Hội nghị đánh giá 3 năm triển khai Chương trình trồng cây cải dầu trên địa bàn 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc
HGĐT- Chiều 23.5, tại huyện Mèo Vạc, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá 3 năm triển khai Chương trình trồng cây cải dầu trên địa bàn 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc.
Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Đồng chí Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy dự và phát biểu chỉ đạo. Đến dự còn có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang khóa XII; Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT; Sở KHCN; Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và đầu tư; Sở Xây dựng; Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND và các ngành chức năng của huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và các xã trồng cây cải dầu.
Báo cáo đánh giá 3 năm triển khai chương trình trồng cây cải dầu trên địa bàn 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc nêu rõ: Cây cải dầu được đưa vào gieo trồng thử nghiệm từ năm 2008 và chính thức đưa vào gieo trồng trên một số diện tích nhất định tại 4 huyện vùng cao từ vụ Đông - xuân 2009 - 2010, với diện tích 210 ha, năng suất đạt 9,2 tạ/ha, sản lượng đạt trên 50 tấn.
Vụ Đông - xuân 2010 – 2011, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch trồng 1.000 ha cây cải dầu và phân công nhiệm vụ, tiến độ và các mốc triển khai từng công việc cụ thể cho UBND các huyện, xã, các ngành ở tỉnh liên quan và Công ty TNHH Đông Thành (đơn vị thu mua, tiêu thụ và chế biến hạt cải dầu). Sau hội nghị triển khai của tỉnh tại huyện Quản Bạ, UBND các huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, đồng thời kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện, xã có phân công trách nhiệm cụ thể từng thành viên phụ trách từ cấp huyện đến cấp thôn bản. Các huyện đã xác định vùng trồng, diện tích đủ tiêu chuẩn, đồng thời phối hợp với tổ kỹ thuật của tỉnh thẩm định đất theo tiêu chuẩn kỹ thuật, phối hợp với Trung tâmKhuyến nông tỉnh xây dựng kế hoạch và tiến hành tập huấn cho đội ngũ cán bộ khuyến nông xã, phối hợp với Công ty TNHH Đông Thành triển khai đăng ký giống cho toàn bộ diện tích, đồng thời đã ký kết trách nhiệm trong việc bao tiêu sản phẩm. Thực hiện kế hoạch này của tỉnh, các huyện đã áp dụng cơ chế chính sách chung gồm: hỗ trợ 70% giá giống và 50% phân bón, 100% thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời Công ty TNHH Đông Thành ứng 30% giá giống không lãi (trừ qua sản phẩm khi thu mua). Kết quả đến ngày 11.9.2010 đã cung ứng giống đến 4 huyện, với tổng lượng giống đã cung ứng là 3.500 kg (tương đương với 1000 ha), trong đó giống Miên dầu 15 là 1.455 kg (tương đương 416 ha), giống Miên dầu 16 là 2.045 kg (tương đương với 584 ha). Qua theo dõi các chỉ tiêu về mật độ, sinh trưởng và phát triển của cây cải dầu cho thấy: Cơ bản các diện tích có mật độ bảo đảm theo yêu cầu kỹ thuật tính đến thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên giai đoạn đầu qua kiểm tra thực tế tại 4 huyện cho thấy nhân dân gieo trồng mật độ quá dày, có địa điểm lên tới 100cây/m2. Về thời gian sinh trưởng, do vụ Đông - xuân năm 2010 – 2011 số giờ nắng ít, nền nhiệt độ thấp nên đã kéo dài thời gian sinh trưởng của cây cải dầu, mặt khác do ảnh hưởng của quá trình giải phóng đất sớm để làm vụ mùa. Về sâu bệnh hại năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm trước vì nhiệt độ trung bình thấp, độ ẩm tương đối cao không thích nghi cho sâu bệnh phát sinh gây hại, bên cạnh đó các cơ sở đã chủ động phòng trừ kịp thời khi tới ngưỡng, nên hạn chế sự phát triển. Đánh giá năng suất cho thấy ước đạt 4,07 tạ/ha, sản lượng ước đạt 198,8 tấn. nguyên nhân là do diện tích thu hoạch giảm so với diện tích gieo trồng, các huyện thống kê chưa chính xác diện tích gieo trồng thực tế, chủ yếu tính theo lượng cân giống hỗ trợ phát ra để quy ra diện tích, mật độ gieo trồng ban đầu quá dày, một số diện tích xấu không được chăm sóc, do khô hạn, rét đậm, rét hại cục bộ vào thời kỳ ra hoa đậu quả, tuy cây sinh trưởng phát triển tốt nhưng không hình thành được hạt...Đánh giá về hiệu quả kinh tế cho thấy tổng chi phần ngân sách hỗ trợ là 4 tỷ 451,3 triệu đồng, thu chỉ được 1 tỷ 988 triệu đồng. Như vậy chỉ riêng phần hạch toán nhà nước hỗ trợ (70% giá giống, 50% phân bón, thuốc BVTV) đã lỗ 2.463,3 triệu đồng/972,6ha, tương đương mỗi ha lỗ 2,5 triệu đồng....
