Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới làm việc tại tỉnh ta
HGĐT- Chiều 26.4, đoàn công tác của Ban chỉ đạo (BCĐ) T.Ư Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (XDNTM) do đồng chí Nguyễn Đăng Khoa, Phó trưởng BCĐ chuyên trách có buổi làm việc với BCĐ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh ta. Dự buổi làm việc phía tỉnh ta có đồng chí: Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng BCĐ; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành viên BCĐ.
Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta đã thành lập BCĐ và BQL Chương trình. Đồng thời ban hành bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới với 19 tiêu chí và 49 nội dung chi tiết. Ở các huyện, thành phố, bước đầu triển khai đã tập trung tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của Chương trình, từ đó đồng tình thực hiện. Các huyện cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác quy hoạch. Hiện nay có 40 xã đăng ký xây dựng nông thôn mới điểm ở các huyện, thành phố. Các xã đăng ký hiện đã hoàn thành quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, đồng thời triển khai các tiêu chí không phải đầu tư kinh phí hoặc đầu tư ít kinh phí và những tiêu chí huy động được sự đóng góp của cộng đồng, người dân. Nhiều hạng mục được ưu tiên triển khai đó là làm đường liên thôn, liên xã; làm công trình thủy lợi; làm công trình vệ sinh; di chuyển chuồng trại gia súc ra xa nhà. Qua quá trình triển khai, một số địa phương có cách làm hay, sáng tạo như: Việc tập trung làm công tác quy hoạch ở Yên Minh; phân rõ trách nhiệm và số lượng nhiệm vụ cụ thể của từng cấp, từng cá nhân trong quá trình tổ chức thực hiện ở huyện Bắc Mê...
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến khẳng định, Hà Giang nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của Chương trình XDNTM. Nổi bật là BCH Đảng bộ tỉnh đã xây dựng, thông qua Nghị quyết chuyên đề về XDNTM, đây là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai, thực hiện. Trong quá trình triển khai, tỉnh có những cách làm mới, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương như: Quyết định hỗ trợ xi măng cho các địa phương; tập trung hỗ trợ sản xuất, tạo nguồn thu nhập bền vững cho người dân... Cùng với đó, tỉnh cũng xác định rõ những khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết như: Việc hướng dẫn của T.Ư chưa đồng nhất nên trong quá trình triển khai ở cơ sở còn lúng túng; việc thực hiện nhiều quy hoạch trong cùng một lúc gây khó khăn cho các xã; nguồn vốn đầu tư cho chương trình hạn hẹp, nếu T.Ư không đầu tư trên cơ sở nhu cầu thực tế của từng địa phương thì việc triển khai chương trình đối với tỉnh nghèo là rất khó khăn. Từ thực tế triển khai chương trình, đề nghị T.Ư xem xét, giải quyết một số vấn đề cụ thể đó là: Cần thống nhất cách làm chung cho toàn quốc; nên cho các tỉnh tư vấn về chính sách, cách làm nhằm thống nhất giải pháp triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, từng địa phương; nghiên cứu cho các tỉnh tự xem xét, xây dựng bộ tiêu chí riêng phù hợp với thực tế của địa phương, bộ tiêu chí đó cần có sự thẩm định của T.Ư; nên để các xã thực hiện quy hoạch chung trước, các quy hoạch khác triển khai sau, trong công tác quy hoạch T.Ư phải có hướng dẫn cụ thể; sớm tổ chức tập huấn cho bộ máy XDNTM ở cấp tỉnh...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đăng Khoa cho rằng: Một tỉnh nghèo, khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều nhưng Hà Giang thực hiện đạt một số kết quả tích cực, đặc biệt là có những giải pháp thực hiện linh động, sáng tạo là đáng ghi nhận. Đồng chí nhấn mạnh cần hiểu một cách ngắn gọn Chương trình XDNTM đó là nông thôn có: “Diện mạo mới- nông nghiệp mới- nông gia mới”. Chương trình được hình thành do yêu cầu cải thiện đời sống, sinh hoạt cho người nông dân; yêu cầu thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn; yêu cầu thực hiện mục tiêu đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp. Trong quá trình triển khai, tỉnh cần xác định rõ các nhóm việc cần phải thực hiện đó là: Tuyên truyền, vận động; huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề; chỉnh trang xóm làng sạch đẹp; nâng cao chất lượng giáo dục - văn hoá; đảm bảo ANTT. Để làm tốt các việc trên, cần coi trọng thực hiện một số giải pháp cụ thể. Tổ chức tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động để mọi người nắm được nội dung, ý nghĩa của chương trình XDNTM. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ xã, thôn bản nhằm hướng dẫn cho đội ngũ này cách thức triển khai, thực hiện. Gắn việc thực hiện chương trình XDNTM với các phong trào ở địa phương nhằm tạo không khí hào hứng, phấn khởi, sôi nổi. Thực hiện công bố sự hỗ trợ của Nhà nước cho chương trình XDNTM cũng như những phần việc huy động nhân dân đóng góp. Ưu tiên đưa nguồn vốn đầu tư các Chương trình mục tiêu Quốc gia về các xã điểm để thực hiện XDNTM. Trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, ngoài việc xây dựng mô hình mới để nhân rộng cần làm tốt những gì mà địa phương đang có nhằm ổn định đời sống của người dân. Vấn đề đặc biệt quan tâm đó là ngành chức năng cần xây dựng đề cương hướng dẫn cho các xã thực hiện công tác quy hoạch...
Trước khi có buổi làm việc với tỉnh, đoàn đi kiểm tra thực tế tại 3 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh: Vĩnh Phúc (Bắc Quang); Trung Thành (Vị Xuyên); Phương Độ (thành phố Hà Giang).
Ý kiến bạn đọc