Nâng cao năng lực tổ chức Đảng ở cơ sở trên địa bàn Hoàng Su Phì
17:14, 27/04/2011
HGĐT- VỚI MỤC TIÊU NHÂN RỘNG NHỮNG CÁCH LÀM HAY, NHÂN TỐ MỚI TRONG XÂY DỰNG, PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC ĐẢNG Ở CƠ SỞ, HUYÊN HOÀNG SU PHÌ VỪA TỔ CHỨC HỘI THẢO TRAO ĐỔI, HỌC TẬP KINH NGHIÊM CÔNG TÁC ĐẢNG. QUA HỘI THẢO, ĐÃ CÓ NHIỀU CÁCH LÀM MANG TÍNH SÁNG TẠO, KINH NGHIÊM HAY ĐƯỢC TRAO ĐỔI VÀ VẬN DỤNG VÀO ĐIỀU KIÊN THỰC TẾ CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYÊN.
Sau Đại hội Đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2010-2015, số lượng cấp ủy viên cơ sở của huyện Hoàng Su Phì được tăng lên, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp ủy các xã, thị trấn có sự đổi mới cả về trình độ chuyên môn, chính trị và trẻ hóa về độ tuổi. Hiện tại, Đảng bộ huyện có 71 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc, trong đó có 25 Đảng bộ xã, thị trấn, 3 Đảng bộ và 42 chi bộ khối cơ quan với tổng số 442 cấp ủy viên, tăng 102 đồng chí so với nhiệm kỳ trước. Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiều tổ chức Đảng ở cơ sở đã đề ra chương trình hành động, cách làm hay, mang tính sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và bắt đầu phát huy hiệu quả. Những cách làm đó được bàn thảo tại Hội thảo trao đổi, học tập kinh nghiệm công tác Đảng ở cơ sở trên địa bàn toàn huyện, nó đã thực sự trở thành diễn đàn sinh hoạt chính trị đầy bổ ích.
Trao đổi tại hội thảo, mô hình và cách triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Đản Ván lần thứ XIX được đánh giá có nhiều sáng tạo thể hiện qua việc lựa chọn 3 đột phá tổ chức thực hiện trong năm 2011. Trước hết, xã tập trung xây dựng 2 bảng ghi công khai các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội và bảng theo dõi chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong tháng, quý. Ông Lèng Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Đản Ván cho biết: Qua theo dõi thực tiễn các nhiệm kỳ trước, nhiều chỉ tiêu nghị quyết được ban hành, nhưng tính công khai chưa cao, nhiều tài liệu liên quan chỉ để lưu trữ trong hồ sơ nên một số chỉ tiêu bị bỏ quên không triển khai. Vì vậy, việc xây dựng bảng ghi chỉ tiêu đã giúp cán bộ, đảng viên, các ngành, đoàn thể dễ xem và căn cứ vào số liệu thể hiện trên bảng sẽ biết kết quả thực hiện theo từng năm của nhiệm kỳ Đại hội, đồng thời nắm rõ chỉ tiêu nào thực hiện được, chưa được để có giải pháp phấn đấu.
Đột phá tiếp theo của Đản Ván là huy động sức dân xây dựng đường giao thông, hiện tại xã có 6/8 thôn, bản đường ô tô, xe máy đến được trung tâm thôn. Để hoàn thiện hệ thống giao thông, đặc biệt ở các thôn chưa có đường đến trung tâm, BCH Đảng bộ xã đề ra giải pháp phát huy nội lực trong dân thông qua việc vận động cán bộ, đảng viên, Trưởng thôn bản nhận tuyến làm trước để người dân cùng thực hiện theo. Cách triển khai như trên đã tạo sự đồng thuận rất lớn trong dân, nhiều tuyến đường GTNT được hoàn thành như đường từ thôn Thượng II đi Quốc lộ 4D, dài gần 3km, mặt đường rộng 2,5m chỉ hai ngày đã mở xong. Sau thành công trên, nhân dân trong xã tiếp tục đóng góp nhiều ngày công, hoàn thiện việc mở 2,6km đường từ thôn Lủng Khum đến hồ treo và đường từ trụ sở UBND xã cũ đi hồ treo dài gần 3km...
