Hội nghị đánh giá cuối nhiệm kỳ Chương trình 135, giai đoạn 2
HGĐT- Ngày 20.10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trao đổi với Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc và miền núi và các nhà tài trợ về việc đánh giá cuối kỳ Chương trình 135 giai đoạn II thực hiện trên địa bàn tỉnh ta.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại Hội nghị. |
Dự có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị; lãnh đạo các sở, ban, ngành các huyện, thành phố của tỉnh...
Ngay sau khi Chính phủ ký kết với các nhà tài trợ và triển khai Chương trình 135 giai đoạn II, tỉnh Hà Giang đã nhanh chóng thực hiện củng cố, xây dựng hệ thống quản lý, phân cấp quản lý và tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình 135 ở 123 xã vùng III và 93 thôn vùng III của xã vùng II thuộc 11 huyện, thành phố. Trong 5 năm từ 2006 – 2010, tổng nguồn vốn đầu tư của chương trình 135 là trên 810,6 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các dự án và hạng mụcnhư: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nâng cao năng lực, hỗ trợ các hoạt động và một số các nội dung khác... Đến năm 2010, tổng kinh phí đã giải ngân đạt 577,889 tỷ đồng, đạt gần 74,6% kế hoạch. Bên cạnh đó, việc thực hiện lồng ghép với các chương trình khác như Chương trình 134, Chương trình 193, Chương trình 120... với tổng nguồn vốn trên 2.095 tỷ đồng trong 5 năm từ 2006 – 2010, đã tạo động lực cho các khu vực đặc biệt khó khăn để XĐGN. Đánh giá chung có thể khẳng định, Chương trình 135 và các chương trình, dự án khác khi thực hiện triển khai trên địa bàn tỉnh đã đem lại hiệu quả rõ nét, tạo diện mạo mới ở khu vực nông thôn; nó đã góp phần giải quyết những khó khăn của người dân, nhất là các hộ nghèo, giúp họ có thêm điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế nâng cao đời sống...
Trên cơ sở quá trình đi thực tế tại một số địa phương trong tỉnh, Đoàn công tác Uỷ ban Dân tộc và miền núi đã đánh giá cao quá trình tổ chức thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II của Hà Giang. Trình độ tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ các cấp ở Hà Giang cũng khá bài bản, tỉnh đã xây dựng được một hệ thống văn bản chỉ đạo triển khai chương trình rõ và cụ thể. Đoàn công tác cũng dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận với tỉnh về một số mô hình phát triển KT-XH như mô hình chăn nuôi đại gia súc hàng hóa, mô hình hỗ trợ nâng cao nhận thức và mô hình trường học bán trú... Đây là những mô hình điển hình, có hiệu quả cao và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân vùng cao, vùng khó khăn. Đồng thời, Đoàn công tác cũng chỉ ra một số hạn chế của việc triển khai Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh như việc đầu tư có nơi còn dàn trải, chưa trọng tâm, một số hạng mục thiếu tính bền vững...
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn khẳng định, Chương trình 135 đã tạo động lực, hiệu quả thiết thực, trực tiếp đến người dân ở các địa bàn khó khăn. Người dân đã được tạo điều kiện để phát triển KT - XH một cách toàn diện, qua đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Với rất nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên, trình độ dân trí, trình độ cán bộ..., nên quá trình triển khai thực hiện chương trình ở Hà Giang vẫn còn có những hạn chế nhất định. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo hoàn thành tốt các chỉ tiêu mà Chương trình 135 đã đề ra; chỉ đạo các địa phương đánh giá, rút kinh nghiệm về các nội dung đã triển khai thực hiện...
Ý kiến bạn đọc