Đoàn công tác Ban Bí thư T.Ư Đảng khảo sát kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị tại Hà Giang
HGĐT- Chiều 13.9, đoàn công tác của Ban Bí thư T.Ư do đồng chí Lê Khả Đấu, Phó Trưởng BCĐ Tây Bắc và các thành viên trong đoàn sau khi đi thị sát thực tế đó có buổi làm việcvới BTV Tỉnh ủy.
Đánh giá quá trình triển khai thực hiện Nghị Quyết 37 của Bộ Chính trị (khóa IX) trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong nhiệm kỳ qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ chính trị, với sự đồng thuận, năng động, sáng tạo, quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và nỗ lực vươn lên của cán bộ, đảng viên, đồng bào các dân tộc, Hà Giang đã giành được những thành tựu to lớn và tương đối toàn diện trên nhiều lĩnh vực như: Nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, giá trị tăng thêm của nền kinh tế đạt tốc độ tăng bình quân 11,8%/năm (mục tiêu của Nghị quyết 37 từ 9-10%). Các tiềm năng thế mạnh phát triển các lĩnh vực nông lâm nghiệp, công nghiệp, thương mại du lịch từng bước được khai thác và phát huy có hiệu quả; thu ngân sách trên địa bàn tăng khá, an ninh lương thực được đảm bảo, đời sống của đại bộ phận nhân dân các dân tộc được cải thiện đáng kể; kết cấu hạ tầng KT-XH được quan tâm đầu tư, tạo diện mạo mới từ nông thôn đến thành thị. Đặc biệt công tác cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở chuyển biến tích cực; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên được nâng lên; lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được củng cố... Tuy nhiên, những thành tựu đạt được vẫn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển và tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; trình độ phát triển còn thấp, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế; kết quả xóa đói giảm nghèo chưa bền vững; thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với bình quân chung của cả nước và khu vực, hiện vẫn còn 6 huyện trong số 62 huyện nghèo nhất cả nước... do đó Hà Giang vẫn là tỉnh nghèo, chưa thoát khỏi tình trạng của một tỉnh đặc biệt khó khăn.
Từ thực tiễn quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 37 trong 6 năm qua, Hà Giang đã nghiêm túc rút ra những bài học kinh nghiệm, đồng thời đề xuất, kiến nghị với T.Ư một số nội dung như: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong giai đoạn 2011-2015 với mức độ cao hơn hoặc ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ giai đoạn 2011-2015; ban hành một số cơ chế đặc thù ưu đãi thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội; nâng mức hỗ trợ vốn theo các dự án, chương trình mục tiêu Quốc gia; chương trình vay vốn ODA, ADB, JICA... để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển đô thị và Công viên địa chất; có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các vùng nghèo đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho các tỉnh trong khu vực có cơ hội bứt phá đi lên; nâng cấp tuyến đường giao thông 4C phục vụ cho phát triển Công viên địa chất toàn cầu; tiếp tục bố trí vốn đầu tư để hoàn thành các công trình hồ chứa nước 4 huyện vùng cao phía bắc và nâng cấp của khẩu Quốc gia Thanh Thủy thành cửa khẩu Quốc tế; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai biên giới, đường tuần tra biên giới, tăng vốn đầu tư để hoàn thành việc rà phá vật cản và xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch, ổn định dân cư vùng biên giới...
Tại buổi làm việc, các ý kiến của đoàn công tác đều đánh giá cao quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ chính trị của Hà Giang trong những năm qua, đặc biệt là công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng, công tác đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ nữ và cán bộ là người dân tộc thiểu số; xây dựng đường giao thông; lĩnh vực phát triển kinh tế... Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê khả Đấu cho rằng Hà Giang đã gặt hái được những thành tựu to lớn và tương đối toàn diện, nổi bật là xây dựng được nhiều chương trình, dự án, nhất là phát triển chăn nuôi, trồng rừng kinh tế, phát triển vùng chuyên canh, phát triển vùng tiểu thủ côngnghiệp, giữ gìn phát huy được và bản sắc văn hóa dân tộc; công tác dân tộc tôn giáo ổn định, nhờ triển khai tốt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước tạo ra bước chuyển biến rõ rệt trong phát triển KT-XH và quốc phòng, an ninh. Trong giai đoạn tiếp theo, Hà Giang nên tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, quan tâm đến vùng đặc biệt khó khăn, nâng cao hiệu quả của nguồn vốn đầu tư; tập trung thúc đẩy các vùng động lực và kinh tế mũi nhọn, tạo ra vùng kinh tế động lực cho khu vực Tây Bắc; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư đi đôi với cải cách hành chính, tạo môi trường thu hút đầu tư, nhất là khu KTCK Thanh Thủy, khu Công nghiệp Bình Vàng...
Ý kiến bạn đọc