Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ ba
Phó Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN MINH TIẾN giải trình cụ thể như sau:
Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2, UBND tỉnh có quy định việc thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2 từ khâu thẩm định, phê duyệt, báo cáo kinh tế kỹ thuật đến thi công phải quán triệt nghiêm túc phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đồng thời, để đảm bảo cân đối nguồn vốn thì dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tập trung hỗ trợ đầu tư cho các công trình có tổng mức đầu tư không quá 1 tỷ đồng đối với cấp xã và không quá 300 triệu đồng đối với các thôn. Những công trình có tổng mức đầu tư trên 1 tỷ đồng phải lồng ghép các nguồn vốn khác và bố trí vốn để hoàn thành, quyết toán dứt điểm trong 2 năm. Nếu kết thúc giai đoạn đầu tư của chương trình, địa phương nào để xảy ra tình trạng nợ đọng vốn thì tự cân đối nguồn, bố trí nguồn thanh toán. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số chủ đầu tư chưa bám sát vào văn bản, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh nên dẫn đến tình trạng công trình được phê duyệt, báo cáo kinh tế kỹ thuật có tổng mức đầu tư trên 1 tỷ đồng. Việc bố trí đầu tư xây dựng còn dàn trải, kế hoạch bố trí hàng năm cho đầu điểm công trình thấp, nhiều công trình quá 3 năm mà chưa bố trí đủ vốn để thanh toán dứt điểm. Có những công trình đến cuối năm 2010 mới triển khai, xây dựng nên khi kết thúc chương trình mà công trình vẫn còn thi công dở dang. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư chưa chủ động bố trí lồng ghép với các nguồn vốn khác để thực hiện, chỉ chờ vào nguồn vốn của Chương trình 135 giai đoạn 2 để thanh toán. Vì vậy những công trình có tổng mức đầu tư lớn, nguồn vốn 135 không đáp ứng được nên khi kết thúc vẫn còn thi công dở dang hoặc nợ đọng vốn. Công tác thanh, quyết toán của các chủ đầu tư còn chậm, đến tháng 11.2011, một số công trình hoàn thành nhưng chưa quyết toán được dẫn đến nhiều huyện vẫn còn tồn nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn 2.
Để khắc phục và giải quyết những tồn tại trên, tỉnh đề nghị các huyện chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thi công hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ để quyết toán, đẩy nhanh tiến độ đảm bảo đến hết tháng 12.2011 hoàn thành và quyết toán dứt điểm. Đồng thời tiến hành kiểm tra, rà soát các công trình còn thiếu vốn, đề nghị các huyện bố trí ngân sách của huyện thanh toán hoặc bố trí lồng ghép nguồn vốn khác để thanh toán cho các công trình.
TUYÊN BÌNH (Lược ghi)
Khắc phục việc cấp trùng, sai thông tin trên thẻ Bảo hiểm y tế
Tại kỳ họp thứ ba - HĐND tỉnh, các đại biểu chất vấn tình trạng cấp trùng, cấp sai thông tin 36 nghìn thẻ BHYT với số tiền 16,135 tỷ đồng cho các đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ cận nghèo. Nguyên nhân do: Đối với cấp xã, việc lập danh sách mua thẻ BHYT hàng năm được dựa theo danh sách đã mua thẻ BHYT cuối năm cũ, chỉ có đối tượng người nghèo theo kết quả điều tra cuối năm cũ mới lập danh sách mua thẻ BHYT của năm tiếp theo. Nếu không rà soát lại một cách chính xác, thì một số đối tượng thuộc diện người dân tộc thiểu số chưa hết hạn sử dụng thẻ bảo hiểm theo diện người dân tộc, cuối năm cũ lại rơi vào diện hộ nghèo, nếu không bỏ qua đối tượng này mà lại được lập danh sách mua thẻ BHYT năm sau theo diện hộ nghèo sẽ gây trùng lặp. Ngoài ra, do triển khai mua thẻ BHYT trên địa bàn quản lý với số lượng đối tượng lên đến trên 90% dân số, trình độ đội ngũ cán bộ xã còn nhiều hạn chế, nếu không theo dõi chính xác các đối tượng đã mua và đối chiếu kịp thời với việc tăng, giảm đối tượng cấp thẻ, đổi và cấp lại thẻ thì không tránh khỏi việc trùng lặp.
