Tham luận của đại biểu Thào Hồng Sơn tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII
L.T.S: Chiều ngày 05/08/2011, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011; do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì. Đồng chí Thào Hồng Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIII đơn vị tỉnh Hà Giang, đã có bài tham luận. Báo Hà Giang xin trân trọng giới thiệu.
Kính thưa Quốc hội!
Việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận số 02 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 11 của Chính phủ đã mang lại kết quả tích cực với mục tiêu chính là tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, kết quả này mới là bước đầu; thách thức khó khăn trong những tháng cuối năm còn nặng nề.
Tôi nhất trí cao với báo cáo, các giải pháp của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội và một số ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng còn lại của năm 2011, đều nhất quán là tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, thận trọng và chính sách tài khóa chặt chẽ. Đối với cắt giảm đầu tư công cần khẩn trương rà soát để thống nhất tiêu chí cắt giảm, đình hoãn và có hướng dẫn đồng bộ, rõ ràng, kịp thời, đảm bảo tính linh hoạt và cương quyết.
Tuy nhiên, về vấn đề này đề nghị Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu xem xét phân khúc rõ, căn cơ hơn do dư địa lý vùng miền của từng địa phương, đặc thù khác nhau dẫn đến việc hoạch định phát triển kinh tế - xã hội cũng như chỉ số năng lực cạnh tranh của mỗi tỉnh thành cũng rất khác nhau. Do vậy, phải đặc biệt tính đến Câu lạc bộ các tỉnh nghèo, huyện nghèo thuộc diện “nghèo con út, khó con út” vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố số liệu tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc năm 2010 vào sáng 30/5/2011. Theo chuẩn mới, hiện cả nước có 4 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang và 81 huyện nghèo thuộc 25 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo từ 40 đến trên 50%, trong đó bao gồm 62 huyện nghèo nhất cả nước đang hưởng thụ Nghị quyết 30a năm 2008 của Chính phủ. Bản thân những vùng “lõm” này luôn trong trạng thái lúc nào cũng đói và khát vốn kể cả khi lạm phát cũng như thiểu phát, loại trừ những yếu tố thời gian, mùa vụ, bão lũ, thiên tai, thiếu nhân công và thiếu nước thi công. Do vậy, việc xem xét điều chuyển cắt giảm vốn đầu tư công chưa thật sự cần thiết cấp bách của những dự án có vốn ngàn tỷ đồng ở một số lĩnh vực sang tập trung đầu tư cho các dự án đang thi công dở dang nhiều năm nay đang rất thiếu vốn để hoàn thành đưa vào sử dụng của những tỉnh, huyện nghèo, huyện biên giới khó khăn mà tôi vừa nêu trên là rất cần thiết.
Nên chăng thời gian còn lại của năm 2011 Quốc hội, Chính phủ cũng không nên đặt vấn đề với việc cắt giảm, giãn, hoãn đầu tư công đối với những tỉnh, huyện khó khăn trong diện 30a của Chính phủ. Bởi số đầu điểm cộng lại của các dự án cắt giảm và giãn, hoãn của những tỉnh này có vẻ nhiều về mặt lượng, song thực tế số tuyệt đối về chất chưa bằng một dự án vừa phải ở đâu đó. Ví dụ, tỉnh Hà Giang đình hoãn 173 công trình đã bố trí kế hoạch năm 2011 để khởi công mới với số vốn cắt giảm là 54.890 triệu đồng so với cả nước thì quá nhỏ, chỉ bằng 0,068% tổng số vốn cắt giảm, song đối với địa phương đây là nguồn vốn rất cần thiết để thực hiện được cả một chuỗi các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tạo đà cho vùng này xây dựng nông thôn mới, phát triển ổn định, đảm bảo tiêu chí cũng như về mặt thời gian theo quy định.
Kính thưa Quốc hội!
Một vấn đề có tính địa phương song nó còn mang tính Quốc gia cũng như toàn cầu, kính mong các vị đại biểu Quốc hội chia sẻ và đồng tình ủng hộ Cao nguyên đá Đồng Văn, gồm 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc thuộc diện 30a, nằm trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, là một trong những Cao nguyên đá vôi đặc biệt hùng vĩ của Việt Nam. Nơi đây sở hữu nhiều danh thắng, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ và kỳ thú của thiên nhiên. Một vùng biên ải hoang sơ, ngút ngàn, có Cột cờ Lũng Cú thiêng liêng địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Ngày 3/10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam và là Công viên thứ hai khu vực Đông - Nam Á. Đây là một sự kiện quan trọng, cơ hội tốt cho Cao nguyên đá Đồng Văn cùng các hình ảnh đặc sắc khác của cả nước, sẽ góp phần vào việc quảng bá hình ảnh Việt Nam, mở ra cơ hội thuận lợi để khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa và du lịch mạo hiểm; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đóng góp to lớn vào những giải pháp thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo nói chung, đặc biệt là 4 huyện nghèo vừa nêu ở trên của tỉnh Hà Giang nói riêng.
