Hội thảo góp ý kiến xây dựng Luật Khiếu nại
HGĐT- Ngày 19.11, tại hội trường các ban Đảng Tỉnh ủy, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Hội Luật gia Hà Giang tổ chức Hội thảo góp ý kiến xây dựng Luật Khiếu nại.
Dự Hội thảo có các đồng chí đại diện: Hội Luật gia Việt Nam; Hội Luật gia 19 tỉnh, thành phố trung du, miền núi phía Bắc; lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân; Thanh tra Nhà nước và một số cơ quan, ban, ngành, huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang.
Sau phần khai mạc của đồng chí Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, đại biểu dự Hội thảo đã nghe giới thiệu những nội dung chính và nhữngý kiến khác nhau về Dự thảo Luật Khiếu nại. Những nội dung chủ yếu của Luật Khiếu nại là: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; trình tự khiếu nại; quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại và các luật sư; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; khiếu nại, giải quyết khiếu nại kỷ luật cán bộ, công chức; tổ chức công tác tiếp dân; giám sát công tác giải quyết khiếu nại. Nhiều ý kiến cho rằng: Phạm vi điều chỉnh Dự thảo Luật chỉ nên điều chỉnh khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước; người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính. Về khiếu nại đông người, không nên quy định cụ thể trình tự, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại đông người. Dự thảo Luật khiếu nại và giải quyết khiếu nại nên quy định về khiếu nại và giải quyếtkhiếu nại đông người vì trong thực tế, tình trạng khiếu nại đông người diễn ra khá phổ biến.
Tham gia góp ý xây dựng Dự thảo Luật khiếu nại, đại diện Thanh tra tỉnh đã đóng góp các ý kiến: Cần bổ sung vào Điều 3 (giải thích từ ngữ) một khoản về giải quyết khiếu nại theo hướng các văn bản liên quan đến việc giải quyết khiếu nại. Tại các Điều 19, 20 và 23 cần chỉnh sửa quy định trách nhiệm và giải quyết khiếu nại là của tập thể UBND các cấp. Cần quy định chế tài đủ mạnh để bắt buộc người giải quyết khiếu nại lần đầu làm tốt việc tự xem xét giải quyết quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình. Quy định cụ thể hơn về quyền hạn, trách nhiệm của cơ qua thanh tra Nhà nước nhằm tạo điều kiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tại Điểm 4, Điều 60 cần sử dụng từ ngữ để xác định chức năng, nhiệm vụ của cán bộ tiếp dân chính xác hơn. Cần có quy định cụ thể làm căn cứ để chấm dứt tiếp dân đối với các vụ việc đã được xem xét, giải quyết theo quy định... Văn phòng Trung ương Hội Luật gia Việt Nam cũng tham gia, góp ý kiến một số vần đề về việc gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức có liên quan; nghĩa vụ của người giải quyết khiếu nại; quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; nội dung quản lý công tác giải quyết khiếu nại; việc xử phạt vi phạm hành chính; phạm vi đình chỉnh; khiếu kiện đông người... Ngoài ra, Hội thảo đã nghe nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu của các tỉnh, thành phố tham dự Hội thảo đóng góp vào Dự thảo Luật Khiếu nại.
Ý kiến bạn đọc