Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9.7.1912 - 2012)

Cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc

09:17, 07/07/2012

HGĐT- Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9.7.1912, trong một gia đình nhà Nho nghèo, có truyền thống khoa bảng, ở xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).


Với 29 tuổi đời (ngày 18.1.1940, đồng chí bị địch bắt và ngày 28.8.1941 bị xử bắn), hơn 13 năm tham gia cách mạng, 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, hơn 2 năm làm Tổng Bí thư của Đảng; những cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đối với Đảng và dân tộc là rất to lớn.


Từ thực tiễn trưởng thành và làm phong phú “thực tiễn cách mạng”:

Từ một học sinh tiểu tư sản, 15 tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã giác ngộ Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, sớm hòa mình gắn bó với đời sống gian khổ của thợ mỏ và tích cực tự rèn luyện qua thực tiễn, trau dồi lý luận cách mạng. Chỉ sau hơn 2 năm hoạt động (1928 – 1930), đồng chí đã trở thành một trong những người đầu tiên xây dựng các chi bộ Đảng và Đặc khu ủy Đảng ở vùng mỏ, một lãnh đạo chủ chốt của phong trào công nhân vùng than Đông Bắc.


Khi bị địch giam cầm tại nhà tù Côn Đảo (1931 – 1936), đồng chí cùng các cán bộ trung kiên của Đảng biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Nhiều tác phẩm kinh điển của Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Nguyễn Ai Quốc... đã được đồng chí tích lũy (kiểm nghiệm qua thực tiễn phong phú của mình) chính trong những năm tháng này.


Tuy chưa kịp ra nước ngoài nghiên cứu về phong trào cộng sản và công nhân thế giới, nhưng tinh thần Quốc tế vô sản đã thể hiện rõ nét khi đồng chí trở thành đảng viên cộng sản ngay từ những năm 30. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ có nhiều bài viết sâu sắc kêu gọi những người cộng sản cùng các tầng lớp nhân dân lao động Việt Nam ủng hộ cách mạng Trung Quốc, Liên Xô; ủng hộ Liên Xô vào Hội Quốc liên; vận động giúp cách mạng Trung Quốc kháng Nhật... thể hiện tầm nhìn về mối quan hệ biện chứng giữa cách mạng nước ta và Đông Dương với cách mạng thế giới.


Người chỉ đạo thay đổi chiến lược, tạo bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam (1938 – 1942):

Đầu tháng 4.1938, Chính phủ Pháp thỏa hiệp với Hít-le về vấn đề Tiệp Khắc, nguy cơ bùng nổ chiến tranh thế giới hiện hữu; tình hình Quốc tế diễn biến theo hướng bất lợi cho cách mạng Việt Nam và Đông Dương. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Cừ sớm đặt vấn đề chuyển hướng chiến lược của Đảng. Những chủ trương đúng đắn và nhạy bén của Đảng ta, đặc biệt là việc Đảng rút vào hoạt động bí mật, trước diễn biến mau lẹ của tình thế cách mạng (1939) đã giảm bớt tổn thất cho Đảng.


Chỉ 2 tháng sau Đại chiến thế giới II bùng nổ, ngày 6.11.1939 đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập Hội nghị BCH T.Ư Đảng lần thứ 6. Trên cơ sở thống nhất nhận định và xác định nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn cách mạng mới, Hội nghị chủ trương: Thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ không còn thích hợp; khẩu hiệu Cách mạng ruộng đất tạm gác lại, chỉ tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc; khẩu hiệu Thành lập Chính quyền Xô-viết công, nông, binh thay bằng Thành lập Chính quyền Dân chủ cộng hòa; phương pháp cách mạng cũng chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang trực tiếp đánh đổ đế quốc và tay sai; từ hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp sang bí mật và không hợp pháp, chuẩn bị điều kiện tiến tới khởi nghĩa vũ trang. Đặt trong hoàn cảnh lịch sử bấy giờ, quyết định chuyển hướng chiến lược và thay đổi phương pháp cách mạng của Hội nghị là hết sức sáng suốt, thể hiện tư duy chính trị nhạy bén, năng lực sáng tạo của BCH T.Ư Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.