Đối với cấp huyện, UBND huyện, thành phố giao phòng LĐ-TBXH thẩm định danh sách đề nghị mua thẻ BHYT cấp xã trước khi trình duyệt. Tuy nhiên, việc kiểm duyệt danh sách chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức về kinh phí hỗ trợ, mặt khác số lượng cán bộ ít, công việc nhiều, không bố trí được cán bộ chuyên trách theo dõi BHYT, chỉ dựa vào danh sách do cấp xã đề nghị trình UBND huyện, thành phố phê duyệt và tiến hành hợp đồng mua thẻ dẫn đến sai sót, trùng lặp.
Trước tình trạng đó, UBND tỉnh yêu cầu: Tiến hành rà soát, làm rõ và lập danh sách cụ thể từng đối tượng mua trùng, lặp thẻ thuộc nhóm đối tượng nào, số lượng thẻ, thời gian trùng lặp. Trường hợp UBND huyện, thành phố không giải trình cụ thể số thẻ mua trùng lặp theo yêu cầu, hoặc không báo cáo tỉnh tập hợp số liệu đầy đủ để đề nghị BHXH giảm trừ thì yêu cầu quy rõ trách nhiệm cá nhân và bồi thường số tiền mua thẻ trùng lặp.
THIÊN THANH (Lược ghi)
Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư
Giám đốc Sở Công thương NGUYỄN ĐÌNH BẢY trả lời chất vấn về nội dung:
Trả lời: Qua kiểm tra, làm việc thấy rằng, đối với đường dây 0,4 kv từ trung tâm xã Lao Chải đi thôn Bản Phùng, tại vị trí cột số 25, 26 cột đã bị đổ; vị trí cột số 27, 28 cột bị nghiêng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để cấp điện. Hiện tại mới có 16 hòm công tơ, còn thiếu 1 số phụ kiện như: Công tơ (phải được kiểm định), dây đấu nội hòm, Attomát, cáp xuống công tơ, ghíp, băng dính cách điện. Về phương án bán điện, thống nhất bán điện theo sinh hoạt cụm dân cư. Để đảm bảo cấp điện cho công trình, Điện lực thành phố Hà Giang đã có văn bản số 188, ngày 29.8.2011 gửi UBND huyện Vị Xuyên (chủ đầu tư dự án) đề nghị cung cấp các vật tư còn thiếu và cho dựng lại 4 cột đã nêu trên để tiến hành đấu nối điện. Đây là công trình đầu tư từ nguồn vốn 135 giai đoạn 2 do UBND huyện Vị Xuyên làm chủ đầu tư. Công trình đã hoàn thành, nghiệm thu từ 24.3.2009, hồ sơ bàn giao cho Chi nhánh Điện thị xã Hà Giang 23.10.2009 để quản lý vận hành. Để công trình kéo dài, xuống cấp chưa được đấu nối cấp điện cho nhân dân là trách nhiệm của chủ đầu tư và ngành điện phối hợp chưa chặt chẽ.
Đối với dự án đường dây 0,4 kv cấp điện cho thôn Minh Phong, xã Thuận Hòa, trong buổi làm việc giữa Sở Công thương với UBND huyện Vị Xuyên ngày 8.12.2011 không tìm thấy hồ sơ công trình do thất lạc trong quá trình luân chuyển. Làm thất lạc, không tìm thấy hồ sơ, không làm thủ tục bàn giao tài sản cho ngành điện quản lý khi công trình đã hoàn thành là trách nhiệm của chủ đầu tư. Đại diện Sở Công thương đã đề nghị chủ đầu tư chuẩn bị đầy đủ hồ sơ pháp lý có liên quan đến dự án và tổ chức bàn giao tài sản cho Điện lực thành phố Hà Giang để sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Cả 2 công trình trên đề nghị thực hiện xong trước Tết Nguyên đán năm 2012 để nhân dân có điện đón Tết.
