Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông làm việc với Chuyên gia cao cấp Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu
HGĐT- Ngày 22.7, đồng chí Đàm Văn Bông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với chuyên gia cao cấp mạng lưới CVĐC toàn cầu, Giáo sư Guy Martini.
Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ngành làm việc với Giáo sư Guy Martini. |
Dự buổi làm việc có đồng chí Sèn Chỉn Ly, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo BQL CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn; Sở Ngoại vụ; đại diện Ủy ban UNESCO Việt Nam; Viện địa chất khoáng sản...
Báo cáo kết quả khảo sát của Giáo sư Guy Martini ngoài việc khẳng định tiềm năng, lợi thế, còn chỉ rõ những vấn đề đang tác động trực tiếp, đồng thời đưa ra khuyến nghị đối với CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn. Trên CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn hiện có nhiều di sản gắn liền với bối cảnh xung quanh, đã và đang được giới thiệu đến công chúng, tuy nhiên, hiện khá nhiều điểm di sản bị xâm hại tương đối nghiêm trọng. Trong khu vực CVĐC có khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Bát Đại Sơn và Du Già, rất đa dạng về loài động, thực vật nhưng lại chưa có chiến lược bảo tồn, quảng bá, đồng thời đang phải đối mặt với tình trạng chặt phá rừng, săn bắn động vật trái phép, nếu không sớm có biện pháp bảo vệ, các khu bảo tồn này biến mất. Một trong những giá trị nổi bật của Cao nguyên đá chính là cảnh quan xung quanh, nhưng hiện có rất nhiều khu vực khai thác đá đang làm suy giảm giá trị, các làng bản dân tộc bị xâm hại bởi việc xây dựng những ngôi nhà bằng chất liệu mới, làm mất tính hấp dẫn đối với du khách.
Tình trạng phát triển du lịch ở khu vực này hiện rất hạn chế, một số lễ hội truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc chưa được quảng bá rộng rãi, gần như chưa thu hút được khách quốc tế; chưa có kế hoạch tổng thể phát triển du lịch Cao nguyên đá, hệ thống cơ sở hạ tầng, chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên tương đối thấp; thủ tục vào khu vực này còn rườm rà, các mặt hàng mỹ nghệ chưa đa dạng.
Trên cơ sở điều tra, khảo sát, Giáo sư Guy Martini kiến nghị: Các giá trị di sản địa chất cần tiếp tục được điều tra, đánh giá một cách tổng thể, phải phân biệt một số điểm có giá trị với nhà khoa học, một số dành cho người dân địa phương và một số dành cho khách du lịch. Các giá trị đa dạng sinh học cần tiếp tục duy trì, mở rộng, đặc biệt là các khu BTTN hiện có, đầu tư, tìm kiếm thêm các loài mới, đặc hữu, mở các tua, tuyến du lịch nhỏ để du khách khám phá sự đa dạng sinh học. Các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cần tiếp tục bảo tồn, duy tu, bảo dưỡng, triển khai khoanh vùng một số khu vực có giá trị cảnh quan, khoanh vùng khu vực cho phép khai thác đá với quy mô vừa phải; triển khai nghiên cứu tổng thể các giá trị văn hóa truyền thống, địa điểm linh thiêng, câu chuyện truyền thuyết, cổ tích, phát huy vai trò già làng, trưởng bản.
Sau khi hình thành được quy hoạch du lịch, cần triển khai chiến lược phát triển tổng thể, cải thiện thủ tục cấp phép vào vùng biên giới, giảm thời gian đi tua của du khách trên Cao nguyên đá, nâng cao chất lượng trang Web giới thiệu Cao nguyên đá, cải thiện mạng lưới giao thông. Bên cạnh đó, có thể giới thiệu các tua du lịch trải nghiệm, xây dựng bộ tài liệu giới thiệu Cao nguyên đá phong phú, sinh động hơn; không nên dàn trải trong việc đầu tư, giới thiệu các giá trị di sản, nên tập trung vào một vài khu vực trọng điểm; xây dựng một số tua du lịch chất lượng, thực hiện các ý tưởng về hình thức du lịch sáng tạo. Việc đầu tư, xây dựng các trung tâm thông tin hiện có chi phí rất lớn nhưng chưa mang lại hiệu quả, nên cần chuyển sang cách làm khác, đó là xây dựng những trung tâm nhỏ gắn liền với nhà truyền thống ở các làng văn hóa, nhằm giới thiệu đặc điểm, nét văn hóa bản địa, có thu phí tham quan, phí nghỉ trọ và bán sản vật địa phương. Cải thiện, đa dạng hóa các sản vật địa phương, các đồ thủ công mỹ nghệ, mặt hàng nông sản, xây dựng thương hiệu cho các sản vật và điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị, đẩy mạnh công tác hội nhập giữa CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn với các công viên trên thế giới.
Những kết quả nghiên cứu và khuyến nghị trên rất thực tế, không đòi hỏi sự đầu tư lớn, có thể triển khai ngay, nhằm đáp ứng yêu cầu trong đợt tái kiểm tra của UNESCO, đồng thời tạo cơ hội để CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn phát triển, trở thành hình mẫu trong khu vực và trên thế giới...
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của các bộ, ngành T.Ư, các chuyên gia trong nước, quốc tế đối với CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng và Hà Giang nói chung. Những kết quả nghiên cứu, đánh giá của Giáo sư Guy Martini rất thể hiện sự nghiên cứu sâu sắc về CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang sẽ sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể, triển khai thực hiện những khuyến nghị của các chuyên gia, đồng thời rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Ý kiến bạn đọc