Những mốc son của Đảng bộ tỉnh
HGĐT- Đảng bộ tỉnh Hà Giang từ khi ra đời đến nay đã trải qua 15 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội đều đánh dấu những bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của Đảng bộ tỉnh ta.
Mỗi kỳ Đại hội như những mốc son mới khẳng định sự vững bền, lớn mạnh của Đảng bộ qua từng thời kỳ cùng với cả nước trường kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau mỗi một mốc son, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, chính quyền và đồng bào nhân dân các dân tộc Hà Giang đã đạt được những thắng lợi kỳ diệu trên mọi lĩnh vực Kinh tế - chính trị, Văn hóa - xã hội, Quốc phòng - an ninh.
Cách đây 65 năm, sau khi giành được chính quyền và thành lập được chính quyền dân chủ nhân dân, vào ngày 25.12.1945 Đảng bộ tỉnh Hà Giang ra đời, ngay lập tức thực hiện những nhiệm vụ cấp bách mà Đảng và Bác Hồ kêu gọi để xây dựng và củng cố chế độ mới. Đảng bộ tỉnh ra đời đánh dấu một bước ngoặt trọng đại trong lịch sử phát triển của đồng bào các dân tộc Hà Giang. Trong giai đoạn từ 1945 đến 1975, Đảng bộ tỉnh ta đã trải qua 6 kỳ Đại hội. Đại hội lần thứ I được tổ chức trong 3 ngày từ 10 đến 13.4.1950. Dự Đại hội có 93 đại biểu thay mặt cho 1.355 đảng viên trong toàn tỉnh. Báo cáo chính trị trình Đại hội nêu rõ: “Đảng bộ đã quyết định thanh toán nạn mù chữ cho đảng viên. Những đảng viên đã thoát nạn mù chữ phải cố gắng tiếp tục học văn hóa để mỗi năm lên một lớp. Nhân dân các dân tộc Hà Giang hăng hái thi đua nâng diện tích Đông - Xuân 1950 - 1951 lên gấp đôi diện tích Đông - Xuân 1949 - 1950... Các chiến sỹ ngoài mặt trận đã dũng cảm quyết tâm chiến đấu, tiêu hao, tiêu diệt quân xâm lược Pháp và tay sai ở Hoàng Su Phì và Yên Bình...”. Đại hội diễn ra trong thời điểm toàn dân tộc đang giành được những thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, quân và dân Hà Giang cũng đã giành nhiều chiến thắng oanh liệt trong các trận đánh đồn Pháp ở Xỉn Khâu, Hồ Thầu; đánh đuổi giặc Pháp rút chạy khỏi huyện Hoàng Su Phì. Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo các lực lượng thực hiện chủ trương tiễu phỉ và tàn quân Quốc dân Đảng tại Hoàng Su Phì thành công. Sau Đại hội lần thứ I, Đại hội lần thứ II được tổ chức vào năm 1951; Đại hội lần thứ III được tổ chức vòng 1 vào năm 1960, vòng 2 vào năm 1961; Đại hội lần thứ IV được tổ chức vào tháng 8.1963; Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ V được khai mạc ngày 27.3.1971. 4 năm sau, tháng 3.1975, Đại hội lần thứ VI Đảng bộ tỉnh được tổ chức. Có thể nói, trong giai đoạn này, đất nước chưa được thống nhất 2 miền, cả nước phải trải qua các cuộc kháng chiến chống Nhật, Pháp, Mỹ xâm lược. Hòa cùng khí thế chống giặc ngoại xâm của cả dân tộc, Đảng bộ, nhân dân Hà Giang cũng kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu, hăng say trong lao động, sản xuất, giành được những thành tựu vô cùng to lớn. Từ Đại hội lần thứ I mới chỉ có 1.355 đảng viên, đến Đại hội VI, toàn tỉnh đã có trên 1 vạn đảng viên, điều đó chứng tỏ sự phát triển lớn mạnh của Đảng bộ qua từng Đại hội.
Sau khi đất nước được độc lập và thống nhất, Bộ Chính trị và BCH Trung ương Đảng đã quyết định hợp nhất tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang thành tỉnh Hà Tuyên để đáp ứng được tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước. Sau khi được hợp nhất, Đảng bộ tỉnh Hà Tuyên đã trải qua 4 kỳ Đại hội (từ 1975 - đến 1991). Đây cũng là thời kỳ tỉnh Hà Tuyên gặp phải nhiều khó khăn, thử thách, nền kinh tế chậm phát triển, bên cạnh đó, sự sụp đổ của hệ thống Xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã tác động mạnh mẽ tới tư tưởng của toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đứng trước tình hình đó, Đảng bộ tỉnh Hà Tuyên đã đề ra các chủ trương, đường lối khéo léo, phù hợp với thực tế để đối mặt và vượt qua muôn vàn khó khăn bước vào thời kỳ đất nước đổi mới một cách vững chắc.
Trước tình hình mới, tháng 8.1991, Trung ương quyết định chia tách tỉnh Hà Tuyên thành 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang theo địa giới hành chính cũ trước khi hợp nhất. Vào thời điểm này, Hà Giang vẫn là tỉnh nghèo nhất nước, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp, sản lượng hàng hoá ít ỏi... Đến tháng 9.1991, Đảng bộ tỉnh Hà Giang được tái lập. Ngày 15.1.1992, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI được tổ chức. Trên cơ sở xác định những mục tiêu chủ yếu trong 4 năm 1992 - 1995, Đại hội đã đề ra 10 chương trình phát triển kinh tế - xã hội; xác định 3 vùng kinh tế của tỉnh để tạo đà cho sự phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng vùng, quyết tâm thực hiện mục tiêu: Ổn định tình hình KT - XH, từng bước cải thiện đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tháng 4.1996, Đại hội lần thứ XII được tổ chức; Đại hội lần thứ XIII diễn ra vào tháng 12.2000; Đại hội lần thứ XIV được tổ chức vào 14.12.2005.
Trong những ngày này, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh ta đang sống trong bầu không khí tươi mới của Đại hôi đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015, diễn ra từ 3 đến 5.10. Với chủ đề “Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đoàn kết, đổi mới, phấn đấu thoát khỏi tỉnh đặc biệt khó khăn, kém phát triển”, chúng ta càng tin tưởng rằng, bước lên một tầm cao mới, với những cơ hội và thách thức mới, Đảng bộ tỉnh ta sẽ tiếp tục có những đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh đạt được những thành tựu mới, to lớn hơn, kỳ diệu hơn.
Ý kiến bạn đọc