Sáng 10-10, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội mít-tinh trọng thể, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội".

07:39, 11/10/2010

Sáng 10-10, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), BCH TƯ Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ mít-tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội".


 2

Đây là hoạt động nhằm biểu dương lực lượng, những thành tựu to lớn của Thủ đô Hà Nội và đất nước trải qua một ngàn năm xây dựng và phát triển; nhất là những thành tựu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đạt được trong thời kỳ đổi mới, vinh danh Thủ đô Văn hiến, Anh hùng, Thành phố vì hòa bình, qua đó thể hiện lòng tự hào dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước.

Quảng trường Ba Đình tưng bừng, rực rỡ cờ, hoa và các khẩu hiệu. Gần 40 nghìn đồng bào, chiến sĩ có mặt từ rất sớm, khuôn mặt rạng rỡ chờ đợi giờ khai mạc buổi lễ. Giữa sân cỏ, đối diện với khán đài A, nổi bật dàn trống đồng, trống hội Thăng Long và cồng chiêng với 1.000 người điều khiển đã sẵn sàng, thể hiện khí thế bừng bừng của lễ hội ngàn năm. Bên cạnh là khối xếp hình do 5.000 người thực hiện; khối đứng của Sĩ quan Lục quân, Sĩ quan Phòng không - Không quân…

7 giờ 45 phút, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ tiến ra lễ đài. Tham gia Đoàn Chủ tịch cuộc mít tinh có các đồng chí: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Tổng Bí thư: Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước: Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan văn Khải; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm; Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị; các đồng chí Uỷ viên Bộ chính trị, nguyên Uỷ viên Bộ chính trị, các đồng chí Bí thư TƯ Đảng, nguyên Bí thư TƯ Đảng, Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng, nguyên Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng; lãnh đạo thành phố Hà Nội và đại biểu khách mời quốc tế là nguyên thủ quốc gia.

3

Đến dự mít tinh còn có các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Anh hùng LLVT, các mẹ Việt Nam Anh hùng, đại diện nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Đại biểu quốc tế có các Đại sứ, đại biểu các đoàn ngoại giao, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế, đại diện Đại sứ quán UNESCO một số nước, đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố và thủ đô trên thế giới, các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế.

7 giờ 55 phút, đoàn rước đuốc lửa truyền thống từ Bảo tàng Hồ Chí Minh do các vận động viên tiêu biểu giương cao tiến vào sân trao cho Đại tá Nguyễn Văn Bình, Anh hùng LLVT, thắp lên đài lửa. Ngọn lửa bừng sáng biểu tượng sức sống mãnh liệt, trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Đúng 8 giờ, Lễ mít - tinh kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội bắt đầu. Trong tiếng nhạc Quốc thiều, 21 loạt đại bác vang rền, chào mừng ngày lễ lớn của dân tộc. Hàng vạn người dân có mặt tại Quảng trường cùng hòa giọng hát Quốc ca hùng tráng.

Nhạc quốc thiều dứt, trong không khí thiêng liêng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đọc diễn văn kỷ niệm, ôn lại truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam và lịch sử Thăng Long- Hà Nội. Đồng chí xúc động nói: “Đứng giữa Thủ đô huy hoàng trong ngày Đại lễ, chúng ta thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Tổ tiên và các thế hệ tiền nhân đã có công khai sáng kinh thành Thăng Long. Chúng ta thành kính tưởng nhớ và biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các nhà yêu nước, cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, các thế hệ công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang Hà Nội và cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài đã có công xây dựng và bảo vệ Thủ đô. Biết bao trí tuệ, mồ hôi, xương máu của ông cha ta đã đổ vào mỗi thửa ruộng, mỗi con đê, mỗi đoạn đường, mỗi góc phố để Hà Nội có được như ngày nay. Suốt mấy ngàn năm đất nước và Thủ đô ta, sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa hết đời này qua đời khác. Suốt mấy ngàn năm, nhân dân ta có bao ngày được ngơi nghỉ? Bao nhiêu thế hệ cứ tiếp nối nhau kiên cường chiến đấu, hiến dâng cho Thủ đô và Tổ quốc cuộc đời mình, cả tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc để bảo vệ từng tấc đất của tổ tiên, nguồn cội. Việt Nam là một dân tộc anh hùng. Hà Nội là Thủ đô Anh hùng của Việt Nam, anh hùng trong chiến đấu và anh hùng trong lao động. Anh hùng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, Anh hùng để mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân…”

4

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kết thúc bài diễn văn xúc động, Quảng trường vang lên lời ca tha thiết: “Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng của hôm nay và mai sau...”

