giữa rừng, thiếu thốn vô cùng về điều kiện sống – nhưng Bác đã chấp nhận gian khổ để lo cho nhân dân, cho đất nước của mình! Tôi cứ bâng khuâng suy nghĩ và chợt nhớ về hai câu kết trong bài “Đêm nay Bác không ngủ” của cố Nhà thơ Minh Huệ: “Vì một lẽ thường tình/ Bác là Hồ Chí Minh”!
Ý kiến bạn đọc