Hội thảo "Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn"
HGĐT- Ngày 28.12, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn” giai đoạn 2011-2015, có xét đến 2020.
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh phát biểu ý kiến tại Hội thảo. |
Dự Hội thảo có đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Minh Tiến, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các vụ, viện (Bộ NN-PTNT), các trường đại học, trung học chuyên ngành; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố; cán bộ lão thành ngành NN-PTNT.
Báo cáo đề dẫn khẳng định: Hà Giang có trên 148 nghìn ha đất sản xuất nông, lâm nghiệp; trên 552 nghìn ha đất lâm nghiệp; toàn tỉnh được chia làm 3 vùng tự nhiên, kinh tế khác nhau. Trên cơ sở đó, tỉnh đã có định hướng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; các chính sách hỗ trợ giống cây trồng, thuốc thú y, bảo vệ thực vật, chuyển đổi một vạn ha đất xấu sang trồng cỏ, phát triển cây đậu tương, chè, trồng 1 vạn ha cao su; cải tiến, nâng cao chất lượng trâu, bò thịt, bảo tồn và phát triển bò vùng cao, nuôi trồng thủy sản; đầu tư, hỗ trợ gạo bảo vệ và phát triển rừng 4 huyện vùng cao phía Bắc, trồng rừng kinh tế; quy hoạch nông, lâm nghiệp, quy hoạch tổng thể bố trí dân cư. Các chủ trương, chính sách được triển khai đã đưa nền nông nghiệp phát triển ổn định, liên tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Tốc độ gia tăng giá trị nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân qua các năm đạt trên 5%, chiếm gần 33% cơ cấu kinh tế; nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung như vùng cây công nghiệp dài ngày, cây công nghiệp ngắn ngày, chè, đậu tương, lạc, rau an toàn, hoa chất lượng cao được hình thành, chăn nuôi đang phát triển theo hướng hàng hóa.
Tuy nhiên, năng lực cán bộ chuyên ngành, trình độ canh tác của người dân còn nhiều hạn chế, năng suất cây trồng chưa cao, một số cây trồng thế mạnh chưa phát huy được tiềm năng, công tác chỉ đạo của cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở chưa đồng bộ; việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương chưa thường xuyên; các sản phẩm nông nghiệp vẫn mang tính thô, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, chưa gắn kết được “4 nhà”...
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt bình quân 5,5% trở lên, giá trị gia tăng chiếm 26,4% trong cơ cấu kinh tế; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 40 vạn tấn, hệ số sử dụng đất đạt 2 lần, giá trị sản phẩm đạt trên 30 triệu đồng/ha... Thực hiện mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp đề ra các giải pháp như áp dụng tiến bộ KHKT, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, lao động, nguồn vốn;sản xuất hàng hóa với số lượng lớn mang tính xuất khẩu; rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết từng vùng sản xuất hàng hóa theo từng loại cây, con, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ; xây dựng công thức luân canh cho từng vùng sản xuất, tạo thành chu trình khép kín để chi đạo cơ cấu mùa vụ; xúc tiến kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy chế biến nông sản; phát triển chăn nuôi gia súc gắn với trồng cỏ; chuyển đổi, thay thế tập đoàn giống cây lâm nghiệp có năng suất cao, xây dựng dự án chuyển đổi chất đốt cho đồng bào 4 huyện vùng cao; hoàn chỉnh hệ thống hồ chứa, tiếp tục thăm dò tìm kiếm các nguồn nước; từng bước hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh nhấn mạnh: Hội thảo cần đánh giá được định hướng phát triển nông nghiệp, trình độ sản xuất đang ở mức nào; chất lượng quy hoạch, mối quan hệ của nông nghiệp với các ngành, hạ tầng phát triển nông nghiệp, khả năng cơ giới hóa và vấn đề bảo quản sau thu hoạch, việc nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp; tác động của Cao nguyên đá với mối quan hệ trong nông nghiệp, du lịch; mô hình quản lý, giữ nước sạch, giải quyết chất đốt cho người dân. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành Nông nghiệp phải có giải pháp nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ khuyến nông, chất lượng hoạt động các trung tâm giống; rà soát các nguồn lực tác động đến nông nghiệp...Các đại biểu dự Hội thảo cũng đóng góp nhiều kinh nghiệm, nhằm xây dựng nền nông nghiệp Hà Giang ngày càng phát triển.
Ý kiến bạn đọc