Tham luận của đại biểu Triệu Là Pham tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII
L.T.S: Sáng ngày 05/08/2011, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009; Việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011; do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì. Đồng chí Triệu Là Pham, Chủ tịch HĐND huyện Bắc Mê, Phó trưởng đoàn ĐBQH khóa XIII đơn vị tỉnh Hà Giang, đã có bài tham luận. Báo Hà Giang xin trân trọng giới thiệu.
Kính thưa Quốc hội,
Trước hết tôi xin đồng tình với tất cả các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước. Cá nhân tôi xin bày tỏ quan điểm của mình về những giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2011 cho doanh nghiệp, đặc biệt là một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm. Trước những khó khăn, thử thách về tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chậm lại, lạm phát ở mức cao làm cho giá cả, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, gây khó khăn cho việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với người lao động. Việc ban hành bổ sung một số nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là đúng đắn và kịp thời, nhưng tôi xin đề nghị Quốc hội cần làm rõ thêm một số vấn đề cụ thể sau.
Một là, đối với đối tượng được giảm thuế 50% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong dự án có nêu đối tượng được giảm thuế là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tôi muốn làm rõ thêm:
Thứ nhất, đó là doanh nghiệp vừa và nhỏ rất nhiều, nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ là công ty con thì có được miễn, giảm thuế đợt này hay không?
Thứ hai, đó là giải pháp để tiếp tục tái cơ cấu lại, sắp xếp lại các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian tới. Thực trạng về hoạt động các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay là yếu kém về năng lực và khả năng tài chính, hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn đầu tư của Nhà nước và kinh doanh ở thế thụ động, cho nên giá cả hơi biến động một chút là các doanh nghiệp này đã chững lại trong khi đó các doanh nghiệp lớn vẫn đứng vững. Do vậy, đây là một vấn đề chúng ta cần phải suy nghĩ làm thế nào để cho các doanh nghiệp ổn định và phát triển lâu dài.
Vấn đề thứ hai, với khoảng 303.200 doanh nghiệp vừa và nhỏ được giãn, giảm thuế đợt này theo báo cáo sẽ giảm thu ngân sách khoảng 3.700 tỷ đồng của Chính phủ. Con số này tuy tôi không có số liệu cụ thể để tính toán, nhưng tôi đề nghị cần phải tính toán lại và làm rõ thêm với Quốc hội trước khi ban hành nghị quyết.
Vấn đề thứ ba, đối với việc truy thu 5 tỷ đồng tiền thuế 6 tháng đầu năm 2011 mà Bộ Tài chính đã nêu trong báo cáo. Theo tôi được biết số tiền nợ thuế này chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài, mà những doanh nghiệp này phần lớn là khai lỗ từ đầu năm 2008 đến nay. Trong khi cả nước đang rất khó khăn, đang cùng nhau gồng mình để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội thì các doanh nghiệp này lại chây ỳ, gần như trốn tránh nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, chưa nói đến việc khai gian và chuyển giá trong các doanh nghiệp.
Tôi thiết nghĩ Chính phủ và các Bộ ngành cũng cần phải có những giải pháp cụ thể, cứng rắn và quyết liệt hơn nữa để đảm bảo truy thu số tiền nợ đọng thuế kéo dài, kết hợp có giải pháp đồng bộ để chống thất thu thuế cho các doanh nghiệp trong năm tới. Cũng phải xem xét lại qui định về tư cách pháp nhân và có qui định pháp lý phù hợp để nâng cao ý thức tự giác và trách nhiệm của các doanh nghiệp, pháp luật là cần được tôn trọng, đối xử công bằng.
Vấn đề thứ tư, tôi rất đồng tình với bản Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội đã nêu trong báo cáo là một số giải pháp miễn, giảm thuế là cần thiết, song cần hết sức thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng.
Việc miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, theo tôi đó chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, cái mà doanh nghiệp cần hiện nay đó là làm sao tiếp cận được nguồn vốn và có ưu đãi về lãi suất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định và phát triển. Vẫn biết rằng nếu như thế có thể sẽ là nguy cơ làm tăng thêm lạm phát. Cho nên trước khi chúng ta đưa ra vấn đề này cũng cần phải bàn bạc kỹ lưỡng và thận trọng.
Xin cảm ơn Quốc hội.
Ý kiến bạn đọc