Tuy nhiên, theo quy định của UNESCO, cứ 4 năm, Công viên Địa chất sẽ được xem xét đánh giá lại một lần. Do đó, muốn bảo vệ danh hiệu này Cao nguyên cần có quy hoạch tổng thể, phân chia rõ ràng; có chiến lược khai thác và bảo tồn Công viên Địa chất hợp lý. Đây mới là khởi nghiệp, song bởi giới hạn về mặt thời gian không cho phép, nếu không hành động kịp thời chúng ta sẽ đánh mất cơ hội. Khó khăn chồng lên khó khăn ngoài tầm tay của một tỉnh nghèo với cái tâm của đồng bào trên Cao nguyên đá Hà Giang mến yêu của tôi và của cả nước: Mong muốn, kỳ vọng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đỡ đầu, cùng chung tay giúp đỡ, quảng bá, kêu gọi cộng đồng Quốc tế, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nhân, kể cả các vị đại biểu Quốc hội, Việt kiều ta ở nước ngoài hãy sớm đầu tư cho Hà Giang tất cả những gì có thể để hợp đồng với các công ty tư vấn có uy tín trong, ngoài nước lập Dự án quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Hà Giang gắn với quy hoạch phát triển Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, để sớm thực sự phát huy, khai thác được giá trị tiềm năng, biến đá thành nguồn thu nhập chính của người dân. Theo đó, trong các tỉnh vùng núi phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai và vùng Tây Nguyên, Bình Thuận, Ninh Thuận v.v... người dân thường xuyên phải chịu khát từ 1 đến 2 tháng về nước trong mùa khô; đặc thù hơn, Cao nguyên Đồng Văn đã từ lâu có tiếng là “miền đất khát”, đồng bào vẫn luôn đau đáu nỗi niềm hóa giải cơn khát. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt được tiếp thêm sức mạnh khi Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư cho Hà Giang 30 hồ chứa nước với tổng kinh phí trên 137 tỷ đồng trong chuyến thăm và làm việc tại Hà Giang đầu năm 2007, bài toán giải cơn khát kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau trong mùa khô đã nhanh chóng được xây dựng kịp thời, tích nước trong mùa mưa và giải được cơn khát cho hàng ngàn hộ dân.
Từ những hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội do các hồ chứa nước mang lại, chủ trương của tỉnh từ nay đến năm 2015 trên địa bàn 4 huyện vùng cao núi đá tiếp tục đầu tư xây dựng khoảng 300 hồ với dung tích 180 vạn mét khối nước, với dự toán khoảng 3 nghìn tỷ đồng để ổn định về lâu dài cũng như giải quyết căn bản nhu cầu thiếu nước sinh hoạt ở trung tâm các xã, các thôn, bản gắn với quy hoạch quy tụ các hộ dân sống rải rác về sống tập trung để thuận lợi cho việc đầu tư. Để hội đủ điều kiện cần và có, xin kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có Nghị quyết chuyên đề, đặc thù ưu đãi riêng cho 4 huyện cao nguyên đá về nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng hồ “treo”, giải quyết cơ bản nhu cầu nước sinh hoạt cho khoảng 17.000 hộ dân. Thay vì việc đầu tư quá lớn, nhân dịp này tôi xin đề xuất với Quốc hội, Chính phủ có chủ trương phát động thành phong trào hưởng ứng Ngày vì thiếu nước trên toàn quốc để tranh thủ sự ủng hộ, huy động đóng góp và giúp đỡ của các tỉnh, thành, các tập đoàn kinh tế, các doanh nhân đất Việt... dành một phần phúc lợi với truyền thống “bầu ơi thương lấy bí cùng”; để kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII trở về sau, đồng bào 4 huyện Cao nguyên đá tỉnh Hà Giang được nói với Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: “Cao nguyên đã hết khát”!
Xin cảm ơn Quốc hội!
Ý kiến bạn đọc