Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Triển khai nhiệm vụ Tổ tư vấn sưu tầm, đề xuất, phát triển giá trị văn hóa dân tộc thiểu số
HGĐT- Nhằm phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, khắc phục hạn chế, yếu kém trong việc sưu tầm, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc trong tỉnh, sáng ngày 11.5, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị họp Tổ tư vấn sưu tầm, đề xuất, phát triển giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang.
Đồng chí Hoàng Trung Luyến, Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị; cùng dự có các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và các thành viên Tổ tư vấn.
Hội nghị đã thông qua Quy định hoạt động Tổ tư vấn, báo cáo đánh giá thực trạng công tác bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống các dân tộc thiểu số Hà Giang.
Qua đánh giá, công tác bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa, nghệ thuật các dân tộc Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả, như công tác phục dựng và tổ chức lễ hội đã góp phần vào việc xây dựng, bảo tồn, phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều hủ tục lạc hậu trong lễ hội được xóa bỏ, những giá trị nhân văn và ý nghĩa lịch sử được phát huy. Tại thôn, bản, mô hình làng văn hóa được xây dựng đã góp phần giữ gìn giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống các dân tộc, nâng cao nhận thức, tư tưởng của nhân dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo, đẩy lùi tệ nạn xã hội, gắn chặt tình làng nghĩa xóm...
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế nhất định, đó là nhận thức của nhân dân về việc được đầu tư bảo tồn văn hóa truyền thống phi vật thể chưa xác định rõ cho quá trình bảo lưu, gìn giữ và phát huy giá trị; việc thực hiện xã hội hóa trong công tác bảo tồn còn yếu kém. Vì vậy đến nay, qua kiểm kê trong 136 di sản văn hóa phi vật thể của 9 dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Pà Thẻn, Cờ Lao, La Chí, Phù Lá và dân tộc Hoa của 3 huyện Quang Bình, Xín Mần, Hoàng Su Phì thì có 94 di sản đang tồn tại trong cộng đồng các dân tộc Hà Giang, có 42 di sản có nguy cơ mai một.
Đứng trước tình hình đó, phương hướng, nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm được xác định tập trung vào một số nội dung chủ yếu, sưu tầm các giá trị văn hóa, nghệ thuật các dân tộc thiểu số, khảo sát, thống kê để xây dựng kế hoạch bảo tồn cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Tuyên truyền các bản sắc văn hóa, nghệ thuật hiện có đến với nhân dân dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Khuyến khích, động viên các nghệ nhân hướng dẫn, dạy nghề, lưu giữ các giá trị văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc cho lớp trẻ. Thẩm định các giá trị văn hóa, nghệ thuật khi được trưng cầu.
Ý kiến bạn đọc