Một số ý kiến trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 - HĐND tỉnh khóa XVI
HGĐT- Tham gia giải trình kiến nghị của đại biểu về việc điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất cây lương thực và cây vụ Đông năm 2012, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nêu rõ: Tại Kết luận số 124-KL/TU ngày 4.7 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương không điều chỉnh một số chỉ tiêu tổng hợp về phát triển KT-XH năm 2012.
Triển khai kết luận trên, UBND tỉnh giao các ngành chức năng rà soát, đánh giá, đề xuất giải pháp khắc phục sự thiếu hụt gần 4 nghìn tấn lương thực do hạn hán vụ Đông xuân 2011 - 2012 gây ra. Trên cơ sở kết quả rà soát, các Sở: NN-PTNT, KH-ĐT đề xuất giải pháp điều chỉnh diện tích 2 cây lương thực chính gồm: Giảm 80 ha lúa cả năm (thực tế diện tích này đã bị mất trắng trong vụ Đông xuân 2011 - 2012), tăng diện tích ngô từ 51.410 ha lên 52.742 ha (tăng 1.332 ha). Việc điều chỉnh tăng diện tích ngô là giải pháp tích cực, cụ thể và kịp thời để bù đắp sản lượng thiếu hụt, vì diện tích ngô tăng thêm 1.332 ha sẽ đảm bảo sản lượng ngô cả năm là 171.310 tấn (ngô Hè thu tăng 2.791 tấn, ngô Đông tăng 545 tấn). Như vậy, sản lượng ngô trên kết hợp với sản lượng thóc 202.905 tấn sẽ đảm bảo được tổng sản lượng lương thực cả năm là 374.215 tấn.
Thiên Thanh
TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM
Thay mặt UBND tỉnh giải trình về công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nêu rõ: Những năm vừa qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm đã được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, chỉ đạo sát sao. Trong 2 năm 2010 - 2011 số vụ, số người mắc, số bị chết do ngộ độc thực phẩm đã giảm, tuy nhiên sang năm nay, tình hình ngộ độc thực phẩm tại các hộ gia đình lại có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình, Bắc Quang và Vị Xuyên xảy ra 13 vụ ngộ độc với 187 người mắc, 17 người tử vong.
Trước tình hình ngộ độc thực phẩm diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng xấu đến xã hội, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh, Ban chỉ đạo VSATTP ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp, huyện, thành phố tăng cường công tác bảo đảm VSATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, triển khai các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, giám sát an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, UBND tỉnh đề nghị các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, tăng cường kiểm tra, đôn đốc các huyện thực hiện tốt VSATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm; Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền, tổ chức thanh tra, kiểm tra phòng, chống dịch bệnh và ngộ độc; tổ chức cấp cứu, điều trị và báo cáo kịp thời các vụ ngộ độc xảy ra. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo quyết liệt đối với các ngành, các xã, thị trấn phải có biện pháp cụ thể về phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, các huyện đã xảy ra ngộ độc do ăn bánh ngô bị mốc và nấm độc, kiểm tra tiêu huỷ bột ngô, bánh ngô không bảo đảm an toàn.
Thiên Thanh
KHÔNG TẠO SỨC ÉP CHO NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG
Để đảm bảo kinh phí hỗ trợ tiền ăn cho học sinh, ngay từ tháng 8.2011 Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh tạm cấp 2 tháng (tháng 9, 10) năm học 2011-2012 theo quy định tại Nghị quyết 22/2011/NQ-HĐND (NQ22), bằng 50% chế độ của Quyết định 85/2010/QĐ-TTg (QĐ85) với số tiền 7,893 tỷ đồng. Đến tháng 11.2011, Sở Tài chính tiếp tục trình UBND tỉnh tạm cấp tiền ăn cho học sinh, kinh phí hỗ trợ cán bộ quản lý, thuê người phục vụ học sinh bán trú, mua sắm, sửa chữa dụng cụ văn hoá, thể dục thể thao… số tiền trên 13 tỷ đồng. Đầu năm 2012, UBND tỉnh tiếp tục tạm cấp hỗ trợ tiền ăn 5 tháng (từ tháng 1-5), hỗ trợ cán bộ quản lý, người phục vụ học sinh bán trú theo NQ22 với số tiền 21,926 tỷ đồng. Tổng số kinh phí tỉnh tạm cấp khi T.Ư chưa bổ sung kinh phí thực hiện QĐ85 là 42,876 tỷ đồng. Đến tháng 4.2012, Bộ Tài chính tạm cấp kinh phí thực hiện QĐ85 cho tỉnh với số tiền trên 30 tỷ đồng, tương đương 10.046 học sinh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cấp tiếp 50% mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú theo QĐ85 là 36,231 tỷ đồng. Như vậy, tổng kinh phí cấp về các huyện chi trả chế độ trợ cấp cho học sinh và các chi phí khác phục vụ học sinh bán trú năm học 2011-2012 là 79,107 tỷ đồng.
