Hội nghị báo cáo tình hình tồn đọng bồi thường giải phóng mặt bằng từ 2005 đến nay
HGĐT- Ngày 18.10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị nghe các ngành liên quan, các huyện, thành phố báo cáo về tình hình tồn đọng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) từ năm 2005 đến nay.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại Hội nghị. |
Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở: Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Giao thông - Vận tải, Công thương, Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Nông nghiệp - PTNT...; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Hội nghị đã nghe lãnh đạo Sở Tài chính báo cáo kết quả tổng hợp kinh phí bồi thường GPMB trên toàn tỉnh (số liệu tổng hợp từ 17/22 báo cáo). Từ 2005 đến nay, UBND tỉnh phê duyệt kinh phí bồi thường cho 45 dự án, tổng kinh phí bồi thường là 106.175,34 triệu đồng, đã thanh toán 87.105,92 triệu đồng. Trong số này, dự án được thanh toán từ nguồn ngân sách Nhà nước 85.126,50 triệu đồng, vốn ứng từ doanh nghiệp 1.979,42 triệu đồng. Tổng số tiền còn thiếu cho công tác giải phóng mặt bằng hiện nay còn thiếu 21.048,84 triệu đồng. UBND các huyện, thành phố phê duyệt kinh phí bồi thường 101 dự án với tổng kinh phí 130.514,92 triệu đồng, đã thanh toán 92.705,39 triệu đồng, trong đó thanh toán từ nguồn ngân sách Nhà nước 76.262,96 triệu đồng, ứng vốn thanh toán từ doanh nghiệp 16.442,43 triệu đồng.Vốn thiếu đền bù GPMB của UBND các huyện, thành phố hiện nay là 54.215,96 triệu đồng. Đến nay toàn tỉnh còn 123 dự án chưa có quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường với tổng kinh phí cần có là 65.539,10 triệu đồng. Trong việc tạm ứng và quyết toán kinh phí bồi thường đối với ngân sách của tỉnh, từ 2005 đến nay số kinh phí tạm ứng chưa được bố trí kế hoạch vốn thu hồi 95.617,39 triệu đồng. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, số dư tạm ứng kinh phí để chi trả bồi thường GPMB của các chủ đầu tư chưa thanh toán với Kho bạc Nhà nước từ 2005 đến nay là 40.651 triệu đồng. Về quyết toán bồi thường GPMB chưa được các chủ đầu tư quan tâm.
Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tồn đọng bồi thường GPMB thời gian qua là do một số chủ đầu tư không quan tâm đến việc thanh toán tạm ứng với Kho bạc Nhà nước nên số dư tạm ứng lớn, kéo dài qua nhiều năm, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý trong công tác theo dõi, thanh quyết toán vốn đầu tư. Khi trình phê duyệt dự án đầu tư, các chủ đầu tư không đề cập đến nội dung chi phí bồi thường GPMB trong tổng mức đầu tư, do đó khi bố trí kế hoạch vốn cho công trình các chủ đầu tư không ưu tiên giải quyết thanh toán do không nằm trong dự án. Một số trường hợp, sự phối hợp giữa chủ đầu tư và Hội đồng bồi thường GPMB các huyện, thành phố chưa chặt chẽ...
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Sơn đề nghị: Cácđơn vị chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với Hội đồng đền bù các huyện, thành phố; Chủ đầu tư các cấp cần thực sự quan tâm đến công tác đền bù; Hội đồng đề bù các huyện trực tiếp tổng hợp chi tiết, cụ thể các dự án cần đền bù GPMB; phân chia rõ nhóm chủ đầu tư các dự án còn tồn đọng; Các chủ đầu tư, các huyện khẩn trươngtổng hợp hồ sơ các công trình còn tồn đọng giao sở Tài chính tổng hợp tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết; Những công trình dưới 10 triệu đồng chủ đầu tư chủ động giải quyết đền bù; huyện dùng nguồn vốn của mình giải quyết các công trình còn tồn đọng kinh phí bồi thường dưới 5 tỷ đồng trên địa bàn...
Ý kiến bạn đọc