Hội thảo hợp tác GD-ĐT, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giữa tỉnh ta và trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội
HGĐT- Chiều ngày 25.2, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo hợp tác giáo dục đào tạo (GD-ĐT), nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giữa tỉnh Hà Giang và trường Đại học Nông nghiệp (ĐHNN) Hà Nội.
Quang cảnh Hội thảo.
|
Dự hội thảo có các đồng chí: Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đàm Văn Bông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; PGS.TS Trần Đức Viên, Hiệu trưởng Trường ĐHNN Hà Nội; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và cán bộ, giáo viên các khoa, Trung tâm Nghiên cứu thuộc trường ĐHNN Hà Nội.
Xuất phát từ phương châm gắn đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với nhu cầu nguồn nhân lực, thực tiễn sản xuất của hai bên, UBND tỉnh Hà Giang và trường ĐHNN Hà Nội xây dựng chương trình hợp tác với những nội dung cụ thể. Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực: Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học cho địa phương theo hình thức phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, trong đó tập trung chính vào việc đào tạo trình độ đại học cũng như tập huấn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ cấp xã, phường, thị trấn. Về công tác phối hợp nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ: Phối hợp nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo nhu cầu thực tiễn của địa phương; xây dựng các mô hình quản lý nông thôn mới; thực nghiệm các kết quả nghiên cứu khoa học của nhà trường tại tỉnh.
Trên cơ sở chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ được xây dựng. Các đại biểu dự Hội thảo đã phát biểu ý kiến nhằm đi đến hoàn thiện, thống nhất chương trình hợp tác. Các ý kiến cho rằng, trong công tác đào tạo nên tập trung chính vào đào tạo đội ngũ cán bộ cấp xã, phường, thị trấn có trình độ đại học với hình thức đào tạo hợp lý để tiện cho cán bộ cơ sở theo học. Về chuyên ngành đào tạo, ngoài một số chuyên ngành tỉnh đang thiếu như khuyến nông, tài nguyên môi trường, công nghệ sinh học thì việc đào tạo cho các bộ cơ sở cần đào tạo chung để mỗi cán bộ khi tốt nghiệp nắm được hầu hết các lĩnh vực từ kỹ năng quản lý, điều hành cho đến việc lập và tổ chức kế hoạch sản xuất, chăn nuôi, xây dựng nông thôn mới…Cùng với đó, tập trung đào tạo cao học cho đội ngũ cán bộ nguồn và đội ngũ cán bộ, giáo viên phục vụ cho nhu cầu nâng cấp các trường Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, Trường nghề trên địa bàn toàn tỉnh. Trong việc hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, phía tỉnh Hà Giang mong muốn nhà trường nghiên cứu về việc xử lý sau khai thác tại các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn; nghiên cứu nuôi cấy mô đối với cây lâm nghiệp, trong đó tập trung chính vào các loại cây dược liệu và cây lâm nghiệp trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Ngoài ra, tỉnh cũng mong muốn nhà trường quan tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trên lĩnh vực thuỷ lợi, nguồn nước sinh hoạt, chế biến thức ăn gia súc...
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh và Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông cho rằng, cần nâng cao chương trình hợp tác lên thành chương trình hợp tác quốc tế. Các hoạt động của chương trình hợp tác nên dựa vào những lĩnh vực cụ thể dựa trên chương trình Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV với một số lĩnh vực chính như: Phát triển lúa, ngô hàng hoá; chương trình trồng rừng kinh tế; phát triển cây cao su, cây cải dầu; chăn nuôi đại gia súc, trong đó có phát triển đàn ngựa; xây dựng hồ treo; chương trình xây dựng nông thôn mới... Cùng với đó, quan tâm đến việc nghiên cứu xây dựng các đề án nghiên cứu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho tỉnh; chất đốt cho người dân vùng cao; chương trình trồng cây vụ đông và phát triển cây đậu tương, cây dược liệu; nghiên cứu xây dựng thương hiệu một số sản phẩm nông nghiệp cho tỉnh, trong đó có gạo già dui, khẩu mang... Tỉnh giao cho các ngành, trong đó đầu mối là Sở Nội vụ tỉnh phải xây dựng kế hoạch, chương trình, đề cương hợp tác chi tiết để đi đến thống nhất và ký kết trong thời gian sớm nhất, trong đó có một số nội dung triển khai ngay trong năm 2011. Đồng thời cần xây dựng chương trình hợp tác dài hơi từ nay đến năm 2020, có kế hoạch cho từng lĩnh vực, từng giai đoạn cụ thể. Trong hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương cần xác định lộ trình cụ thể, từ cấp độ đào tạo, đối tượng đào tạo, lĩnh vực đào tạo cho đến hình thức đào tạo...
Ý kiến bạn đọc