Hiện nay, Sở Tài chính đang tổng hợp các quyết định thành lập trường bán trú, phê duyệt danh sách học sinh phổ thông dân tộc bán trú năm học 2011-2012 làm việc với Bộ Tài chính bổ sung kinh phí tạm ứng từ ngân sách địa phương, làm cơ sở xác định kinh phí bổ sung năm học mới 2012-2013. Trong trường hợp T.Ư cấp đủ theo số lượng học sinh, Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND tỉnh cấp ngay từ đầu năm học cho các huyện. Trường hợp không đủ kinh phí, ngân sách tỉnh chỉ có khả năng ứng tiếp 50%, số còn lại các huyện phải chủ động tạm ứng từ ngân sách để chi trả.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 102 trường bán trú (tăng 20 trường so với năm học trước), với 36.785 học sinh (tăng thêm 10 nghìn em). Số lượng học sinh bán trú tăng khá cao, nếu T.Ư không chấp thuận, không bổ sung kinh phí, tỉnh sẽ không có nguồn để đảm bảo. Trước mắt, Sở Tài chính đề nghị các huyện, phối hợp với ngành Giáo dục, rà soát lại điều kiện thành lập trường phổ thông bán trú và đối tượng được hưởng chế độ theo đúng quy định, không tạo sức ép cho ngân sách địa phương.
Thiên Thanh
Cần có định mức hỗ trợ xây dựng nông thôn mới cho các huyện 30a và các xã vùng 2, vùng 3
Trả lời của ông Đỗ Tấn Sơn
Trưởng Ban quản lý Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới là chương trình tổng thể về kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh; là chương trình mới liên quan đến nhiều lĩnh vực mà vai trò chủ thể là người dân, thực hiện chủ yếu theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Năm 2011, tỉnh cho chủ trương hỗ trợ 11.000 tấn xi măng, mỗi huyện được 1.000 tấn để thực hiện các nội dung: Làm đường giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương và chỉnh trang khuôn viên hộ gia đình. Kết quả đã thực hiện được 74,7 km đường giao thông các loại; 4,9 km kênh mương; 3.958 công trình vệ sinh; láng được 25.837 mét vuông nền nhà. Trong 6 tháng đầu năm 2012, đã có 34 xã được phê duyệt quy hoạch, xây dựng được 40,5 km đường liên thôn, 4,2 km đường liên gia; hơn 22 nghìn m2 láng nền cho 237 hộ gia đình; di dời 6.861 công trình chuồng trại xa nhà; hiến 63.426 m2 đất; nhân dân góp được 94.762 ngày công… Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Để triển khai xây dựng Chương trình Nông thôn mới trong thời gian tới được thuận lợi và phù hợp với đặc thù của từng địa phương, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý chương trình xây dựng Nông thôn mới tỉnh cùng các ngành chuyên môn tham mưu, chỉnh sửa, bổ sung vào quyết định của UBND tỉnh cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Theo đó Ban Quản lý chương trình xây dựng Nông thôn mới tỉnh đã cùng các ngành chuyên môn xây dựng bổ sung định mức hỗ trợ theo đặc thù với điều kiện của từng huyện (Định mức hỗ trợ đối với các huyện không thuộc 30a hỗ trợ theo hệ số 1,0; các huyện thuộc 30a hỗ trợ theo hệ số 1,3). Đến nay đã hoàn chỉnh và có ý kiến đóng góp của các huyện trong tháng 5.2012. Dự kiến ban hành trong tháng 7.2012.