Trên cơ sở báo cáo đánh giá mặt được, mặt chưa được trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình trồng cây cải dầu trên địa bàn 4 huyện vùng cao, các đại biểu đến dự hội nghị cũng đều đánh giá và khẳng định rằng: Cây cải dầu có thể sinh trưởng và phát triển tốt trên địa bàn 4 huyện nếu gặp thời tiết thuận lợi, tuy nhiên nếu để lấy hạt thì cho hiệu quả kinh tế thấp so với trồng cây rau, màu khác như các loại bắp cải, su hào, khoai tây, khoai lang...Cây cải dầu có thời gian sinh trưởng dài 5 – 6 tháng, yêu cầu đất trồng khắt khe, ảnh hưởng đến cơ cấu thời vụ trước và sau. Không có khả năng mở rộng (diện tích đất ruộng một vụ có khả năng đáp ứng yêu cầu trồng cải dầu không lớn, nếu đưa vào đất nương sẽ ảnh ưởng lớn đến cây trồng vụ xuân năm sau) không thể đưa vào cơ cấu cây luân canh tăng hệ số sử dụng đất được. Bên cạnh đó chi phí đầu tư cho 1 ha trồng cải dầu lấy hạt lớn (trung bình từ 10 – 12 triệu đồng/ha chưa kể phân chuồng, công lao động), mức độ rủi ro cao do thời gian sinh trưởng kéo dài lại đúng vào những thời điểm điều kiện thời tiết, khí hậu thường xuyên bất thuận đối với 4 huyện vùng cao. Cây cải dầu thuộc cây rau họ hoa thập tự, từ khi mọc đến quả vào chắc xuất hiện nhiều loại sâu bệnh hại, có thể là nguồn di trú gây nguy hại cho các cây trồng vụ sau. Đặc biệt các loại bệnh có thể gây nguy hại cho cây trồng vụ Xuân tiếp theo như cây đậu tương hoặc cây rau...Các đại biểu cũng kiến nghị với tỉnh cho chủ trương, cơ chế tập trung đẩy mạnh phát triển cây rau màu vụ Đông thay thế cây cải dầu, bổ sung cây cải dầu là cây rau vụ Đông - xuân trong cơ cấu của tỉnh vì hạt thương phẩm có thể sử dụng trồng làm rau. Cho phép các huyện có khả năng liên hệ với các đối tác trong và ngoài nước để bán sản phẩm cho nông dân với giá cao hơn giá của công ty TNHH Đông Thành (cao hơn 10.000đồng/kg) để tăng thu nhập cho nhân dân. Tuy nhiên các huyện và Công ty TNHH Đông Thành phải có biên bản cụ thể để phân rõ trách nhiệm...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị đồng chí Vương Mí Vàng nhấn mạnh: Qua đánh giá của ngành chuyên môn và ý kiến của các huyện về hiệu quả đạt được và những vấn đề còn tồn tại trong việc trồng cây cải dầu, yêu cầu Sở NN và PTNT và Công ty TNHH Đông Thành thực hiện tốt việc thu mua sản phẩm cho nông dân trong vụ này, ngành Nông nghiệp và PTNT chỉnh sửa báo cáo cụ thể tham mưu cho UBND tỉnh để báo cáo BTV Tỉnh ủy cho chủ trương...
Ý kiến bạn đọc