Đối với công tác quy tụ dân cư gắn xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ xã Đản Ván chọn thôn Thượng I làm điểm, theo qui hoạch địa bàn thôn có thể bố trí được 70 hộ dân, hiện có 33 hộ được quy tụ đến ở, xã tiếp tục quy tụ 47 hộ dân đang sống ở nơi có nguy cơ sạt lở đất về sống tập trung và được cấp đất, làm nhà dọc theo Quốc lộ 4D. Đất của các hộ tại nơi ở cũ được giao cho hộ ở gần sử dụng, UBND xã cắm đất ở, đất ruộng nương cho hộ ở khu quy tụ dân cư mới, đồng thời huy động sức dân làm đường từ trung tâm thôn Thượng II đến khu quy tụ dân cư mới. Từ sự đồng thuận của nhân dân, tuyến đường có chiều dài gần 3km, rộng 2,5m đã được mở xong nền, chuẩn bị đổ bê tông. Hiện nay, xã đã khảo sát xong trục đường điện chính từ trung tâm thôn Thượng II đến trung tâm khu quy tụ dân cư với chiều dài gần 5km, có 33 hộ xây dựng xong công trình vệ sinh.
Ở Nam Sơn, Đảng ủy xã lại có nhiều giải pháp, phát huy hiệu quả công tác dân vận trong quá trình triển khai chủ tương, nghị quyết của Đảng đến với người dân. Công tác dân vận được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt việc vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, bài trừ hủ tục lạc hậu. Các mô hình “Dân vận khéo” được hình thành đã thực sự phát huy hiệu quả, nhiều cách làm hay được nhân rộng, đời sống tinh thần, vật chất của người dân từng bước nâng lên, phong cách, hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ xã từng bước đáp ứng nhu cầu công việc.
Đến với hội thảo, đại diện xã Thông Nguyên lại chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc đưa Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, bản lên xã đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc. Thông Nguyên là xã điểm của tỉnh về thực hiện mô hình nhất thể hoá Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND xã từ giữa năm 2008, sau một thời gian triển khai, mô hình này đã phát huy hiệu quả tích cực, cách nghĩ, cách làm sáng tạo của người đứng đầu tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, bộ mặt đô thị có nhiều thay đổi. Ông Vần Kim Đưởng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết: Đảng ủy xã rất coi trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt việc đưa các đồng chí Bí thư chi bộ lên xã học việc thông qua hình thức cầm tay chỉ việc. BTV Đảng bộ xã phân công từng đồng chí trong BTV hướng dẫn từng công việc cụ thể, trong đó cần nắm chắc từng đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng thôn yếu về điểm nào thì tập trung hướng dẫn về điểm đó; trong phân công cũng xác định rõ đồng chí Ủy viên BTV nắm chắc về mặt nào thì cho hướng dẫn về mặt đó. Trong thời gian học việc tại xã, các Bí thư chi bộ, Trưởng thôn được tham dự một số cuộc họp của xã, dự hội nghị ở những thôn chưa đưa Bí thư lên học việc để chỉ ra điểm yếu, hướng khắc phục. Kết thúc khoa học, các đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng thôn đã biết tổ chức sinh hoạt theo quy trình, biết cách quán triệt văn bản của cấp trên, xây dựng được chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện...
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Mão, Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì khẳng định: Một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến sự thành công trong quá trình triển khai nghị quyết vào cuộc sống chính là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Khi người đứng đầu biết chuyển tải, vận dụng linh hoạt, sáng tạo những chủ trương, nghị quyết vào thực tế của địa phương thì hiệu quả công việc đạt được rất cao... Nhằm phát huy vai trò của đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng, ngay sau Đại hội Đảng bộ cơ sở, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh, chỉ đạo các xã xây dựng quy chế làm việc, chương trình hành động, cử cán bộ chủ chốt cấp ủy cơ sở tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn do tỉnh tổ chức. Đồng thời, tổ chức hội thảo tại huyện với nội dung nâng cao chất lượng hoạt động của cấp ủy cơ sở cho các đồng chí là Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy xã, thị trấn, qua đó đã giúp nhiều cán bộ cấp ủy nắm được chức năng, nhiệm vụ và những công việc cụ thể, kinh nghiệm hay trong công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy xã, thị trấn. Những chuyển biến tích cực trong cách thức tổ chức, điều hành thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có tác động rất tích cực đến quá trình phát triển KT-XH của các địa phương trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì.
Ý kiến bạn đọc