Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác cải cách thủ tục hành chính
HGĐT- Sáng 18.7, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác cải cách thủ tục hành chính (Thực hiện Nghị quyết số 57/QH12 của Quốc hội).
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương. Phía đầu cầu Hà Giang, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì; cùng dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Hội nghị đã nghe lãnh đạo Văn phòng Chính phủ báo cáo đánh giá tình hình thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) và thực thi giai đoạn 3 của Đề án 30 tại các bộ, ngành, địa phương. Báo cáo nêu rõ: Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc nghiêm túc của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương, công tác kiểm soát TTHC trong thời gian ngắn đã thu được những kết quả tích cực. Công tác cải cách TTHC đã, đang từng bước được thực hiện trong toàn bộ hệ thống cơ quan hành pháp từ Trung ương đến địa phương, bước đầu được nhân dân, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tích cực; hàng nghìn TTHC đã được thực thi đơn giản hoá; hệ thống các cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC mới được thành lập đã thực hiện có kết quả với khối lượng lớn công việc, bao gồm việc kiện toàn tổ chức, lựa chọn được đội ngũ cán bộ có trình độ, tâm huyết và xây dựng hệ thống các văn bản, quy trình, quy chế, công cụ hoàn chỉnh để thực hiện công tác kiểm soát TTHC. Đặc biệt, về phía các địa phương triển khai phương án đơn giản hoá TTHC đã được phê duyệt trên cơ sở kết quả tự rà soát TTHC trong khuôn khổ Đề án 30, đến nay UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động ban hành văn bản thuộc thẩm quyền để thực thi phương án đơn giản hoá của 3.636 TTHC đang được thực thi tại các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm soát TTHC và thực thi giai đoạn 3 của Đề án 30 tại các Bộ, ngành, địa phương còn hạn chế như: Một số Bộ, ngành địa phương còn chậm công bố, công khai, minh bạch các TTHC; việc đánh giá tác động các quy định về TTHC trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa được quan tâm; trong thực thi phương án đơn giản hoá TTHC, chế độ thông tin báo cáo còn chậm; việc bố trí kinh phí phụ cấp, biên chế công chức cho phòng Kiểm soát TTHC được giao còn thiếu, gây khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.
Hội nghị dành nhiều thời gian để đại biểu các bộ, ngành, địa phương tham gia ý kiến, bàn các giải pháp nâng cao chất lượng thực thi, cải cách TTHC; qua đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị, cụ thể: Công tác cải cách TTHC là công việc khó, phức tạp nên rất cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, địa phương; nâng cao trách nhiệm, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, CCVC làm công tác hành chính; có chế tài cụ thể gắn trách nhiệm của người lãnh đạo đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cùng với đó tăng cường việc giám sát của các cơ quan chức năng như HĐND, MTTQ, người dân trong thực thi, cải cách TTHC. Cần có những quy định cụ thể về thời gian thực hiện TTHC giữa các Bộ, ngành Trung ương với địa phương; đẩy mạnh công tác truyền thông, triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo trong thực hiện cải cách hành chính...
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả trong cải cách TTHC đạt được trong thời gian qua, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT- XH của đất nước; đồng thời chỉ ra những khó khăn, hạn chế tồn tại trong một số lĩnh vực khi thực hiện thủ tục hành chính tại các Bộ, ngành, địa phương. Đồng chí nhấn mạnh: Để công tác cải cách TTHC thực sự đi vào nề nếp, mang lại hiệu quả thiết thực, lãnh đạo các Bộ, ngành, người đứng đầu các địa phương cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình; tạo điều kiện tốt nhất cho phòng Kiểm soát TTHC hoạt động, trong đó chú trọng tới việc kiện toàn đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng công tác chuyên môn. Các Bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc đánh giá tác động của các quy định về cải cách TTHC, qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cần tích cực tham gia vào công tác giám sát việc thực hiện cải cách hành chính; các cơ quan thông tấn truyền thông cần tăng cường công tác tuyên truyền các nội dung triển khai, văn bản chỉ đạo. Cùng với đó là làm tốt công tác khen thưởng, có hình thức xử lý đối với những cá nhân, đơn vị cố tình gây khó dễ trong giải quyết công việc chung. Đối với những vướng mắc của các Bộ, ngành, địa phương kiến nghị, Văn phòng Chính phủ sẽ tổng hợp, trên cơ sở đó phối hợp tháo gỡ và trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Ý kiến bạn đọc