Hội thảo “Đồng Văn - Tiềm năng và phát triển”
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh phát biểu tại Hội thảo. |
Dự hội thảo có các đồng chí: Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo quận Cầu Giấy (Hà Nội), ĐHQG Hà Nội, các nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh...
Đồng Văn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển KT-XH và rất mong nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, nhà khoa học nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, cây dược liệu, chăn nuôi theo quy mô trang trại, tạo ra nền nông nghiệp hàng hóa có tính cạnh tranh cao trên thị trường; quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, quy hoạch chi tiết các ngành, lĩnh vực, các ngành, nghề truyền thống, kêu gọi, thu hút các nguồn lực để khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn hạn chế... Đồng Văn mong muốn các nhà khoa học, nhà đầu tư hiến kế, đề ra giải pháp tạo bước đột phá tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng và hiệu quả; giải pháp phát triển nguồn nhân lực; khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của Cao nguyên đá; giải quyết vấn đề chất đốt cho người dân; kinh nghiệm tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức quốc tế; ứng dụng thành tựu KHCN vào sản xuất...
Để thu hút đầu tư, Đồng Văn cam kết thực hiện tốt công tác quy hoạch, công khai quy hoạch được duyệt, các danh mục, dự án kêu gọi, thu hút đầu tư, thường xuyên cung cấp thông tin về mục tiêu, yêu cầu đầu tư, thủ tục hành chính, trách nhiệm các ngành trong huyện đối với từng công đoạn, quy trình đầu tư cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp với địa phương khi tham gia đầu tư, làm cơ sở cho các doanh nghiệp lựa chọn cơ hội đầu tư; ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có ý định làm ăn nghiêm túc, lâu dài, đủ năng lực tài chính, khả năng, kinh nghiệm thực hiện, quản lý dự án. Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng: Phối hợp chặt chẽ với các ngành của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; giải quyết nhanh, gọn các thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho nhà đầu tư. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn, phù hợp với các quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương.
Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh nhấn mạnh: Hà Giang nói chung, Đồng Văn nói riêng sẵn sàng mở cửa, khuyến khích, đón các nhà khoa học, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, triển khai đầu tư vào các lĩnh vực, đặc biệt các dự án phát triển du lịch Cao nguyên đá. Tiềm năng đặc trưng của Hà Giang, Đồng Văn là đá, sự khác biệt về khí hậu...đã tạo ra những sản phẩm đặc trưng hiếm nơi nào có được. Tiềm năng về cảnh quan, di sản của Đồng Văn rất lớn, nhưng cách làm, cách tiếp cận chưa được cụ thể hóa bằng cơ chế bắt nguồn từ thực tiễn để khai thác được nó, hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Trên Cao nguyên đá, hiện còn lưu giữ được nhiều nét sinh hoạt văn hóa rất độc đáo, cần phải duy trì, bảo tồn. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Hội thảo cần đề ra được cơ chế, chính sách hiệu quả để thu hút đầu tư phát triển CVĐC toàn cầu, có lộ trình, giải pháp cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, đề án phát triển sản xuất hàng hóa, chuyển đổi chất đốt, phát triển cây vụ đông, cây dược liệu, cây cảnh quan, xây dựng nông thôn mới...; đề xuất cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững. Hội thảo thống nhất đề nghị Chính phủ có quan điểm quy hoạch CVĐC toàn cầu; đặt ra yêu cầu bức thiết trước mắt cũng như lâu dài về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng CVĐC; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các huyện, xã tăng cường quản lý hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng từ đá; việc quy hoạch, phát triển phải có ngôn ngữ, kiến trúc riêng mang nét đặc trưng của Hà Giang; Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục đưa các nhà khoa học đến tác động vào CVĐC toàn cầu, ứng dụng tiến bộ khoa học trên Cao nguyên đá, xem xét giúp Hà Giang quy hoạch Bảo tàng địa chất ở CVĐC toàn cầu; trường Đại học kinh tế giúp Hà Giang đánh giá lại cơ chế chính sách hiện có trên địa bàn Hà Giang và CVĐC toàn cầu, đề xuất cơ chế đặc thù báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Tổng cục Du lịch tăng cường quảng bá tiềm năng du lịch Hà Giang, CVĐC toàn cầu, liên kết các tua, tuyến du lịch nổi tiếng trong nước với CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng các điểm dừng chân; các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh CVĐC toàn cầu... Tỉnh Hà Giang đánh giá cao, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các nhà khoa học, nhà đầu tư, cụ thể hóa bằng chủ trương, chính sách để Đồng Văn, Cao nguyên đá và Hà Giang phát triển.
