Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản vàng
HGĐT- Vừa qua, tại phòng họp trụ sở UBND huyện Bắc Quang, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, có buổi làm việc với lãnh đạo một số sở, ngành chức năng của tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Quang, Mèo Vạc và Giám đốc 9 doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cho chủ trương, cấp phép thực hiện công tác điều tra, đánh giá bổ sung các mỏ vàng nhằm nắm tình hình quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản vàng trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến thời điểm này UBND tỉnh đã cấp 2 giấy phép khai thác khoáng sản vàng cho 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần đầu tư khai thác khoáng sản và xây dựng Mê Linh, được cấp phép khai thác khoáng sản tại các điểm quặng vàng sa khoáng Thác Lan, Suối Bông; điểm quặng vàng gốc Thượng Cầu thuộc địa bàn xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang với tổng diện tích là 89 ha, công nghệ khai thác hầm lò. Công ty Cổ phần khoáng sản ViTech Hà Giang được cấp phép khai thác khoáng sản tại điểm quặng vàng sa khoáng Làng Cào, thôn Kiều, thôn Cào xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang với tổng diện tích 8,4 ha, công nghệ khai thác lộ thiên. Cả hai doanh nghiệp hiện đang triển khai thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về khoáng sản. UBND tỉnh cũng đã đồng ý chủ trương cho phép các doanh nghiệp được thực hiện việc ký hợp đồng với Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Bắc, lập và thi công Đề án điều tra, đánh giá bổ sung các điểm quặng vàng trên địa bàn tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương về việc quản lý, cấp phép khai thác vàng trên địa bàn tỉnh. Bao gồm, Công ty Cổ phần khai thác khoáng sản vàng Hà Giang là chủ đầu tư thực hiện điều tra, đánh giá bổ sung tại điểm quặng vàng gốc và vàng sa khoáng Ngòi Kim, xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang có tổng diện tích các điểm mỏ là 99 ha. Công ty TNHH Giang Sơn là chủ đầu tư thực hiện điều tra, đánh giá bổ sung tại điểm quặng vàng gốc và vàng sa khoáng thôn Khun, xã Bằng Lang, huyện Quang Bình với tổng diện tích các điểm mỏ là 17,3 ha. Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Phương Mai là chủ đầu tư thực hiện điều tra, đánh giá bổ sung tại điểm quặng vàng gốc và vàng sa khoáng thôn Toòng, xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên với tổng diện tích các điểm mỏ 30,4 ha. Công ty TNHH Đại Thành là chủ đầu tư thực hiện điều tra, đánh giá bổ sung tại điểm quặng vàng gốc và vàng sa khoáng Bản Tại, xã Niêm Sơn, điểm quặng vàng sa khoáng Sông Nhiệm, xã Niêm Toòng và xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc với tổng diện tích các điểm mỏ là 58,8 ha. Công ty Cổ phần Xây dựng và Khai thác khoáng sản Hà Giang là chủ đầu tư thực hiện điều tra, đánh giá bổ sung tại điểm quặng vàng gốc Nà Diềm, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên với tổng diện tích các điểm mỏ19,5 ha. Công ty Cổ phần khoáng sản Tân Tây Nam là chủ đầu tư thực hiện điều tra, đánh giá bổ sung tại điểm quặng vàng gốc Làng Bút, Thác Lan và vàng sa khoáng Thượng Cầu, xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang; điểm quặng Thiếc - đa kim chứa vàng Việt Lâm và điểm quặng Thiếc - đa kim chứa vàng Cao Bồ, huyện Vị Xuyên; điểm quặng Thiếc - đa kim chứa vàng Cao Bồ, xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang với tổng diện tích các điểm mỏ là 275 ha. Công ty TNHH một thành viên 319 - Bộ Quốc phòng là chủ đầu tư thực hiện điều tra, đánh giá bổ sung tại điểm quặng vàng gốc Nà Diềm (nằm ngoài diện tích của Công ty Cổ phần xây dựng và khai thác khoáng sản Hà Giang) xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên. Hiện tất cả các công ty nêu trên đang tích cực hoàn thiện trình tự khai thác theo đúng quy trình. Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên và Giám đốc một số doanh nghiệp đã phát biểu đề cập đến những kinh nghiệm cùng khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ các điểm mỏ vàng trước nạn “vàng tặc” đang hoành hành hiện nay, đặc biệt là các điểm mỏ vàng trên địa bàn huyện Bắc Quang.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Sơn nhận định, mặc dù đã nhiều lần ra quân xử lý nạn “vàng tặc” nhưng tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn tỉnh chỉ tạm lắng xuống một thời gian rồi bùng phát trở lại. Tình trạng này diễn ra đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn huyện Bắc Quang, nguyên nhân chủ yếu là chính quyền các cấp cơ sở thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý ở lĩnh vực này. Đồng chí chỉ đạo các huyện, doanh nghiệp và các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ, làm tốt công tác tuyên truyền và vận động quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật về khoáng sản, thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo, kiên quyết ngăn chặn và giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn toàn tỉnh, thời hạn cuối cùng là ngày 30.8.2011. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện tốt các trình tự thủ tục khai thác khoáng sản, chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tạo mối quan hệ chặt chẽ theo liên kết nhà doanh nghiệp, Nhà nướcvà người dân khi triển khai tiến hành khai thác các điểm mỏ vàng đã được cấp phép.
Ý kiến bạn đọc