8 giờ 15 phút, Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh tuyên bố diễu binh, diễu hành bắt đầu. Nhạc hành khúc vang lên rộn ràng. Mở đầu là 10 máy bay trực thăng của Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng, trong đó có những máy bay vừa hoàn thành nhiệm vụ cứu trợ đồng bào vùng lũ miền Trung trở về, bay trên bầu trời Quảng trường Ba Đình, mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc và dòng chữ “Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội”. Dưới quảng trường, xe mang Quốc huy nước CHXHCN Việt Nam được đặt trên biểu tượng mặt trống đồng biểu trưng cho sự bền vững của văn hoá dân tộc và hình tượng rồng thiêng đang vươn mình bay lên thể hiện khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam. 108 thanh niên đi sau xe, gồm 54 nam và 54 nữ cầm dải lụa biểu trưng cho 54 dân tộc anh em, thể hiện khối đại đoàn kết toàn dân tộc bền vững. Tiếp đó là xe rước ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài và kính yêu của nhân dân Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới; 120 cháu thiếu nhi tay cầm hoa sen rạng rỡ đi hai bên. Tiếp theo là khối 200 vận động viên đại diện của các môn thể thao dân tộc và hiện đại, thể hiện tinh thần thượng võ, yêu lao động, yêu hoà bình của dân tộc Việt Nam.

Dẫn đầu đội hình diễu binh của các LLVT nhân dân là xe chỉ huy của Trung tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Anh hùng LLVT. Tiếp theo sau là đội hình các khối, với gần 10.000 người lần lượt gồm: Đoàn quân nhạc Việt Nam – Đoàn Nghi lễ Quân đội; Tổ Quân kỳ Quyết thắng - lá cờ Bách chiến, Bách thắng của QĐND Việt Nam; sĩ quan Lục quân; sĩ quan Phòng không - Không quân; sĩ quan Hải quân nhân dân; sĩ quan Biên phòng; nữ sĩ quan Thông tin liên lạc; chiến sĩ bộ binh; chiến sĩ đặc công; cảnh sát biển; lực lượng công an nhân dân; an ninh nhân dân; nữ cảnh sát giao thông; cảnh sát cơ động; lực lượng tự vệ; lực lượng nam dân quân; nữ dân quân tự vệ.

Khối diễu binh mạnh mẽ, uy nghiêm thể hiện sự hùng mạnh của lực lượng, tác phong chính quy, hiện đại của QĐND Việt Nam đi qua, khối diễu hành cũng với sự tham gia của gần 10.000 người tiếp nối tưng bừng, rộn rã trong sắc cờ, hoa, trang phục… Dẫn đầu là xe rước hình tượng rồng thời Lý. Đây là linh vật gắn liền với sự kiện lịch sử năm 1010 và trở thành nét đặc trưng riêng của Thăng Long - Hà Nội. Tiếp theo sau lần lượt là các xe rước biểu trưng Thủ đô Hà Nội - Khuê Văn Các - một kiến trúc tiêu biểu trong Khu di tích lịch sử Văn Miếu- Quốc Tử Giám (Hà Nội); xe rước bằng công nhận Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long là Di sản Văn hoá thế giới.

Khối diễu hành của 160 hội viên cựu chiến binh Thủ đô đại diện cho hơn 2,5 triệu hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam và hàng triệu quân nhân cả nước đi trong khí thế tự hào của lớp người đã kinh qua lửa đạn chiến tranh, trải qua biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ, hy sinh. Ngày nay hoàn thành nhiệm vụ trở về, với bản chất truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ, nhiều đồng chí vẫn tiếp tục đóng góp sức lực và trí tuệ tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân; tích cực tham gia các cuộc vận động xây dựng khu dân cư văn hoá, giáo dục truyền thống và lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, đấu tranh chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, góp phần to lớn vào công cuộc đổi mới đất nước. Nhiều cựu chiến binh đã trở thành những nhà quản lý giỏi, những nhà khoa học và những doanh nhân thành đạt. Đã có 20 cựu chiến binh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, bốn cựu chiến binh hai lần vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, được BCH TƯ Đảng tặng tám chữ vàng “Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới”.

Khối diễu hành của thanh niên Việt Nam với hình tượng con tàu rẽ sóng ra khơi, hình ảnh cánh chim đang tung bay và hoa hướng dương hướng về phía mặt trời thể hiện lý tưởng, sức sống, sự vươn lên của tuổi trẻ Việt Nam. Tiếp theo là lần lượt các khối: công nhân; nông dân; trí thức; công chức, viên chức Nhà nước; doanh nhân; phụ nữ; thanh niên; khối các dân tộc Việt Nam; khối đồng bào tín đồ đại diện cho các tôn giáo ở Việt Nam, khối Việt kiều đại diện cho hơn bốn triệu người Việt Nam đang sinh sống ở 102 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới; khối bạn bè quốc tế thể hiện tình cảm ấm áp của bạn bè bốn phương đối với thành phố Hà Nội, với đất nước Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh; khối thông tấn báo chí; khối ngành văn hoá, thể thao và du lịch.

