Sự lãnh đạo của Đảng trong công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng

16:37, 20/10/2010

HGĐT- Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng và khó khăn, đòi hỏi phải huy động được sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị; khuyến khích, động viên sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội.


Báo cáo của BCH T.Ư khóa IX về xây dựng Đảng tại Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ: “... Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi... làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đó là một nguy cơ lớn, liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”. Với tính chất nghiêm trọng và đòi hỏi bức xúc của toàn xã hội, Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng đã xác định: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”.


Nhận thức được sự tác hại của tệ tham nhũng đối với công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã từng bước không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó chú trọng đặc biệt tới công tác phòng, chống tham nhũng. Nghị quyết T.Ư 3 khẳng định “phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trong những năm tới, phải đẩy mạnh toàn diện và kiên quyết cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Ngay sau khi Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X) về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực thi hành. Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 15-KT/TU ngày 30.10.2006 về tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 3; UBND tỉnh đã xây dựng chương trình hành động số 50/CTr-UBND ngày 24.11.2006 về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 3 về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh; tổ chức triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị quyết T.Ư 3 và Kế hoạch số 15-KH/TU ngày 30.10.2006 của Tỉnh ủy thông qua việc học tập Nghị quyết và Luật Phòng, chống tham nhũng cho cán bộ chủ chốt của tỉnh, các Huyện, Thành ủy và các Đảng ủy trực thuộc; các Huyện, Thành ủy và các Đảng ủy trực thuộc cũng đã tổ chức các lớp học tập Nghị quyết cho cán bộ cấp cơ sở. Căn cứ vào Chương trình hành động của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị của T.Ư đóng trên địa bàn đã xây dựng, cụ thể hóa nội dung Chương trình hành động về phòng, chống tham nhũng, lãng phí vào chương trình công tác hàng năm để thực hiện tại cơ quan, đơn vị mình.


Qua 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị quyết T.Ư 3 và các quy định của T.Ư về phòng, chống tham nhũng. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tới các cơ quan, đơn vị trên địa bàn nhằm tổ chức việc thực hiện các văn bản về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng được tiến hành thường xuyên; các biện pháp phòng ngừa được triển khai đồng bộ như: Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; công khai, minh bạch về định mức, tiêu chuẩn, quy chế chi tiêu nội bộ; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; kê khai tài sản thu nhập; thực hiện qui tắc ứng xử và trả lương qua tài khoản; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tiết kiệm các khoản chi. Công tác phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, truy tố, xét xử ngày càng được tăng cường. Qua đó, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã được từng bước nâng lên rõ rệt.


Mặc dù công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những chuyển biến tích cực trong thời gian qua, song vẫn còn nhiều hạn chế, nguyên nhân do ở một số cơ quan, đơn vị sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tuyên truyền các văn bản về phòng, chống tham nhũng chưa thực sự được chú trọng, triển khai một cách chung chung, hình thức chưa đi vào chiều sâu; việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa như: Thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập theo Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 9.3.2007, của Chính phủ; Quyết định số 85/2008/QĐ-TTg ngày 3.7.2008 của Thủ tướng Chính phủ. Việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ công chức trong các cơ quan, đơn vị Nhà nước theo qui định của Nghị định số 158/2007/ NĐ-CP ngày 27.10.2007 của Chính phủ. Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong cơ quan tổ chức đơn vị khi để xảy ra tham nhũng theo Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22.9.2006 của Chính phủ còn lúng túng. Công tác tự kiểm tra, thanh tra còn chưa nghiêm túc. Công tác quản lý và sử dụng cán bộ còn nhiều bất cập, việc tuyển dụng, bố trí cán bộ làm việc có nơi còn chưa đúng với năng lực, trình độ của cán bộ. Trên thực tế, vẫn có một bộ phận cán bộ còn yếu về nghiệp vụ và chưa có ý thức tu dưỡng về phẩm chất, đạo đức. Công tác tự kiểm tra, thanh tra của các cơ quan, đơn vị còn chưa được chú trọng. Việc xem xét, xử lý đối với cán bộ, đảng viên có sai phạm chưa nghiêm minh, thậm chí có nơi còn né tránh, bao che cho người vi phạm. Công tác phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố xét xử còn chưa đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, việc thực hiện chế độ báo cáo của một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm túc, số liệu tổng hợp còn sơ sài.


Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài. Do đó cần phải có sự quyết tâm rất lớn từ các cấp ủy Đảng; huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị; khuyến khích, động viên sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội. Để công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới đạt kết quả hơn nữa, các cơ quan, đơn vị cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, đồng thời đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử và xử lý các vụ việc, vụ án; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo theo quy định. Có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, đơn vị, người đứng đầu và các cá nhân vi phạm hoặc thiếu nghiêm túc trong tổ chức thực hiện chương trình phòng, chống tham nhũng.


HOÀNG QUỐC ĐÔNG (Phó ban thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khai trương Trang thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Hà Giang
HGĐT- Sáng 16.10, Văn phòng Tỉnh ủy tổ chức khai trương Trang thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Hà Giang.
20/10/2010
Lòng dân - ý Đảng ở Xín Mần
HGĐT- Sau 5 năm, một chặng đường của một kỳ Đại hội phấn đấu (nhiệm kỳ XIV), Xín Mần đã cơ bản thoát dần khỏi huyện đặc biệt khó khăn, vươn lên thành huyện có sức hút đầu tư (trên 1.000 tỷ đồng) để phát triển bền vững.
18/10/2010
Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy
HGĐT- Sáng 16.10, Văn phòng Tỉnh ủy tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy (18.10.1930- 2010).
18/10/2010
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh làm việc với Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới
HGĐT- Chiều 16.10, tại Sở Nông nghiệp-PTNT, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của tỉnh.
18/10/2010