Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang khóa XIII: Nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước
Trả lời phỏng vấn của đồng chí Thào Hồng Sơn, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Giang khóa XIII với phóng viên Báo Hà Giang.
PV: Xin đồng chí cho biết hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang khóa XII trong nhiệm kỳ vừa qua?
Trong nhiệm kỳ qua, ĐBQH tỉnh Hà Giang đã luôn nỗ lực phấn đấu, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, thể hiện tinh thần trách nhiệm của người đại biểu dân cử trước nhân dân, trước đất nước, xứng đáng với niềm tin của cử tri. Hà Giang là một tỉnh nghèo, kinh tế phát triển ở trình độ thấp, đời sống sản xuất và sinh hoạt của nhân dân các dân tộc trong tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, Đoàn ĐBQH Hà Giang đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân và đất nước, đóng góp công sức, trí tuệ cùng Quốc hội khoá XII tạo nên những kết quả đáng trân trọng, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, giảm dần tính hình thức, hiệu quả hoạt động ngày càng cao.
Trong hoạt động xây dựng pháp luật, Đoàn đã chủ động lựa chọn những dự án luật mà phạm vi điều chỉnh có liên quan nhiều đến người dân các tỉnh miền núi, biên giới để mời các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến. Vì vậy, Đoàn đã có ý kiến tham gia bằng văn bản 100% các dự án luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi xin ý kiến, theo đúng thời gian quy định; tham gia ý kiến vào 67 dự án luật thông qua, 40 dự án luật cho ý kiến và nhiều dự thảo Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại các kỳ họp.
Hoạt động giám sát: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đoàn đã xác định được những nội dung cơ bản nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động giám sát cả nhiệm kỳ. Kết quả, trong nhiệm kỳ Đoàn đã tổ chức 23 cuộc giám sát, trong đó có 5 cuộc giám sát độc lập (đây là nội dung mới được thực hiện so với khóa trước); 5 cuộc Đoàn chủ trì phối hợp với Thường trực, các Ban HĐND tỉnh, 13 cuộc phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thực hiện tại Hà Giang. Qua các cuộc giám sát đã kiến nghị 77 nội dung (trong đó kiến nghị Trung ương 30 nội dung, kiến nghị tỉnh 47 nội dung).
Hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT): Trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Đoàn đã tổ chức 327 cuộc, tiếp xúc với hơn 24.000 lượt cử tri. Các kiến nghị của cử tri được tổng hợp đầy đủ để phản ánh tại các kỳ họp Quốc hội cũng như chuyển đến các cơ quan, đơn vị có liên quan ở địa phương xem xét, giải quyết theo quy định.
Ngoài việc TXCT ở đơn vị hành chính cấp huyện, xã, Đoàn ĐBQH đã tổ chức các cuộc TXCT theo chuyên đề ở một số cơ quan, đơn vị, hình thức TXCT theo chuyên đề đã được các đại biểu cử tri tham gia hết sức sâu sắc, có tâm, đúng tầm về các vấn đề được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội. Việc cải tiến đổi mới về nhận thức, kỹ năng, quy trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ TXCT của ĐBQH trong nhiệm kỳ khóa XII tuy chỉ là những thay đổi nhỏ, bước đầu mang tính cụ thể song thật sự đã đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước thực hiện đầy đủ hơn, trách nhiệm hơn, chất lượng hơn vai trò cầu nối của cử tri Hà Giang với Đảng và Nhà nước.
Công tác tiếp công dân và tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm, coi trọng. Đoàn phối hợp chặt chẽ với HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các ngành để thực hiện tiếp công dân theo đúng kế hoạch tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh. Tính đến 30/02/2011, các đại biểu trong đoàn đã tham dự 17 lần tiếp dân cùng Thường trực HĐND, UBND; tiếp nhận 62 đơn. Đoàn ĐBQH và ĐBQH đã phân loại, chuyển đến cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và Đoàn đã có văn bản trả lời kết quả giải quyết cho công dân biết theo luật định. Do làm tốt công tác phối hợp tiếp công dân nên nhiệm kỳ qua trên địa bàn tỉnh không có khiếu kiện đông người kéo dài, khiếu kiện vượt cấp. Toàn tỉnh không có điểm nóng, không có các trường hợp tập trung đông người về khiếu kiện ở trung ương trong các kỳ họp Quốc hội.
