Giản dị và vĩ đại
HGĐT - Phút xuất thần được cạnh Bác Hồ kính yêu đã giúp cố Nhà thơ Tố Hữu làm nên những vần thơ hay nhất, cô đọng nhất về sức lan tỏa mãnh liệt, ảnh hưởng to lớn và sâu sắc của phẩm chất, nhân cách Hồ Chí Minh: “Ta bên Người, Người tỏa sáng quanh ta/ Ta bỗng lớn ở bên người một chút”. Hai câu chuyện nhỏ dịp mừng Bác 60 tuổi là minh chứng sinh động trong muôn vàn ký ức về vị Chủ tịch nước, mà ở đó chất giản dị và sự vĩ đại luôn hòa quyện, mãi trở thành tấm gương xuyên suốt mọi thời đại.
Bác Hồ và Việt Bắc.
Tác giả: Trần Thiện (Chất liệu Sơn dầu)
Lần ấy, Bác so tuổi với... “ông Bành”:
Đó là lần Sinh nhật thứ 60 của Bác. Trong cuộc họp cán bộ các cơ quan Trung ương và nhân Ngày mừng thọ Người; tại Hội trường Văn phòng Chủ tịch phủ (thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bài thơ “Sáu mươi tuổi”để đáp lại thịnh tình những lời chúc thọ của mọi người:
“Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán
So với ông Bành vẫn thiếu niên
Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe,
Trần mà như thế kém gì tiên”.
Tự nhiên thoải mái, tình cảm chân thật, ra đời như hình thức “xuất khẩu thành thơ”, như đi ra từ dân gian; bài thơ toát lên thần thái, tinh thần lạc quan cách mạng và thể hiện trí tuệ, sự minh mẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài nhưng luôn giản dị, gần gũi với đồng bào, chiến sỹ và những “Người cùng khổ”. Giữa lúc mọi người hướng trọn tình cảm thiêng liêng chúc thọ Người, thì như một lời hứa với vận mệnh dân tộc, trước sứ mệnh đưa nước nhà tới phồn vinh, Bác vui vẻ tự so tuổi mình với tuổi ông Bành tổ (sống 800 năm, theo truyền thuyết) và thấy như vậy mình còn “xuân chán”, còn rất...“thiếu niên”. “Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe”, với Bác, có sức khỏe để cống hiến nhiều hơn nữa cho cách mạng Việt Nam, tìm ra con đường đấu tranh đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giành tự do, độc lập cho Tổ quốc; góp phần tích cực cho hòa bình thế giới thì sướng có khác gì... “tiên”!
“Chú thử đếm lại coi”:
Theo tài liệu lưu giữ tại Bảo tàng Tân Trào – ATK, ngày 19.5.1950, để chuẩn bị cho Lễ chúc thọ 60 tuổi của Người, Văn phòng giao nhiếp ảnh gia Nguyễn Đăng Bảy chuẩn bị Phòng triển lãm trưng bày một số ảnh chân dung Bác. Đang ngắm các bức ảnh, nhà nhiếp ảnh bỗng cảm nhận có người đứng sau lưng, ông bối rối quay lại, đã thấy Bác Hồ đứng ngay sau nở nụ cười trìu mến và hỏi: -Chú làm gì vậy? Nhà nhiếp ảnh lúng túng trả lời: -Dạ thưa Bác, cháu chuẩn bị một số ảnh trưng bày nhân dịp mừng thọ Bác sáu mươi tuổi. Bác ôn tồn bảo: -Các chú chỉ vẽ chuyện. Thế, được bao nhiêu ảnh rồi? -Thưa Bác, hai mươi ạ. Bác mỉm cười: -Có đúng hai mươi không? Nhà nhiếp ảnh trả lời: -Dạ thưa Bác, đúng ạ. Bác bảo: -Chú thử đếm lại coi. Nhà nhiếp ảnh lúng túng thật sự, sau một thời gian kiểm tra, ông trả lời: -Vâng, thưa Bác, đúng hai mươi bức ạ. Bác chỉ tay vào ngực và bảo: -Thế còn đây, chú không kể ư? Sau những cử chỉ, hành động trìu mến đó, Bác Hồ và nhà nhiếp ảnh cùng cười phá lên.
Sau này, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đăng Bảy kể lại: “Ở Bác toát lên một cái gì đó làm cho không khí xung quanh, bất kể trong hoàn cảnh nào, cũng trở nên đầm ấm, thân mật và thoải mái, khiến người lần đầu tiên gặp Bác sẽ hết bỡ ngỡ, rụt rè”.
Ý kiến bạn đọc