Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ nhất
HGĐT- Ngày 10.4.1950, tại thị xã Hà Giang, Đại hội đại biểu lần thứ nhất Đảng bộ tỉnh đã khai mạc, 93 đại biểu được bầu chọn từ cơ sở, thay mặt cho1.355 đảng viên của 76 chi bộ trong tỉnh đã về dự Đại hội. Với không khí gấp rút, khẩn trương, chỉ trong một ngày, rất nhiều công việc quan trọng của Đảng bộ đã được Đại hội thảo luận và quyết định.
Tính từ ngày thành lập (25.12.1945) đến Đại hội lần thứ nhất, là quãng thời gian hơn 4 năm, BCH lâm thời Đảng bộ tỉnh gánh vác trọng trách trước Xứ ủy Bắc kỳ, lãnh đạo toàn diện phong trào cách mạng ở Hà Giang sau ngày cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật và bọn phản động Quốc dân Đảng. Đó chính là giai đoạn đầy cam go, thử thách đối với Đảng bộ, chính quyền non trẻ của tỉnh nhà.
Báo cáo đánh giá tình hình, kết quả hoạt động của phong trào cách mạng, của nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc và công tác phát triển đội ngũ đảng viên, xây dựng củng cố tổ chức Đảng của Đảng bộ trình Đại hội đã chỉ rõ: Nhiệm vụ trọng tâm của thời kỳ này là lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng, tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp, tiễu trừ thổ phỉ, tăng gia sản xuất, xây dựng đời sống mới.
Ngay sau khi giành chính quyền, Đảng bộ tỉnh đã nhanh chóng thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về: Đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm - Đảng bộ đã ra Nghị quyết về thanh toán nạn mù chữ cho đảng viên, đòng chí nào chưa biết chữ, đều phải theo học các lớp xóa mù chữ, lớp bình dân học vụ, những đảng viên đã biết chữ phải tiếp tục học văn hóa để mỗi năm lên một lớp. Đồng thời, phát động nhân dân người biết chữ dạy người chưa biết chữ, người biết chữ rồi phải học tiếp để nâng cao văn hóa, tiếp tục dậy người chưa biết chữ. Kêu gọi, phát động, ra chỉ tiêu trong nhân dân hăng hái tăng gia, sẳn xuất mở rộng diện tích, nâng cao năng suất lúa, ngô, trồng nhiều hoa màu để giải quyết lương thực tại chỗ và chi viện cho mặt trận, diện tích vụ đông - xuân 1950 – 1951 đã tăng gấp đôi so với vụ đông - xuân 1949 – 1950.
Tỉnh ta trong giai đoạn này tuy nằm sâu trong vùng hậu phương của cuộc kháng chiến chống pháp, nhưng dựa vào thực dân Pháp và các thế lực thù địch từ bên ngoài, bọn phản động ở các địa phương như: Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Đồng Văn, Vị Xuyên đã liên kết với nhau nổi phỉ ở nhiều nơi như vụ nổi loạn Cờ trắng ở Bắc Quang, các hoạt động chống phá của bọn tổng giáp, mã phài câu kết với bọn đặc vụ nước ngoài ở Đồng Văn; hoạt động chống phá chính quyền của bọn phản động ở Linh Hồ (Vị Xuyên). Trước tình hình đó, Tỉnh ủy đã bàn và ra Nghị quyết chuyên đề về trấn áp bọn phản các mạng, tiễu trừ thổ phỉ, xây dựng củng cố chính quyền cách mạng. Và từ năm 1947 đến năm 1953, với các hoạt động trấn áp, tiễu trừ, đã cơ bản đập tan các tổ chức phản động, thổ phỉ trong tỉnh; góp phần quan trọng ổn định hậu phương, phối hợp với chiến trường cả nước tiêu diệt kẻ thù ngoài mặt trận.
Đối với công tác xây dựng, củng cố Đảng, chính quyền cách mạng, từ 5 đảng viên đầu tiên khi thành lập, đến cuối năm 1946 Đảng bộ có 49 đảng viên sinh hoạt ở 2 chi bộ và một số tổ đảng; sau hơn 4 năm, khi tiến hành Đại hội lần thứ nhất Đảng bộ tỉnh, đã thành lập Huyện ủy ở tất cả các huyện, nhiều xã đã thành lập chi bộ, toàn tỉnh có 76 chi bộ với 1.355 đảng viên hoạt động tại khắp các cơ sở, các lĩnh vực công tác của tỉnh. Ngay sau khi giành chính quyền, Tỉnh ủy đã lãnhđạo nhân dân thực hiện thành công cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên theo hình thức phổ thông đầu phiếu, bầu ra 2 đại biểu Quốc hội khóa I của tỉnh là đồng chí Nguyễn Huyền Quỷnhvà ông Vương Chí Sình; thành lập HĐND tỉnh gồm 20 đại biểu, HĐND tỉnh đã bầu ra Ủy ban Kháng chiến Hành chính (UBKCHC) tỉnh, đồng chí Nguyễn Huyền Quỷnh làm Chủ tịch. Đồng thời HĐND, UBKCHC các xã cũng được thành lập, đi vào hoạt động. Tỉnh ủy cũng tiến hành thành lập một số cơ quan chuyên môn như Ty Công an, Ty Thông tin, Ty Bình dân học vụ... Đến cuối năm 1948 đã có 17 ty, ban, phòng chuyên môn của tỉnh, huyện với đội ngũ cán bộ là 353 người làm việc; tại Tỉnh ủy, BCH được kiện toàn có 7 ủy viên chính thức, 1 đồng chí dự khuyết, các ban chuyên môn có Ban Tổ chức, Tuyên giáo, Dân vận, Kiểm tra tham mưu cho BCH và đồng chí Bí thư các mặt công tác của Đảng bộ.
Sau khi bàn và quyết định nhiều nhiệm vụ quan trọng, cụ thể, Đại hội đã tiến hành bầu cử; BCH Đảng bộ tỉnh khóa I gồm 11 ủy viên, đồng chí Nguyễn Công Thành được bầu làm Bí thư, đồng chí Trần Quốc Trung được bầu giữ chức vụ Phó Bí thư, Chủ tịch UBKCHC; đồng chí Nguyễn Quang Tu được bầu là Ủy viên Thường vụ.
Ra đời và trưởng thành cùng phong trào cách mạng trong tỉnh, được sự thương yêu, che chở của nhân dân, từ chi bộ đầu tiên với 5 đảng viên, nhưng đã nhận ngay trọng trách lãnh đạo phong trào cách mạng tỉnh nhà, Đảng bộ Hà Giang đã vượt qua vô vàn khó khăn, hy sinh, mất mát của những ngày đầu gian khó, nhanh chóng trưởng thành. Đại hội lần thứ nhất của Đảng bộ với những nội dung, kết quả cụ thể như một mốc son ghi nhận và khẳng định vai trò, vị thế lãnh đạo, sự tôn trọng và tín nhiệm của nhân dân đối với Đảng bộ trong những ngày đầu gian khó của cách mạng tại quê hương Hà Giang.
Ý kiến bạn đọc