Hội nghị trực tuyến góp ý Dự thảo Đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội và Tái cơ cấu nền kinh tế
HGĐT- Ngày 27.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành trong cả nước để thảo luận, góp ý dự thảo Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Tái cơ cấu nền kinh tế để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.
Các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Hà Giang. |
Dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Giang có các vị Đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Hà Giang, đại diện lãnh đạo HĐND - UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ngành liên quan.
Dự thảo đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân và vì dân, đảm bảo Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, góp phần thiết thực chuẩn bị cho việc sửa đổi, bổ sung hiến pháp năm 1992 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Về đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cho thấy những năm qua, việc cải cách kinh tế và hội nhập của nước ta đã có những bước phát triển rõ nét, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, GDP theo giá thực tế không ngừng tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, cơ cấu kinh tế từng bước được chuyển đổi tích cực theo hướng hiện đại, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được cải thiện... Tuy nhiên, trong tình hình mới, nền kinh tế nước ta đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế kìm hãm sự phát triển vì vậy việc tái cơ cấu kinh tế sẽ giúp nâng cao hiệu quả tổng hợp các nguồn lực xã hội, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, gia tăng khả năng và tiểm lực của đất nước, thiết lập phát triển cân đối giữa các địa phương, cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và củng cố vị thế trong quan hệ quốc tế.
Tại Hội nghị, đa số các đại biểu thảo luận đều tán thành phần lớn các nội dung được đề xuất trong dự thảo đề án. Các nội dung này đã bao quát được các vấn đề cấp bách cần đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, đồng thời thể hiện sự cần thiết phải tái cơ cấu nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung thêm một số nội dung vào đề án như việc đổi mới trong chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, tăng cường họp trực tuyến, những giải pháp cụ thể, thiết thực phù hợp với từng địa phương để việc tái cơ cấu kinh tế mang lại hiệu quả cao nhất...
Ý kiến bạn đọc