Hội nghị chuyên đề công tác khoáng sản
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh phát biểu tại Hội nghị. |
Dự Hội nghị có các đồng chí Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đàm Văn Bông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Đoàn ĐBQH, MTTQ, các sở, ban, ngành, doanh nghiệp hoạt động khoáng sản...
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 11/53 dự án khai thác, chế biến khoáng sản đang hoạt động, 8/53 dự án đang tạm dừng, 34/53 dự án chưa đi vào hoạt động; 100% dự án đã lập thiết kế cơ sở, 10/53 dự án chưa có thiết kế mỏ, 9/53 dự án chưa có Giám đốc điều hành mỏ, chưa đăng ký thời gian XDCB, chưa thông báo kế hoạch khai thác; 22/53 dự án đã hoàn thiện hồ sơ đất và ký hợp đồng thuê đất; 24/53 dự án đã thực hiện ký quỹ môi trường; 5/53 dự án chưa thực hiện cấp Giấy chứng nhận đầu tư; 15/40 dự án đã thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, 26/45 dự án được cấp phép sử dụng nước mặt, xả nước thải vào nguồn... Nhằm nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản, UBND tỉnh đã chỉ đạo, thành lập nhiều đoàn liên ngành, tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án theo đúng quy định pháp luật. Sau các đợt kiểm tra, có 12/53 dự án đã hoàn thiện thủ tục, 9/53 dự án hoàn thiện cơ bản thủ tục sau cấp phép, 12/53 dự án thiếu 2 thủ tục...
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông nhấn mạnh: Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản đã được nâng lên, vai trò, trách nhiệm các cơ quan quản lý chuyên ngành có nhiều chuyển biến, một số doanh nghiệp đã quan tâm, đầu tư công nghệ trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, việc triển khai dự án của các nhà đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế, hoạt động khai thác chưa gắn với chế biến, chưa chú trọng đầu tư dây chuyền, công nghệ chế biến sâu, còn xảy ra tình trạng buôn bán trái phép quặng, chưa thực hiện tốt nghĩa vụ với nhà nước... Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động khoáng sản, BTV Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh hoạt động khoáng sản theo hướng nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, có quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với xây dựng nhà máy chế biến; khai thác và chế biến phải được thực hiện trên địa bàn tỉnh; tỉnh sẽ thảo luận, xem xét không xuất khoáng sản ra khỏi địa bàn, tập trung cho các nhà máy chế biến sâu trên địa bàn tỉnh, xem xét thành lập Ban điều hành khoáng sản... Các doanh nghiệp cần tham mưu cho tỉnh thực hiện tốt việc gắn kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân trong quá trình triển khai hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; bản thân doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ theo chu trình khép kín từ khai thác, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến; tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, các ngành chức năng tiếp tục tham mưu trình BTV Tỉnh ủy xem xét, thực hiện giai đoạn II Khu công nghiệp Bình Vàng, chấn chỉnh lại việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; rà soát các điểm mỏ giao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn khoáng sản.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp trao đổi nhiều ý kiến xung quanh việc đầu tư dây chuyền, công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản, những khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp luật cần tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cam kết tháo gỡ những vướng mắc, cùng doanh nghiệp xây dựng môi trường minh bạch, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp cam kết nỗ lực triển khai đầu tư theo đúng quy định, cùng thực hiện tốt mục tiêu “Vì Hà Giang phát triển”.
* Trước đó, ngày 18.6, dưới sự chủ trì của đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy đã họp với các ngành chức năng, cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể Khu KTCK Thanh Thủy.
Theo quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Thanh Thủy đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Đây là cửa ngõ giao thương quốc tế, đầu mối giao thông, XNK hàng hóa và dịch vụ quan trọng trên trục liên kết Quốc lộ 2, góp phần phát triển thương mại - dịch vụ giữa miền Bắc (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc và các nước trong khu vực.Khu kinh tế Thanh Thủy được quy hoạch trên địa bàn xã Thanh Thủy, Phương Tiến, Thanh Đức, Xín Chải, Lao Chải, Phong Quang (Vị Xuyên) và Phương Độ (thành phố Hà Giang) với diện tích 1,6 - 1,8 nghìn ha đất xây dựng các khu chức năng, 20 - 22 nghìn ha đất sinh thái và 550 - 600 ha đất dự trữ. Khu KTCK Thanh Thủy sẽ được đầu tư xây dựng các khu phi thuế quan, khu chế xuất, công nghiệp, giải trí, du lịch, đô thị và các khu dân cư, được hưởng các chính sách ưu tiên, thu hút đầu tư theo hình thức Nhà nước hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng, cấp thiết; được huy động vốn từ doanh nghiệp và người dân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, áp dụng hình thức đầu tư xây dựng - kinh doanh - chuyển giao.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh nhấn mạnh: Khu KTCK Thanh Thủy là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch, có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại và có vị trí quan trọng về AN-QP. Vì vậy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cần khẩn trương, tập trung quy hoạch, thực hiện nghiêm Quyết định của Thủ thướng Chính phủ, các nội dung cần điều chỉnh phải nghiên cứu, phân tích rõ, phân loại, xác định trình tự ưu tiên đầu tư. Trên cơ sở quy hoạch, cần xây dựng các đề án, phương án cụ thể trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện mục tiêu phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng Khu KTCK Thanh Thuỷ, gắn với CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, kết nối các khu, cụm công nghiệp của tỉnh và các trung tâm kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng.
Ý kiến bạn đọc