Hữu Thụy
Khi nào thì bố trí số kinh phí còn lại để chi trả cho người dân đối với dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4C, đoạn xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ
Trả lời của ông Hoàng Quyết Chiến
Giám đốc sở Giao thông-Vận tải
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4C, đoạn qua trung tâm xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, được Bộ Giao thông - Vận tải giao cho Sở Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư và được khởi công xây dựng tháng 6.2008. Sau 30 tháng thi công, dự án hoàn thành đưa vào sử dụng. Để sớm có mặt bằng thi công, sau khi có dự toán, Sở GTVT đã thanh toán tạm ứng cho dân 70% giá trị dự toán và đến tháng 1.2008, ngay sau khi nhận được Quyết định và kế hoạch vốn của UBND tỉnh, Sở GTVT đã phối hợp với Hội đồng bồi thường GPMB huyện chi trả hết 100% kinh phí cho dân theo quyết định.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do điều chỉnh thiết kế một số đoạn tuyến, nên có khối lượng phát sinh GPMB, mặt khác do chế độ chính sách, đơn giá bồi thường, nhân sự của Hội đồng bồi thường thay đổi, nên đến 30.11.2011, UBND huyện Quản Bạ mới ra quyết định phê duyệt dự toán chi phí bồi thường GPMB. Tại thời điểm nhận được quyết định, vốn bố trí cho kế hoạch năm 2011 đã thanh toán hết, trong khi đó kế hoạch vốn năm 2012 đến tháng 6 dự án mới được bố trí bổ sung. Ngày 3.7.2012, Sở GTVT đã làm thủ tục rút vốn với Kho bạc Nhà nước tỉnh Hà Giang và đến nay, Sở GTVT đã thanh toán và tạm ứng cho dân được 2 tỷ 342 triệu/2 tỷ 483 triệu đồng, đạt 94,3%, kinh phí còn lại, Sở GTVT sẽ tiến hành chi trả trong tháng 7.2012.
Nhất Linh
Nguyên nhân tồn tại trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Vị Xuyên
Trả lời của ông Hoàng Văn Nhu,
Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường
Kể từ năm 1993-1995, thị trấn Vị Xuyên và thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), cấp theo hệ thống bản đồ dải thửa 299 (theo Chỉ thị 299 của Thủ tướng Chính phủ). Việc kê khai, lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ ở và đất nông nghiệp đã góp phần nâng cao công tác quản lý Nhà nước về sử dụng đất tại 2 thị trấn được ổn định. Tuy nhiên, do tài liệu bản đồ dải thửa 299 độ chính xác không cao, diện tích đất ở, đất nông nghiệp chưa đo vẽ khép kín trên địa bàn, bản đồ chưa được chuẩn hóa gắn hệ tọa độ nhà nước… dẫn đến sai sót về diện tích, hình thể một số thửa đất; tên chủ sử dụng đất trong các giấy tờ liên quan không trùng nhau, do đó các hộ gia đình không nhận GCNQSDĐ và để kéo dài từ năm 2006 cho đến nay.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, tháng 11. 2011, Sở Tài nguyên-Môi trường đã thành lập tổ công tác để giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong việc cấp GCNQSDĐ tại 2 thị trấn và đã làm rõ những vướng mắc.
Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên-Môi trường, trong tổng số 4.339 giấy chứng nhận cấp cho 2 thị trấn, có các vướng mắc tồn đọng như: Liên quan đến nghĩa vụ tài chính; các hộ gia đình không có nhu cầu cấp đổi GCNQSDĐ, chưa đầy đủ hồ sơ để xét cấp giấy của các hộ đang thế chấp ngân hàng và nhiều hộ gia đình không có hộ khẩu thường trú trên địa bàn… trong đó có 148 giấy còn sai sót về diện tích, họ tên đệm, số chứng minh thư nhân dân. Sở Tài nguyên-Môi trường đã nhận trách nhiệm thuộc về mình trong quá trình tác nghiệp. Hiện nay, tổ công tác của Sở Tài nguyên-Môi trường đã và đang tiến hành chỉnh sửa, in lại giấy và giao cho Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện xem xét, thẩm định, trình UBND huyện ký ban hành. Đồng thời phối hợp với huyện Vị Xuyên tuyên truyền, vận động và giải thích cho các hộ gia đình đến nhận giấy chứng nhận và tiếp tục xem xét, chỉnh sửa những sai xót nếu có để giải quyết dứt điểm trong quý III.2012.
Hữu Thụy
Ý kiến bạn đọc