Kết thúc đoàn diễu hành, khối nghệ thuật gồm gần 2.000 nghệ sỹ, diễn viên với những tiết mục văn nghệ đặc sắc chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. 1.000 em thiếu nhi trong trang phục rực rỡ thả bóng bay và những cánh chim bồ cầu lên bầu trời Thủ đô, mang theo thông điệp và khát vọng yêu hòa bình từ Thủ đô ngàn năm Văn hiến, Anh hùng.

Thời tiết trong ngày Đại lễ thật đẹp. Khi Quảng trường Ba Đình diễn ra tưng bừng các tiết mục của chương trình nghệ thuật, khối diễu binh tỏa ra rộn ràng trên các ngả đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học, Tràng Thi… trong sự chào đón nồng nhiệt của hàng chục vạn nhân dân Thủ đô, bạn bè trong nước và quốc tế. Quanh hồ Hoàn Kiếm, những người dân từ mọi miền đất nước: Cà Mau, Nam Định, Hưng Yên, Thái Nguyên… thức suốt đêm đón đợi.

Được hỏi về cảm xúc khi đi trong đội hình nữ Sĩ quan Thông tin, chị Trần Thị Thu hồ hởi nói: Không chỉ hôm nay mà từ nhiều ngày nay, tôi mang trong mình cảm xúc đặc biệt không bao giờ có thể quên được. Đó là những ngày tháng 6, tháng 7, chị em chúng tôi đứng tập luyện dưới trời nắng như đổ lửa, mồ hôi đổ ra vuốt không kịp chảy cay xè mắt, nhưng những lúc nghỉ giải lao hay đêm về được nghe đài, báo thông tin sôi động về các hoạt động chuẩn bị cho lễ kỷ niệm, ý nghĩa lớn lao về Đại lễ trọng đại của dân tộc, chúng tôi quên hết mệt mỏi, chỉ thấy càng vinh dự và tự hào khi được đứng trong đội ngũ diễu binh ngày hôm nay. Biết bao người mong được tới Thủ đô Hà Nội để sống trong không khí ngàn năm có một, thế mà tôi hôm nay được đi giữa Quảng trường Ba Đình, được cảm nhận rõ những ánh mắt vui mừng, xúc động

Cụ bà Nguyễn Thị Mai (Thường Tín, Hà Nội) giọng run run : Những ngày này, tôi như trẻ lại, sống trong biết bao ký ức, kỷ niệm dâng trào. Gần 80 năm qua, tôi được chứng kiến những biến cố lịch sử, những đổi thay của đất Hà Nội nên tôi hiểu lắm những giá trị lịch sử, văn hiến và rất xúc động khi thấy Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm trọng thể như thế này. Hà Nội chỗ nào cũng đẹp, cũng nhộn nhịp người. Bên Hồ Gươm, ngày cũng như đêm, dòng người chuyển động không ngừng, ai cũng náo nức về đây để được sống trong bầu không khí thiêng liêng của mảnh đất thiêng liêng. Tôi tự hào, mãn nguyện khi được chứng kiến ngày lễ lớn này.


Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Họp báo giới thiệu CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu
HGĐT- Ngày 8.10, tại Nhà khách Chính phủ (Hà Nội), UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với Ủy ban UNESCO Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Công viên Địa chất (CVĐC) Cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập Mạng lưới CVĐC toàn cầu.
08/10/2010
Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Đại hội Đảng và Lễ công bố Nghị quyết của Chính phủ về lập thành phố Hà Giang
HGĐT- Để Đại hội Đảng bộ tỉnh và Lễ công bố Nghị quyết của Chính phủ về thành lập thành phố Hà Giang diễn ra thành công tốt đẹp, vấn đề an ninh cho các hoạt động trước, trong và sau Đai hội cũng như an toàn cho tất cả mọi người phải được đảm bảo.
08/10/2010
Thành ủy Hà Giang Kỷ niệm 80 năm truyền thống công tác Dân vận của Đảng và tổng kết 2 năm phong trào thi đua Dân vận khéo
HGĐT- Sáng 8.10, Thành uỷ Hà Giang tổ chức kỷ niệm 80 năm truyền thống công tác Dân vận của Đảng 15.8.1930 - 2010 và tổng kết 2 năm phong trào thi đua Dân vận khéo.
08/10/2010
Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri
HGĐT- Ngày 6.10, đồng chí Triệu Thị Nái, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XII tỉnh Hà Giang đã tiếp xúc cử tri tại xã Yên Định (Bắc Mê) và phường Trần Phú (Thành phố Hà Giang).
08/10/2010