Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở tỉnh ta
HGĐT- Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được Ban Dân vận Trung ương phát động từ 2.2009. Tại tỉnh ta, phong trào đã được triển khai thực hiện đồng bộ, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở, được quần chúng nhân dân hưởng ứng sâu rộng.
Đồng chí Ly Mí Lử, Ủy viên BTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy và lãnh đạo Huyện ủy Mèo Vạc đến thăm hỏi đồng bào tại đội 4, xã Pải Lủng (Mèo Vạc). Ảnh: NGUYỄN VĂN HÀ (Ban Dân vận Tỉnh ủy) |
Trong quá trình triển khai phong trào thi đua đã gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua yêu nước khác, từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ngày càng vững mạnh.
Sau 2 năm thực hiện phong trào, cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ và đoàn thể các cấp trong tỉnh đã chỉ đạo thực hiện trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Trên lĩnh vực KT - XH, các địa phương đã tập trung vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực; tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất; phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; hoạt động văn hóa, văn nghệ phát triển rộng khắp, các địa phương đã quan tâm khôi phục các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống... Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã có nhiều điển hình xuất hiện như ở huyện Quang Bình vận động nhân dân trồng cây cao su, huyện Bắc Quang với phong trào xây dựng Làng văn hóa, Gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Đến nay toàn huyện Bắc Quang 100% thôn, xóm có Quy ước, Hương ước; 95% Gia đình văn hóa. Huyện Vị Xuyên với phong tào vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Huyện Yên Minh với phong trào mở đường giao thông nông thôn, trong 2 năm đã mở mới được 434 km. Huyện Đồng Văn có phong trào làm đường bê-tông ở xã Sà Phìn, thành phố Hà Giang có mô hình tuyến phố văn minh, huyện Mèo Vạc có có mô hình trồng cỏ chăn nuôi gia súc hàng hóa... Dưới sự lãnh đạo của các cấp, các ngành, phong trào “Dân vận khéo” đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 17,3%, tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 13,4%, thu nhập bình quân đầu người đạt 6,3 triệu đồng/năm. Năm 2009 xóa được trên 6.579 nhà tạm, 8 tháng đầu năm 2010 xóa được 292 nhà tạm cho các hộ nghèo. Mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 14.000 lao động. Hưởng ứng cuộc vận động ủng hộ giống gia súc nuôi luân chuyển, phản nằm và màn cho hộ nghèo do BTV Tỉnh ủy phát động đã có trên 60 cơ quan, 23 doanh nghiệp thực thuộc tỉnh và 11 huyện, thị hỗ trợ hộ nghèo với tổng trị giá 13 tỷ 134 triệu đồng.
Phong trào “Dân vận khéo” gắn với lĩnh vực Quốc phòng, an ninh được các cấp, các ngành tập trung vào việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân. Tại các xã biên giới, phong trào “Dân vận khéo” tập trung vào công tác vận động nhân dân bảo vệ đường biên, mốc giới; chống buôn bán, bắt cóc trẻ em và phụ nữ... Đến nay đã có 145 mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực Quốc phòng, an ninh. Nhiều mô hình có hiệu quả cao, sức lan tỏa rộng được nhân dân đồng tình hưởng ứng như: Mô hình đội thanh niên tình tuyện bảo đảm trật tự an toàn giao thông của Tỉnh đoàn; mô hình “xây dựng lực lượng Công an xã”, “tổ chức tự quản” của huyện Bắc Quang; “Tổ an ninh nhân dân” của huyện Yên Minh; “Chi bộ Công an phụ trách xã” của huyện Hoàng Su Phì; mô hình “Tuyến đường thanh niên tự quản, khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội” của thành phố Hà Giang...
Các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức tổng kết các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến công tác dân vận. Ban Dân vận các cấp đã tham mưu tốt cho cấp ủy triển khai, theo dõi, kiểm tra, nắm bắt kịp thời trong quá trình trình khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã xây dựng quy chế phối hợp hoạt động với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể, phối hợp với các lực lượng vũ trang trong công tác dân vận, qua đó, đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Thống nhất triển khai các phong trào xóa nhà tạm, làm đường giao thông, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... Các mô hình tham gia phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở tỉnh ta đến nay có 866 mô hình, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội có 623 mô hình, lĩnh vực Quốc phòng, an ninh có 145 mô hình, lĩnh vực xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh 93 mô hình... Các mô hình “Dân vận khéo đã đóng góp những phần hết sức quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như các đơn vị.
Ý kiến bạn đọc