BẢO LÂM (Lược ghi)
Cơ quan điều tra trả tự do cho những đối tượng bị bắt tạm giữ và xử lý hành chính là thoả đáng
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh ẤU DUY QUANG trả lời chất vấn nội dung:
Trả lời: Tổng số đối tượng bị bắt tạm giữ theo thủ tục tố tụng sau đó phải xử lý hành chính trong toàn tỉnh năm 2011 có 23 đối tượng. Theo quy định tại Điều 86, Bộ luật Tố tụng Hình sự thì tạm giữ là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do cơ quan điều tra áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã. Biện pháp tạm giữ được áp dụng để ngăn chặn hành vi phạm tội, hành vi trốn tránh pháp luật... Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện Kiểm sát phê chuẩn trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị gia hạn và tài liệu liên quan đến việc gia hạn tạm giữ. Khi hết thời hạn tạm giữ nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Trong 23 trường hợp do Công an cấp huyện, thành phố bắt tạm giữ sau đó xử lý hành chính, Viện Kiểm sát tỉnh thấy rằng: Việc bắt tạm giữ các đối tượng trên là cần thiết, không oan, không sai. Bởi khi xảy ra sự việc, những người bị bắt tạm giữ đều bị bắt quả tang, bắt khẩn cấp, đầu thú hoặc tự thú, một số ít có biểu hiện trốn tránh pháp luật... Tuy nhiên, qua điều tra, xác minh chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, cơ quan điều tra trả tự do cho những đối tượng tạm giữ và xử lý hành chính là thoả đáng.
Trong thời gian tới, đối với cơ quan điều tra các cấp trước khi bắt tạm giữ phải thu thập tài liệu chứng cứ, xác định nhanh chóng tính chất, mức độ vi phạm của đối tượng. Trong thời hạn 12 giờ phải chuyển đầy đủ hồ sơ của đối tượng để Viện Kiểm sát phê chuẩn đúng pháp luật. Viện Kiểm sát các cấp kể từ khi nhận hồ sơ đối tượng và tài liệu liên quan đến việc gia hạn tạm giữ phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn tạm giữ. Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát các cấp hạn chế đến mức thấp nhất việc bắt tạm giữ theo tố tụng sau đó xử lý hành chính, dần dần loại bỏ việc bắt tạm giữ sau đó xử lý hành chính.
GIA BẢO (lược ghi)
Tiếp tục điều tra làm rõ vụ án
Phó Giám đốc Công an tỉnh HẦU A LÝ trả lời chất vấn về nội dung:
Trả lời: Căn cứ tình hình diễn biến vụ việc và các tài liệu thu thập được, ngày 25.8.2011, cơ quan CSĐT Công an huyện Quản Bạ đã khởi tố vụ án hình sự về “Tội buôn lậu” theo quy định tại Điều 153 - BLHS để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật. Kết quả điều tra đã xác định một số đối tượng có liên quan đến vụ án; đồng thời đánh giá đây là vụ án phức tạp, có liên quan đến nước ngoài và các địa bàn khác ngoài tỉnh nên quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn.
Ngày 12.10.2011, Công an tỉnh Hà Giang và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã tiến hành thống nhất phương hướng điều tra, giải quyết vụ án. Ngày 15.10.2011, lãnh đạo Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân nhân tỉnh đã báo cáo trực tiếp Thường trực Tỉnh ủy về tình hình, kết quả, tiến độ điều tra vụ án. Ngày 18.10.2011, Công an tỉnh báo cáo vụ án với Cục An ninh kinh tế tổng hợp - Bộ Công an.
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang, Công an tỉnh đang tiếp tục phối hợp với các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an điều tra làm rõ vụ án.
AN DƯƠNG (lược ghi)
Ý kiến bạn đọc