Nghị quyết 37 tạo chuyển biến sâu sắc đời sống xã hội nơi địa đầu Tổ quốc
HGĐT- “Các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, vận dụng hiệu quả kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết 37 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thắng lợi 4 đổi mới, 8 đột phá, 15 chương trình trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết XV Đảng bộ tỉnh”. Đây là quan điểm chỉ đạo của tỉnh tại Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Nghị quyết 37. Điều này, một lần nữa khẳng định, những tư tưởng, định hướng của Nghị quyết 37 có tác động tích cực tới mọi mặt đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần đưa Hà Giang từng bước thoát nghèo.
Hơn 7 năm trước, Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết 37-NQ/TW về phương hướng phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN vùng trung du, miền núi Bắc Bộ đến năm 2010. Ngay khi Nghị quyết 37 được ban hành, tỉnh ta xác định nó mang tầm chiến lược quan trọng trong việc đẩy nhanh tốc độ phát triển, cải thiện hệ thống hạ tầng KT-XH của Hà Giang nói riêng và cả vùng trung du, miền núi Bắc Bộ nói chung. Để Nghị quyết được triển khai vào cuộc sống, tỉnh ta đã chú trọng công tác tuyên truyền, tổ chức quán triệt, học tập nội dung, tư tưởng, nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, đảng viên, quần chúng nhân dân về sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới còn nhiều khó khăn. Qua đó, mỗi người xác định rõ trách nhiệm, mục tiêu, nhiệm vụ, phấn đấu thực hiện tốt Nghị quyết. Hàng năm, tỉnh còn chú trọng kiểm tra, đôn đốc các ngành, đơn vị, huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, chương trình, chính sách thực hiện Nghị quyết 37.
Nhằm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 37, tỉnh ta đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách và nhiệm vụ, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong 6 năm thực hiện Nghị quyết 37, BCH Đảng bộ tỉnh đã tập trung trí tuệ, linh hoạt, sáng tạo, xây dựng nhiều nghị quyết chuyên đề ở nhiều lĩnh vực như: Đẩy mạnh phát triển du lịch; đào tạo nghề, phát triển làng nghề, giải quyết việc làm trong nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu lao động; đẩy mạnh GD-ĐT; nhiệm vụ QP-AN; phát triển công nghiệp - thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ; công tác cán bộ xã, phường, thị trấn; phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; tăng cường lãnh đạo thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững… Việc triển khai, thực hiện Nghị quyết trên, đã tạo chuyển biến to lớn trong phát triển KT-XH và các mặt của đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh.
Với điều kiện đặc thù một tỉnh miền núi, biên giới, xuất phát điểm đi lên của nền kinh tế thấp, nhưng từ các chủ trương, chính sách, cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 37, Hà Giang đã có những bước chuyển mình ngoạn mục. Nền kinh tế của tỉnh sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 37 tăng trưởng khá nhanh, giá trị tăng thêm đạt tốc độ bình quân 11,8%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, giá trị gia tăng bình quân đầu người đạt 7,5 triệu đồng, tăng 4,8 triệu đồng so với năm 2004 và gấp 4,5 lần so với năm 2000 (vượt 2 lần so với mục tiêu Nghị quyết 37). Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều vùng chuyên canh hàng hóa được hình thành, phát huy hiệu quả, đã dần đưa nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hàng hóa. Đặc biệt, việc mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang trồng cỏ, đã góp phần đưa chăn nuôi thành ngành có thu nhập cao, tạo nguồn thu lớn cho người dân.
Cùng với nông nghiệp, lĩnh vực công nghiệp cũng có sự tăng trưởng vượt bậc. Nhờ làm tốt công tác quy hoạch, ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư, đến nay ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh như thủy điện, khai thác khoáng sản đã hoạt động có hiệu quả, tạo giá trị lớn cho nền kinh tế. Số cơ sở sản xuất công nghiệp tăng từ 3.228 năm 2004 lên 3.886 vào năm 2010, điều này kéo theo giá trị sản xuất công nghiệp thực tế tăng từ gần 333 tỷ đồng năm 2004 lên trên 1 nghìn tỷ đồng năm 2010. Các dự án sản xuất công nghiệp được triển khai, đưa vào sử dụng, đã giải quyết công ăn, việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội...
Các lĩnh vực khác như xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, văn hóa - xã hội…cũng có sự chuyển biến đáng khích lệ, là nguồn động viên lớn để chúng ta tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 37, công tác cán bộ của tỉnh có sự đổi mới, chuyển biến rõ nét. Tỉnh ta đã mạnh dạn triển khai luân chuyển cán bộ giữa các cấp, ngành; tăng cường tổ công tác, cán bộ, sỹ quan lực lượng vũ trang cho xã điểm, xã biên giới, đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt ở các xóm, bản biên giới; hợp đồng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng làm việc tại xã. Thực hiện thành công chủ trương đưa chức danh chủ chốt xã, thị trấn lên huyện bồi dưỡng phương pháp làm việc; thí điểm nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở cấp xã, Bí thư chi bộ là trưởng thôn bản; thành lập chi bộ quân sự xã…đã phát huy tác dụng tốt và nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hệ thống chính trị cơ sở vùng cao, biên giới, người dân tộc thiểu số được đặc biệt quan tâm. Đội ngũ cán bộ đã có những chuyển biến cơ bản về trình độ chuyên môn, chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý điều hành, phong cách, lề lối làm việc hiệu quả hơn; cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ ở cơ sở được tăng cường. Quy trình lựa chọn, cử cán bộ đi đào tạo gắn với quy hoạch ngày càng chặt chẽ, đảm bảo công khai, dân chủ, từ đó phát huy hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan.
Những ngày này, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc của tỉnh, đang nỗ lực vượt khó, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV ngay từ năm đầu kế hoạch. Mặc dù còn bộn bề gian nan, nhưng những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết 37, các chủ trương, chính sách, chương trình phát triển KT-XH của tỉnh thời gian qua là tiền đề quan trọng, đòn bẩy để tỉnh ta từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên, gặt hái thành công mới.
Ý kiến bạn đọc