Thúc đẩy phát triển kinh tế bằng các giải pháp thuế
Tiếp tục kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, sáng 5/8, các đại biểu Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009 và việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cá nhân, thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đã đóng góp ý kiến về bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành ngân sách nhà nước năm 2009 với bối cảnh thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế; các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng dự toán ngân sách nhà nước; chống thất thu ngân sách nhà nước và giải pháp khắc phục; đánh giá kết quả chi ngân sách, giải pháp nâng cao hiệu quả chi ngân sách; giải pháp thực hiện khuyến nghị của kiểm toán nhà nước sau khi Quốc hội phê chuẩn quyết toán 2009.
Các đại biểu đóng góp ý kiến về sự cần thiết ban hành nghị quyết tại thời điểm này về một số vấn đề như giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2011; giảm 50% mức thuế khoán của một số loại hình thuế: giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân từ quý II/2011 đến hết năm cho một số đối tượng theo tờ trình của Chính phủ; miễn thuế cổ tức, chuyển nhượng chứng khoán, thu nhập cá nhân...
Đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng chủ trương phát hành trái phiếu để đầu tư cho “điện-đường-trường-trạm” là rất đúng nhưng triển khai quá rộng nên thiếu tập trung. Việc miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động nên thực hiện theo lộ trình chứ không nên mở rộng thêm và cần chỉ rõ, cụ thể hơn là ngành nào để tránh dàn trải.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề xuất việc hỗ trợ thuế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là rất cần thiết nhưng phải chọn phương thức hợp lý. Hiện nay, doanh nghiệp đang cần nhất là vốn nhưng khi vay phải chịu lãi suất quá cao, trong khi nếu không nhận được sự hỗ trợ kịp thời thì hàng loạt doanh nghiệp sẽ thua lỗ, đình trệ kéo dài ảnh hưởng tới việc làm của người lao động và mục tiêu an sinh xã hội.
Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) băn khoăn về tính liên hoàn và đồng bộ trong các giải pháp, chính sách và xây dựng mức lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp như thế nào là hợp lý.
Theo đại biểu, lãi suất cao khiến doanh nghiệp không muốn vay để đầu tư kinh doanh sản xuất bởi tâm lý thà gửi ngân hàng hưởng lãi cũng gần bằng lợi nhuận.
Về chống lạm phát, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu vấn đề chống từ nguồn, điển hình như vấn đề các doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân đang rất cần hỗ trợ để tạo nguồn hàng dồi dào. Vậy “chống lạm phát từ nguồn” sẽ tốt hơn làm từ “ngọn” (hỗ trợ vào giá bán), nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp với lợi thế cạnh tranh lớn, đại biểu nhận định.
Tại phiên họp sáng nay đã có 15 đại biểu đóng góp ý kiến, đa số thống nhất với điều hành của Chính phủ, quyết toán và báo cáo quyết toán ngân sách 2009.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề xuất cần tổng kết chương trình phát hành trái phiếu Chính phủ để đánh giá tính hiệu quả và khả năng thực hiện trong thời gian tới; các khoản chi của ngân sách nhà nước, kể cả phát hành trái phiếu Chính phủ nên đưa vào cân đối ngân sách nhà nước; giải pháp về ngân sách nhà nước nên chú trọng nuôi dưỡng nguồn thu, khắc phục tình trạng tồn đọng nợ thuế; cùng với việc xử lý giảm bội chi ngân sách, giảm đầu tư công cần thực hiện nghiêm túc theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với quyết toán ngân sách 2009; bội chi ngân sách được đề nghị đưa về giới hạn an toàn vào khoảng 5% (hiện đang khoảng 6%).
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định mục tiêu của Chính phủ hiện nay là ưu tiên tập trung cao độ cho chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Mục tiêu này sẽ xuyên suốt sang năm 2012. Nghị quyết 11 sẽ được thực hiện một cách quyết liệt, giảm tổng cầu nền kinh tế để kéo lạm phát xuống.
Phó Thủ tướng cho biết tăng trưởng kinh tế trong những tháng đầu năm đã chậm lại, 6 tháng mới đạt 5,57%, thấp hơn cùng kỳ năm 2010 và kế hoạch đặt ra; doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn do lạm phát, chi phí đầu vào cao, lãi suất cao và tăng trưởng kinh tế chậm. Bối cảnh này vừa phải chống lạm phát, giảm tổng cầu và hỗ trợ một phần cho doanh nghiệp, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ Chính phủ đã lựa chọn miễn giảm thuế có mức độ để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Việc giãn thu thuế thu nhập doanh nghiệp thực chất cũng là gián tiếp hỗ trợ nguồn vốn giúp doanh nghiệp giảm bớt phần vốn vay ngân hàng với lãi suất cao.
Riêng thị trường chứng khoán, Phó Thủ tướng cho rằng cần có giải pháp phục hồi băng việc miễn giảm một số loại thuế liên quan và khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia “cứu thị trường.” Trên thế giới, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn chủ yếu nhưng Việt Nam vẫn huy động qua ngân hàng tới 80 - 90% khiến thị trường này chưa phát triển. Thời gian qua, trái phiếu Chính phủ huy động thông qua thị trường này cũng là một động thái từng bước kéo lãi suất giảm xuống.
Theo Phó Thủ tướng mặc dù phải “thắt chặt hầu bao” nhưng các dự án, chương trình liên quan đến an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo... sẽ không cắt giảm mà vẫn thu xếp đủ vốn.
Ngoài ra, Chính phủ còn thực hiện thêm một số giải pháp hỗ trợ khác cho các đối tượng khó khăn, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ từng bước chuyển từ hỗ trợ gián tiếp sang trực tiếp, tuy nhiên phải tùy từng đối tượng để đảm bảo quản lý chặt chẽ và đưa nguồn hỗ trợ đến đúng địa chỉ, người thụ hưởng.
Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011./.
Ý kiến bạn đọc