“Trước dân, trách nhiệm của người lãnh đạo là không được phép giấu diếm”
(Lược ghi ý kiến trả lời phỏng vấn phóng viên báo chí của đồng chí Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, tại Đại hội Đảng lần thứ XI).
Là một trong những Bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí trong giờ giải lao của ĐH, Bí thư Tỉnh uỷ Triệu Tài Vinh khẳng định: “Chiến lược của tôi là xây dựng một đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch trên tinh thần giám sát của nhân dân”.
Vấn đềquan trọng là hiệu quả công việc. Với tư cách của một người đảng viên, với trách nhiệm của một Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí cho rằng những thông tin mà nhân dân gửi đến thể hiện độ tin cậy của họ. Nếu giải quyết không thoả đáng, rốt ráo thì dân sẽ không tìm đến chúng ta nữa. Nếu để mất uy tín trước dân, chúng ta lãnh đạo ai?
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một kênh thông tin. Quan trọng là người cán bộ, đảng viên phải sâu sát cơ sở, “trăm nghe không bằng một thấy”. Thông tin nhiều khi chỉ là đầu mối để dẫn dắt hành động tiếp theo của chúng ta. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, muốn nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên, việc cấp thiết là phải nâng cao hiệu quả giám sát. Tại Hoàng Su Phì và nhiều huyện khác, Bí thư Tỉnh ủy đã cho triển khai mô hình “giám sát của giám sát”. Thực tiễn cho thấy mô hình này đem lại hiệu quả rất cao. Khi có sự giám sát ngược lại, người bị giám sát sẽ không thể giấu diếm bất cứ điều gì. Không thể vì là cán bộ, đảng viên mà được phép vượt ra ngoài vòng giám sát. Để thực hiện mô hình này, từng cán bộ đề ra kế hoạch hành động chi tiết, sau đó chấm điểm. Chủ tịch làm gì, bí thư làm gì tháng này, từ huyện xuống xã, rất rõ. Kế hoạch như thế nào, những lời hứa ra sao đều được ghi lại một cách công khai. Điểm số sẽ đánh giá việc thực hiện công việc của người lãnh đạo. Còn trong Chi uỷ, người đứng đầu cũng phải xây dựng kế hoạch hành động của chính cá nhân mình để hoàn thành nhiệm vụ, nhất định không hô hào nói suông với nghị quyết! Và Bí thư Tỉnh uỷ cũng phải thực hiện nghiêm chỉnh việc đó. Cả hệ thống chính trị phải có sự giám sát nhau và tự giám sát kế hoạch của chính mình.
Có thể không phải lúc nào hoặc ở đâu, 100% người dân cũng biết được kế hoạch đó, bởi có những khi người dân bận rộn, không để tâm lắm việc tháng này lãnh đạo làm gì. Nhưng chủ trương là cán bộ phải công khai kế hoạch hoạt động của mình, và người dân có quyền được biết. Công khai là trách nhiệm của lãnh đạo, và sẽ không có gì qua được tai mắt của nhân dân. Có thể lúc này dân không để ý, nhưng lúc khác họ sẽ để ý. Nếu cán bộ làm tốt thì dân sẽ không “soi” quá kỹ, nhưng nếu làm không tốt, lập tức họ để ý ngay. Làm lãnh đạo, cũng như là cán bộ, đảng viên, phải chịu sự giám sát của nhân dân. Thực tế thì Hà Giang hiện nay, 100% thôn bản đã có Chi bộ và chất lượng đảng viên ngày càng được nâng cao. Thành công này có phần đóng góp to lớn của nhân dân trong việc giám sát cán bộ, đảng viên.
Ý kiến bạn đọc