Hội thảo lấy ý kiến đề xuất xây dựng Dự án xin tài trợ của IFAD giai đoạn 3
HGĐT- Sáng ngày 28.2, Ban Chỉ đạo các chương trình dự án ODA của tỉnh đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đề xuất xây dựng dự án xin tài trợ của IFAD giai đoạn 3.
Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trưởng BCĐ các chương trình dự án ODA tỉnh; Hoàng Đình Châm, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Bắc Mê, Yên Minh, Quản Bạ...
Hà Giang được Quỹ phát triển nông nghiệp Quốc tế (IFAD) tài trợ từ năm 1998 cho đến nay với 2 Dự án đã triển khai đó là: Dự án Hỗ trợ các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang (HPM), giai đoạn 1998- 2004; Dự án Phân cấp giảm nghèo nông thôn tỉnh Hà Giang (DPPR), giai đoạn 2005- 2011. Tổng nguồn vốn đầu tư cho cả 2 dự án trên 38 triệu Đô la Mỹ, trong đó nguồn vốn tài trợ của IFAD gần 26 triệu Đô la Mỹ. Để tiếp tục thu hút đầu tư, tranh thủ các nguồn vốn ODA, đặc biệt nguồn vốn IFAD hỗ trợ để phát triển kinh tế, xoá đói giảm ngèo, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở... UBND tỉnh và BCĐ các chương trình dự án ODA tỉnh đã xây dựng2 phương án đề cương chi tiết dự án xin tài trợ của IFAD. Phương án I: “Dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn mới tỉnh Hà Giang” thực hiện trên địa bàn các huyện Bắc Mê, Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ với tổng nguồn vốn dự kiến là 38,5 triệu Đô la Mỹ. Mục tiêu của Dự án là góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm nghèo, cải thiện và tăng thu nhập bền vững cho các hộ dân ở khu vực nông thôn tỉnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng thực hiện Dự án. Kết thúc Dự án có 70% số xã tham gia Dự án đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Phương án 2: “Dự án hỗ trợ tạo thu nhập cho người dân tộc thiểu số vùng công viên địa chất toàn cầu Đồng Văn” thực hiện trên địa bàn các huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh với tổng vốn dự kiến 35 triệu Đô la Mỹ. Mục tiêu dài hạn là góp phần giảm nghèo, cải thiện và tăng thu nhập bền vững cho các hộ dân ở khu vực nông thôn tỉnh Hà Giang, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng Dự án. Mục tiêu ngắn hạn đối với các xã vùng Dự án đó là tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm tăng từ 1,3 lần trở lên; bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6% trở lên. Thời gian thực hiện Dự án của cả hai phương án từ năm 2012 đến 2017.
Sau khi thông qua hai phương án xin nguồn vốn tài trợ của IFAD cũng như nội dung 4 mục tiêu khung chiến lược của IFAD, các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến để chọn ra phương án tối ưu nhất, đồng thời đóng góp ý kiến vào những vấn đề cụ thể trong nội dung của dự án như kết cấu, tên gọi, số lượng các huyện tham gia, bộ máy và cơ chế quản lý... Theo ý kiến của đồng chí Hoàng Đình Châm, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thì việc chọn tên cũng như xây dựng nội dung của Dự án cần dựa vào nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như 4 mục tiêu chiến lược của IFAD, trong đó tập trung hỗ trợ vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn với đối tượng là các hộ nghèo người dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, trong việc xin tài trợ của Dự án thì tỉnh cần quan tâm, thực hiện tốt hoạt động vận động hành lang. Trong việc xây dựng dự án cần có đánh giá tổng quan địa bàn các huyện thực hiện dự án, nhất là việc đánh giá những kết quả đạt được trong việc thực hiện dự án do IFAD tài trợ trên cơ sở đánh giá của các đoàn giám sát...
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Tiến đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, tất cả các ý kiến nêu lên đều sâu sắc và có tính thực tiễn cao. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, đồng chí Nguyễn Minh Tiến thống nhất một số vấn đề cụ thể. Quyết định lựa chọn phương án 2 để xin tài trợ của IFAD. Tên gọi Dự án được thay là “Dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn vùng cao và dân tộc thiểu số theo xu thế tiếp cận thị trường và phát triển bền vững” với tổng nguồn vốn dự kiến thực hiện là 35 triệu Đô la Mỹ. Địa điểm thực hiện Dự án là 5/11 huyện, thành phố, bao gồm: 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc và huyện Bắc Mê; các huyện lựa chọn những xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% theo chuẩn mới. Nội dung Dự án cần chỉnh sửa một số vấn đề cụ thể như: Bối cảnh thực hiện Dự án cần đi sâu vào việc đánh giá thực trạng của 5 huyện, trong đó nêu lên những khó khăn cơ bản như vấn đề nước sinh hoạt, nước sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo, cơ sở hạ tầng, trình độ dân trí; khái quát các chương trình dự án do IFAD tài trợ, trong đó đánh giá kỹ những kết quả đã làm được, những khó khăn, vướng mắc trên cơ sở đánh giá của các đoàn giám sát. Về mục tiêu cụ thể, cần xây dựng nội dung các hợp phần bám sát vào 4 mục tiêu chiến lược của IFAD. Về tổ chức và cơ cấu quản lý phân cấp mạnh cũng như được thực hiện quản lý lồng ghép với các chương trình, dự án khác... Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến thảo luận của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Minh Tiến chỉ đạo BQL Dự án Phân cấp giảm nghèo nông thôn tỉnh chủ trì phối hợp với 5 huyện nhanh chóng chỉnh sửa phương án đề cương chi tiết dự án xin tài trợ của IFAD trong thời gian sớm nhất.
Ý kiến bạn đọc