Trong quá trình hoạt động, Đoàn ĐBQH tỉnh luôn bám sát hướng dẫn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, thực hiện đúng quy chế hoạt động của ĐBQH và đoàn ĐBQH. Nhiệm kỳ qua Đoàn ĐBQH đã đảm bảo và duy trì tốt mối quan hệ công tác của đoàn với cấp uỷ, Thường trực HĐND, UBND, MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận tỉnh, huyện, xã trong tỉnh, thông qua các hoạt động cụ thể như TXCT, giám sát, xây dựng pháp luật... đã cùng với các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt, có trách nhiệm cao những công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của đoàn ĐBQH; tham dự đầy đủ các hội nghị của cấp ủy, chính quyền tỉnh khi được mời, đồng thời đã được cấp ủy Đảng, MTTQ, HĐND, UBND tỉnh và chính quyền huyện, xã tham gia nhiều ý kiến, tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn ĐBQH hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Những hoạt động của Đoàn ĐBQH khoá XII tỉnh Hà Giang đã thực sự tạo bước chuyển biến quan trọng trong suốt quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trên nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và các phong trào ở địa phương cũng như của cả nước. Vị trí, vai trò của ĐBQH ngày càng được nâng cao, được nhân dân tin cậy...
Đoàn ĐBQH đạt được những kết quả trên là do sự lãnh, chỉ đạo thường xuyên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự quan tâm phối hợp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đặc biệt là do công tác chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nên công tác chuẩn bị các nội dung liên quan đến kỳ họp của Chính phủ, các bô, ngành Trung ương và các Đoàn ĐBQH được thực hiện tốt nên các kỳ họp đã rút ngắn được về thời gian; sự quan tâm lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ của Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên của MTTQ các cấp, các ngành và đặc biệt là sự ủng hộ, giúp đỡ của cử tri trong toàn tỉnh; các vị ĐBQH đã đề cao ý thức trách nhiệm cá nhân, tích cực trong mọi hoạt động, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đại biểu nhân dân... Với những kết quả đạt được trong 4 năm qua, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Giang đã thực sự là cầu nối giữa Quốc hội và cử tri, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
PV: Nhiệm kỳ lần này, đồng chí được cử tri tín nhiệm tiếp tục bầu vào ĐBQH khóa XIII. Đồng chí cũng như Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang sẽ có những định hướng gì đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong cả nước, cũng như trong tỉnh để phát huy được vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất?
Đồng chí Thào Hồng Sơn: Tiếp tục tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định để Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, hoàn thành tốt trọng trách mà nhân dân giao cho; gần gũi, gắn bó mật thiết với cử tri, nắm bắt đầy đủ, hiểu sâu sắc tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của cử tri; trân trọng lắng nghe, phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của cử tri là nhân tố quan trọng bảo đảm cho việc nâng cao uy tín, vai trò của Đoàn ĐBQH, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ và tăng cường niềm tin của cử tri và của nhân dân đối với Đoàn ĐBQH; thường xuyên đổi mới hình thức, chuẩn bị tốt nội dung TXCT; thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Đoàn ĐBQH với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp để tổ chức nhiều hình thức TXCT để tiếp thu, giải đáp và chuyển tải ý kiến, kiến nghị của cử tri đến các cơ quan chức năng giải quyết, trả lời theo thẩm quyền; đồng thời có văn bản thông báo cho cử tri biết, sau khi đã có văn bản trả lời, giải đáp của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đoàn ĐBQH, ĐBQH thường xuyên tổng hợp thu thập thông tin về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương và dư luận xã hội trên địa bàn, trong nước và tình hình thế giới... để tham gia thảo luận và phản biện các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội. Nâng cao chất lượng hoạt động tham mưu, giúp việc của Văn phòng Đoàn ĐBQH – HĐND tỉnh cũng là một trong nhưng nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của Đoàn ĐBQH.
Về cá nhân, sẽ thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, là “cầu nối” để chuyển tải ý kiến, kiến nghị của cử tri đến với Quốc hội và các cơ quan Nhà nước, đồng thời tôi sẽ cùng với các đồng chí trong BTV, BCH Đảng bộ tỉnh, các ĐBQH và các bậc cử tri sẽ quyết tâm làm việc nhiều hơn, tốt hơn để đạt hiệu quả cao hơn nữa. Tin tưởng rằng trong nhiệm kỳ lần này, các ĐBQH tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước, mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Ý kiến bạn đọc