Sơ kết mô hình thí điểm bếp đun cải tiến thuộc Đề án chuyển đổi chất đốt tại 4 huyện vùng cao núi đá
HGĐT - Ngày 23.11, tại xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện mô hình thí điểm bếp đun cải tiến thuộc đề án chuyển đổi chất đốt tại 4 huyện vùng cao núi đá giai đoạn 2011-2015.
Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo HĐND, UBNDtỉnh,các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc; trưởng các phòng, ban liên quan, lãnh đạo các xã trên địa bàn 4 huyện vùng cao và các hộ gia đình được sử dụng bếp đun cải tiến thí điểm.
Thói quen sử dụng cây rừng làm chất đốt từ xưa đến nay của người dân các huyện vùng cao đang tác động xấu đến tài nguyên rừng, ảnh hưởng đến môi trường sống và dẫn đến nhiều nguy cơ về thiên tai, lũ quét... Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã có Đề án số 48/ĐA-UBND ngày 19/5/2011 về việc chuyển đổi chất đốt cho 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc giai đoạn 2011-2015 nhằm hạn chế tối đa tác động của con người đến tài nguyên rừng, đồng thời thay đổi thói quen, nhận thức của người dân trong việc sử dụng cây rừng làm chất đốt một cách tùy tiện. Sau gần một năm triển khai thực hiện thí điểm tại xã Phố Cáo, đến nay các bếp đun cải tiến đã phát huy hiệu quả, tiết kiệm đến gần 2/3 củi, có thể đun được nhiều loại nguyên liêu như củi, gỗ, phế phẩm của nông nghiệp, tiết kiệm được 20-30% thời gian đun nấu, đun được nhiều loại nồi khác nhau, phù hợp với phong tục tập quán của người dân vùng cao là có thể sưởi ấm vào mùa đông, bảo quản nông sản và được đánh giá là mô hình có tính khả thi cao. Đề án đã thí điểm 230 bếp đun cho 221 hộ gia đình trong đó có 220 bếp đun cải tiến (gồm bếp đơn và bếp đôi) và 10 bếp đun không khói với tổng số tiền257 triệu đồng. Qua tham quan mô hình, các đại biểu đã có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội nghị xoay quanh các vấn đề như: Cầnthiết kế bếp cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân, mức hỗ trợ cho người dân xây bếp, mở các lớp tập huấn kỹ thuật xây bếp để không mất công thuê thợ...
Kết luận tại Hội nghị, Đồng chí Nguyễn Minh tiến khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, hiệu quả, và có ý nghĩa, vừa bảo vệ rừng, vừa đáp ứng được nhu cầu đun nấu của người dân. Trong giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung triển khai nhân rộngtại các xã gần rừng, ít rừng và những xã xây dựng nông thôn mới. Mức hỗ trợ để các hộ xây bếp đôi là 80% giá thành vật liệu đối với hộ nghèo và cận nghèo, 50% giá thành vật liệu đối với các hộ trung bình trở lên, 100 % đối với các trường bán trú vàsẽ hỗ trợ theo giá thành vật liệu từng địa bàn. Các huyện lập danh sách các hộ đăng ký thực hiện xây bếp đun cải tiến trong năm 2012 và báo cáo tỉnhtrước ngày 31.12.2011,đồng chí cũng nhấn mạnh các huyện phải bắt tay làm ngay và ưu tiên làm trước, chỉ đạo các trung tâm dạy nghề mở các lớp tập huấn đào tạo thợ xây lò để người dân tự xây, tiết kiệm chi phí.
Ý kiến bạn đọc