Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương

07:17, 18/11/2010

HGĐT- Từ khi đất nước thống nhất, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong việc củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ cách mạng mới.


 
Đại hội X của Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định những quan điểm cơ bản của Đảng về Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam là “MTTQ và đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân; đại diện cho quyền lợi và lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh thành hoạt động thực tiễn sinh động trong cuộc sống của nhân dân”. Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Mặt trận đã tiếp tục mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực vận động nhân dân phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, tự lực tự cường vươn lên, khai thác mọi tiềm năng và các điều kiện thuận lợi, khắc phục khó khăn, thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, học tập, công tác, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giữ vững chủ quyền Quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, phát triển tình đoàn kết hữu nghị với các nước trên thế giới. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, Mặt trận thực hiện chủ trương đoàn kết rộng rãi mọi người Việt Nam; lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; xóa bỏ mọi mặc cảm, định kiến, không phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp, tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích của dân tộc; đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định chính trị và đồng thuận xã hội. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động đã được đồng bào ta ở trong và ngoài nước tích cực hưởng ứng, tham gia đóng góp công sức, tiền của góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.


Cùng với quá trình phát triển của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang được thành lập từ ngày 18.3.1951. Phát huy truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đến nay trải qua 59 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền và các tổ chức thành viên, trong những năm qua với vai trò, nhiệm vụ của mình, MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang đã tập hợp, xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang đó, trong những năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên đã tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam phát động. Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân, tăng cường đoàn kết quốc tế, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.


Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động đến nay ngày càng được nhân dân các khu dân cư trên cả nước nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng nhiệt tình hưởng ứng. Trong 15 năm qua, cuộc vận động đã được triển khai rộng khắp ở hầu hết các khu dân cư trong tỉnh và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thông qua 6 nội dung của cuộc vận động đã tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đại đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, khơi dậy và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và “tương thân, tương ái” trong nhân dân đối với gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công và hoạt động nhân đạo từ thiện, đồng thời cuộc vận động đã góp phần động viên nhân dân đoàn kết phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, sống và làm việc theo pháp luật, theo hương ước, quy ước của cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc... Có thể nói cuộc vận động đã góp phần tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết các dân tộc ở từng khu dân cư, thôn, xóm, xã, đổi mới công tác mặt trận đã trở thành nhiệm vụ của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và do UBMTTQ các cấp chủ trì. Đến nay toàn tỉnh có 2.047 khu dân cư (tính đến hết năm 2009); 1.330 làng văn hóa; 1.397 tổ dân phố văn hóa; 95.891 gia đình văn hóa; 1.172 khu dân cư tiên tiến... Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” qua 10 năm triển khai thực hiện tiếp tục được mở rộng và có hiệu quả. Cuộc vận động đã được triển khai sâu rộng trongcác địa phương, đơn vị, được đông đảo các tổ chức, cá nhân tích cực hưởng ứng, tạo nên một phong trào rộng lớn giúp đỡ người nghèo trong toàn tỉnh, cụ thể như chương trình làm nhà Đại đoàn kết, sửa chữa và xóa nhà tạm cho người nghèo, hỗ trợ sản xuất phát triển kinh tế, khám chữa bệnh, hỗ trợ học sinh nghèo... Tính từ khi phát động (năm 2000) đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” toàn tỉnh đã huy động được trên 16 tỷ đồng, làm được 3.009 nhà Đại đoàn kết; sửa chữa và xóa được 817 căn nhà tạm cho người nghèo; hỗ trợ sản xuất phát triển kinh tế cho 1.126 hộ, hỗ trợ cứu đói cho 1.208 hộ, hỗ trợ người nghèo trong dịp Tết Nguyên đán là 2.197 hộ... UBMTTQ các cấpvà các tổ chức thành viên cũng đã có nhiều nỗ lực thực hiện đổi mới nội dung và phương thức hoạt động hướng về cơ sở, tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở, hướng mạnh chương trình nội dung hoạt động trên địa bàn dân cư. Các Ban thanh tra nhân dân, tổ hòa giải ở cơ sở được củng cố kiện toàn và đi vào hoạt động, quyền và nghĩa vụ của nhân dân ngày càng được phát huy góp phần tham gia xây dựng chính quyền cơ sở ngày càng vững mạnh để chính quyền thực sự là của dân, do dân và vì dân. Bên cạnh đó, công tác kiện toàn và củng cố tổ chức Mặt trận các cấp luôn chú trọng, nội dung và phương thức hoạt động được đổi mới. Hiện nay toàn tỉnh có 2.047 Ban công tác Mặt trận, 79 ủy viên UBMTTQ tỉnh; trình độ, năng lực của cán bộ Mặt trận đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Đến nay MTTQ tỉnh đã kết nạp được 17 tổ chức thành viên, thành lập được 2 Hội đồng tư vấn gồm Hội đồng tư vấn pháp luật, Hội đồng tư vấn công tác dân tộc.


Để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, trong thời gian tới, UBMTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục tập trung mọi nỗ lực phát huy vai trò của mình, vận động nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, nhất trí khơi dậy mọi tiềm năng, thế mạnh, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2010 và những năm tiếp theo; đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, tăng cường củng cố xây dựng khối đại đoàn kết các các tộc trong tỉnh ngày càng vững mạnh; đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trong việc vận động, tập hợp và giáo dục quần chúng phấn đấu cho mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; vận động các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các cuộc vận động; vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, nâng cao vai trò trách nhiệm của UBMTTQ và các tổ chức thành viên trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân; kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ, chú trọng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở; đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp...


BÀN ĐỨC VINH (Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm trọng thể 80 năm thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam
Cách đây 80 năm, ngày 18/11/1930, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam được thành lập, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
17/11/2010
Vai trò của chi bộ thôn trong lãnh đạo phát triển KT-XH ở Vĩ Thượng
HGĐT- Chúng tôi trở lại xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình sau 5 tháng Đại hội Đảng bộ huyện khoá II, nhiệm kỳ 2010-2015. Con đường nhựa từ huyện lỵ về Vĩ Thượng khoảng 30 cây số đã được tu sửa, nâng cấp tốt hơn. Những cánh ruộng vừa qua vụ thu hoạch lúa lác đác rạ còn ngổn ngang, trong các lạch khe, ao nhà... từng đàn vịt, ngan... mải mê kiếm mồi...
16/11/2010
Hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập MTTQ Việt Nam
HGĐT- Sáng 14.11, UBND phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) long trọng tổ chức Lễ mít-tinh kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập MTTQ Việt Nam (18.11.1930 - 2010), đồng thời đánh giá những kết quả đạt được trong năm và đề ra nhiệm vụ thời gian tới.
16/11/2010
Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Lê Quang Triều kiểm tra tình hình phát triển KT-XH tại Đồng Văn
HGĐT- Sáng 12,11, đồng chí Lê Quang Triều, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cùng đoàn công tác đã có buổi kiểm tra tình hình phát triển KT-XH tại huyện Đồng Văn. Phía huyện có lãnh đạo Huyện ủy - HĐND - UBND cùng một số cơ quan, ban, ngành liên quan.
16/11/2010