Ban chỉ đạo Tây Bắc làm việc với BQL Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy và lãnh đạo huyện Vị Xuyên
HGĐT- Trong 2 ngày 12-13.9, đoàn công tác Ban chỉ đạo Tây Bắc do đồng chí Lê Khả Đấu, Phó Trưởng BCĐ Tây Bắc làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với BQL Khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) Thanh Thủy và Ban Thường vụ Huyện ủy Vị Xuyên.
Đồng chí Lê Khả Đấu phát biểu tại buổi làm việc với Ban lãnh đạo huyện Vị Xuyên. |
Cùng đi có các đồng chí: Thiếu tướng Bùi Song Nhân, Cục Phó Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng; Trần Bích Thủy, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đại diện Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải...
Dự các buổi làm việc về phía lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Lê Quang Triều, Ủy viên BTV, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy; Sèn Chỉn Ly, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh và đại diện các ban, ngành, đơn vị liên quan...
Tại buổi làm việc với BQL Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy, đoàn công tác được biết, Khu KTCK Thanh Thủy được hình thành theo Quyết định 184 của Thủ tướng Chính phủ và được áp dụng chính sách đối với khu KTCK biên giới từ năm 2001 đến nay. Đã có 27 dự án do BQL Khu KTCK Thanh Thủy làm chủ đầu tư với tổng giá trị dự toán được phê duyệt 205,54 tỷ đồng. Hiện một số công trình cơ sở hạ tầng đã hoàn thành đưa vào sử dụng và phát huy được hiệu quả. Trong giai đoạn từ 2001 đến nay, tổng giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa đạt 1.116,8 triệu USD, trong đó 8 tháng đầu năm 2011 đạt 120,3 triệu USD; tổng thu thế xuất - nhập khẩu trong giai đoạn này đạt trên 1.334 tỷ đồng. Khu KTCK Thanh Thủy đã có 8 doanh nghiệp được tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 4 dự án đầu tư trong nước, 4 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức vốn ước đạt trên 560 tỷ đồng... Tuy nhiên, Khu KTCK Thanh Thủy vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do hình thành muộn, chưa được nâng cấp thành cửa khẩu Quốc tế; giao thông duy nhất bằng đường bộ; việc thực hiện các dự án đầu tư vào khu KTCK còn chậm, do nguồn vốn ngân sách bố trí cho các dự án còn ít; cơ chế, chính sách mở cửa phát triển cửa khẩu phía nước bạn cũng chưa thông thoáng...
Trước thực trạng này, BQL Khu KTCK Thanh Thủy cũng như lãnh đạo tỉnh Hà Giang đề nghị Chính phủ cần có chính sách đặc thù đối với các cửa khẩu chậm phát triển nóichung, Khu KTCK Thanh Thủy Hà Giang nói riêng, đồng thời đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành T.Ư quan tâm bố trí vốn đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật Khu KTCK giai đoạn 2011-2030; hàng năm bổ sung thêm cho địa phương 100% số vượt thu thuế xuất - nhập khẩu để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật...
Phát biểu tại buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh khẳng định: Hà Giang xác định Khu KTCK Thanh Thủy là khu phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh, do đó trong những năm qua, Đảng bộ Hà Giang đã rất cố gắng trong công tác giải phóng mặt bằng, rà phá bom, mìn để tạo quỹ đất, thu hút đầu tư, xây dựng các dự án hạ tầng kỹ thuật... Ý kiến tại buổi làm việc của các Bộ, ngành T.Ư cũng cho rằng: Khu KTCK Thanh Thủy Hà Giang cần được hưởng những cơ chế chính sách đặc thù, có như vậy mới thu hút được đầu tư, khai thác tiềm năng và tương xứng với cửa khẩu bên nước bạn, nhằm từng bước phát triển theo đúng tinh thần quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tại buổi làm việc với BTV Huyện ủy Vị Xuyên và lãnh đạo các phòng, ban trong huyện, đoàn công tác đã nghe báo cáo tổng kết 6 năm thực hiện Nghị quyết trên địa bàn huyện, trong đó nêu: Sau 6 năm, thực hiện Nghị quyết, kinh tế Vị Xuyên luôn duy trì tốc độ tăng trưởng trên 18%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Kinh tế cửa khẩu phát triển, giá trị hàng hoá xuất - nhập khẩu trên địa bàn đạt trên 14 triệu USD...
Tuy nhiên, đối với một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, do đó tốc độ tăng trưởng kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng chưa đồng bộ, bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào sự đầu tư của T.Ư, của tỉnh. Nguyên nhânlà do xuất phát điểm của nền kinh tế – xã hội thấp; huy động nguồn lực còn gặp nhiều khó khăn; kết cấu cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của địa phương; một số cơ chế, chính sách của Nhà nước khi triển khai thực hiện còn qua nhiều khâu trung gian...
Vị Xuyên đề nghị T.Ư cần tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị giai đoạn 2011-2015; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế chính sách đặc thù về ưu đãi, thu hút đầu tư, nâng mức hỗ trợ vốn các chương trình, mục tiêu Quốc gia; thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế- xã hội; chỉ đạo, phân bổ vốn đầu tư tập trung vào các dự án trọng điểm; có chính sách thu hút cán bộ, giáo viên giỏi lên công tác ở các tỉnh miền núi và bổ sung chế độ học bổng cho học viên là đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số; đối với các xã biên giới, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đề nghị T.Ư bổ sung chính sách hỗ trợ về đầu tư hạ tầng cơ sở như đường, điện, trường, trạm và hỗ trợ về xây dựng nhà ở, điều kiện học tập để bà con có cuộc sống ổn định, yên tâm sản xuất; đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường vành đai biên giới, công tác rà phá vật cản nổ để giải phóng đất cho sản xuất cũng như đảm bảo an toàn cho bà con biên giới; bố trí kinh phí cho lực lượng dân quân luân phiên thường trực đối với các xã biên giới để tổ chức hoạt động tuần tra bảo vệ đường biên giới...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Khả Đấu cho rằng: Hà Giang đã nhận thức rõ tầm quan trọng Khu vực KTCK Thanh Thủy từ rất sớm, đồng thời đã triển khai thực hiện được một khối lượng công việc rất lớn. Việc xây dựng, phát triển Khu KTCK Thanh Thủy không những cho riêng tỉnh Hà Giang, mà còn ảnh hưởng đến cả vùng Tây Bắc. Đặc biệt, cặp Cửa khẩu Thanh Thủy – Thiên Bảo có điều kiện thuận lợi để phát triển so với một số tỉnh trong khu vực; do đó, việc khẩn trương đầu tư xây dựng là rất cần thiết...
Với huyện Vị Xuyên, đồng chí ghi nhận và đánh giá cao quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt khá cao, đặc biệt đã đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, đảm bảo được an ninh lương thực trên địa bàn toàn huyện; hình thành được vùng chuyên canh cây tập trung như chè, thảo quả, cao su... và các cụm, khu công nghiệp, bước đầu đã thu hút được các nhà đầu tư... Thông qua thị sát thực tế và ghi nhận những kiến nghị từ các buổi làm việc, đoàn công tác sẽ có ý kiến cụ thể trình lên Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ xem xét trong thời gian sớm nhất...
Ý kiến bạn đọc