Đại diện Tổng công ty Xăng - dầu trao tài trợ 9 tỷ đồng cho huyện Đồng Văn. Ảnh: AN DƯƠNG |
Các đại biểu dự Hội thảo đóng góp nhiều kinh nghiệm, sáng kiến nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để Đồng Văn phát triển bền vững; các doanh nghiệp đã trao tài trợ phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Đồng Văn.
THIÊN THANH
* Đột phá một số lĩnh vực tạo phát triển bền vững
(PGS-Ts VŨ VĂN TÍCH,ĐHQG Hà Nội) |
Để phát triển, Đồng Văn phải vượt qua thách thức về thiếu nguồn nước, đất canh tác, nguồn nhiên liệu và tai biến thiên nhiên có xu hướng gia tăng; hiện trạng phát triển KT-XH đặt ra cho Đồng Văn phải có bước phát triển đột phá. Sự kiện Cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới CVĐC toàn cầu mở ra cơ hội lớn cho phát triển kinh tế du lịch, đặc biệt phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, du lịch khoa học, du lịch văn hóa - lịch sử và nghỉ dưỡng; phát triển nền nông nghiệp sạch, tạo sản phẩm hàng hóa gắn với du lịch, tăng cường đầu tư phát triển đàn bò, tạo nên các sản phẩm rau quả sạch, chất lượng cao; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của bước đột phá. Đồng Văn cần tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, nâng cấp và phát triển các di sản thiên nhiên, văn hóa; có cơ chế thích hợp nâng cao đời sống người dân để họ yên tâm bảo vệ những di sản thiên nhiên ban tặng. Đầu tư phát triển du lịch Đồng Văn, không những thu được lợi ích kinh tế, giá trị khoa học, còn đem lại những giá trị xã hội sâu sắc, đồng thời góp phần bảo đảm AN-QP ở mảnh đất biên cương Tổ quốc...
THIÊN THANH (Lược ghi)
* Bảo tồn và khai thác tối ưu tiềm năng du lịch
(Tiến sỹ NGUYỄN ANH TUẤN, Vụ phó Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch) |
Để thực sự thúc đẩy, tạo bước đột phá cho du lịch phát triển, Đồng Văn cần đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh, trên cơ sở đó xác định rõ định hướng phát triển; đặc biệt coi trọng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đầu tư phát triển du lịch; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch; chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo và đa dạng; đẩy mạnh quảng bá du lịch Đồng Văn cả trong và ngoài nước; coi trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch; bảo vệ môi trường, cảnh quan, đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển bền vững...
TIẾN CHIẾN (Lược ghi)
* Nâng cao giá trị sản xuất nông lâm nghiệp
(NGUYỄN ĐỨC VINH - Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Giang)
Đồng Văn có điều kiện, khí hậu thổ nhưỡng rất đặc biệt để đầu tư, phát triển các loại cây trồng, cây dược liệu thế mạnh, có thể đưa nông nghiệp thành nền sản xuất hàng hóa, có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Để làm được điều đó, trước hết Đồng Văn cần đầu tư, rà soát lại quy hoạch phát triển nông - lâm nghiệp trên địa bàn, gắn với quy hoạch từng ngành trên toàn tỉnh từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030; tập trung đầu tư, thâm canh cây trồng, chủ yếu là cây ngô để trở thành cây hàng hóa; khai thác lợi thế và điều kiện tự nhiên của vùng, phát triển vùng rau, hoa phải đảm bảo về quy mô diện tích, sản lượng hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng; phát triển vùng cây dược liệu có khả năng cho thu nhập cao, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương, có chính sách hỗ trợ trồng cây Đỗ trọng, Đương quy, Actiso, Bạc hà, Xuyên khung; trồng cỏ làm thức ăn gia súc, gắn với chế biến thức ăn để từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành có thu nhập cao; đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ rừng gắn du lịch văn hóa, du lịch sinh thái Cao nguyên đá. Phát triển công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; nghiên cứu khảo nghiệm, chuyển giao KHKT vào sản xuất... Có như vậy, những tiềm năng, lợi thế trong nông - lâm nghiệp của huyện mới thực sự được phát huy, có đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển KT-XH, nâng cao đời sống người dân, để mọi người cùng tham gia bảo tồn, phát huy giá trị Cao nguyên đá.
VĨNH PHÚC (Lược ghi)
* Giải pháp phát triển bền vững
(TRẦN VĂN HÒA - Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Giang) |
VĨNH PHÚC (Lược ghi)
Ý kiến bạn đọc