Nhà lý luận xuất sắc của Đảng:

Sáng kiến thành lập Mặt trận Thống nhất dân chủ của đồng chí Nguyễn Văn Cừ trình Hội nghị T.Ư 5 (tháng 3.1938), được coi là bước đột phá trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Tác phẩm “Các quyền tự do dân chủ của nhân dân Đông Dương” của đồng chí luận giải được nhiều vấn đề lý luận cơ bản để Đảng ta đưa ra những quyết sách chiến lược, sách lược thời kỳ Mặt trận Thống nhất dân chủ.


Từ tình thế năm 1939, đồng chí chỉ đạo tiến hành một cuộc đấu tranh sâu rộng trên mặt trận lý luận, mà trước hết là vạch rõ chân tướng bọn Tơ-rốt-kít, chỉ ra nguyên tắc liên hiệp giữa Đảng Cộng sản với các đảng phái khác.


Trong đấu tranh củng cố nội bộ, tháng 6.1939, với bút danh Trí Cường, đồng chí viết cuốn “Tự chỉ trích”, đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức.


Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, trong giai đoạn cách mạng 1939 – 1940, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn được giải quyết sáng tạo, phù hợp với quy luật khách quan.


Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời:

Bước vào hoạt động cách mạng từ lúc còn là học sinh cho đến khi về cõi vĩnh hằng, dù không được đi học ở trường lớp lý luận chính trị nào, nhưng bằng niềm tin, nghị lực biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ luôn tự trang bị cho mình những hiểu biết sâu rộng về khoa học chính trị, trở thành Tổng Bí thư của Đảng.


Đồng chí đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực tiễn cách mạng phong phú của cách mạng Việt Nam với phong trào cộng sản và công nhân Quốc tế, với lý luận khoa học Mác – Lê-nin, tư tưởng Nguyễn Ai Quốc, cùng BCH T.Ư Đảng giải quyết đúng đắn những yêu cầu cách mạng nước nhà và Đông Dương đặt ra.


Đồng chí còn là tấm gương gắn bó “máu thịt” với quần chúng. Bất kỳ ở đâu, giữa những phu mỏ Đông Bắc hay bạn tù Côn Đảo, dù là đảng viên hay trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí luôn thể hiện đạo đức cách mạng trong sáng, chân thành, giản dị, gương mẫu, chan hòa... lan tỏa sức mạnh thu hút quần chúng.


Với kẻ thù và những phần tử phản động mưu toan chia rẽ, phá hoại Đảng, đồng chí kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng. Với sai lầm, thiếu sót của cán bộ, đảng viên, đồng chí luôn nhỏ nhẹ, chân thành, có lý, có tình...

Học tập tấm gương hy sinh oanh liệt, đạo đức cách mạng sáng ngời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ; cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc toàn tỉnh quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh.


ĐỖ PHAN THIẾT (Soạn)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

UBND tỉnh làm việc với Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư tỉnh
HGĐT- Chiều ngày 28.6, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Trung tâm tư vấn và Xúc tiến đầu tư tỉnh để nghe báo cáo kế hoạch triển khai Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo tình hình sau 1 năm thành lập Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư, báo cáo kết quả thực hiện công tác 6 tháng đầu năm.
30/06/2012
Đề xuất nhiều giải pháp tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)
HGĐT- Sáng 29.6, tại Hà Nam, đã diễn ra Hội thảo Báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc vòng II, do Báo Hà Nam đăng cai tổ chức.
29/06/2012
Hội nghị giao ban trực tuyến công tác dân vận 6 tháng đầu năm 2012
HGĐT- Ngày 28.6, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước để giao ban công tác dân vận 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
29/06/2012
Hội nghị báo cáo viên tháng 6
HGĐT- Ngày 29.6, tại hội trường Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy diễn ra Hội nghị báo cáo viên tháng 6 năm 2012. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể của tỉnh.
29/06/2012