Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh làm việc tại Vị Xuyên
HGĐT- Trong 2 ngày 6-7.8, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đi kiểm tra tình trạng khai thác lâm sản trái phép tại thôn Dìn, xã Ngọc Minh (Vị Xuyên) và tiến độ triển khai các dự án trong KCN Bình Vàng.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra số lâm sản khai thác trái phép được cơ quan chức năng huyện Vị Xuyên thu giữ. |
Cùng đi có các đồng chí: Đàm Văn Bông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Quang Triều, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy; lãnh đạo Sở NN-PTNT, huyện Vị Xuyên, BQL các KCN...
Thời gian qua, tại khu rừng nguyên sinh thuộc địa bàn thôn Dìn, xã Ngọc Minh đã xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép, gây bức xúc trong nhân dân. Qua kiểm tra, xác minh, lực lượng chức năng huyện Vị Xuyên phát hiện số gỗ nghiến nhóm IIA gồm: 9 tấm ván sập (2,7m3), 20 cục u bướu, 49 tấm gỗ xẻ hộp (gần 3,3m3) được cất giấu ở khe suối, chân bìa rừng. Mở rộng điều tra, truy quét các tụ điểm khai thác lâm sản trái phép tại thôn Dìn, lực lượng chức năng phát hiện 3 cây gỗ nghiến bị chặt mới với khối lượng gần 57m3 và 8 cây nghiến bị cắt đổ từ lâu, 1 cây tự bật gốc đổ, khối lượng đo đếm được trên 113m3. Quá trình truy quét, tịch thu tang vật đưa ra khỏi rừng, lực lượng chức năng gặp phải sự chống trả quyết liệt của lâm tặc, nhằm ngăn cản xe kiểm lâm đưa tang vật về trụ sở.
Sau khi kiểm tra thực tế tại thôn Dìn, các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh: Hiện nay, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Vị Xuyên nói riêng diễn biến rất phức tạp, thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi. Nguyên nhân chính của tình trạng trên do cuộc sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, lợi nhuận mang lại từ lâm sản quá lớn khiến họ sẵn sàng vào rừng chặt hạ gỗ, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, thiếu hợp tác với cơ quan chức năng. Để ngăn chặn tình trạng này, tỉnh sẽ tạm thời đóng cửa rừng, các cơ quan chức năng phải rà soát lại, thực hiện tốt công tác phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng; chính quyền địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ rừng, có giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, nghiên cứu các đề án phát triển kinh tế để người dân có thu nhập chính đáng từ rừng, có như vậy họ sẽ tích cực tham gia bảo vệ rừng.
Đối với KCN Bình Vàng, hiện đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý mở rộng diện tích từ 142 lên 254 ha và bổ sung vào danh mục các KCN dự kiến ưu tiên mở rộng đến năm 2015, định hướng đến 2020. Hiện tại, KCN Bình Vàng đang triển khai đầu tư giai đoạn I, với 3 hạng mục chính gồm đường nối Quốc lộ 2 vào KCN, hạ tầng khu tái định cư và KCN. Đến nay, có 9 nhà đầu tư đang triển khai các dự án: Xây dựng Nhà máy luyện Fero Mangan, thủy điện Sông Lô 2, sản xuất sắt xốp và phôi thép, sản xuất gạch không nung công nghệ đất hóa đá, sản xuất cột điện bê tông ly tâm, vỏ bình gas... BQL các KCN đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng và người dân hoàn thành công tác đền bù, GPMB, bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư triển khai dự án.
Kiểm tra thực tế việc triển khai đầu tư xây dựng KCN Bình Vàng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh: BQL các KCN cần tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc GPMB, những vướng mắc phải được giải quyết dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật; đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, tiếp tục thi công, hoàn thiện đường dẫn từ Quốc lộ 2 vào KCN theo đúng thiết kế. Đối với các hộ dân đã nhận tiền đền bù nhưng chưa bàn giao mặt bằng, huyện Vị Xuyên cần huy động các lực lượng chức năng, cán bộ các ban, ngành, đoàn thể đóng góp ngày công, giúp người dân tháo dỡ, di chuyển và dựng nhà tại nơi ở mới đã được cấp đất. Đến thăm nhà máy luyện Fero Mangan của Công ty TNHH Ban Mai và Công ty Cổ phần Mangan Việt Bắc đang được đầu tư, xây dựng tại KCN Bình Vàng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh biểu dương nỗ lực, khắc phục khó khăn của các chủ đầu tư trong việc triển khai dự án.
Ý kiến bạn đọc