Lược ghi các tham luận tiêu biểu trong Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV, năm 2010
HGĐT - Sáng ngày 23.9, tại hội trường lớn UBND tỉnh đã diễn ra Đại hội Thi đua Yêu nước toàn tỉnh lần thứ IV, năm 2010. Báo Hà Giang đã lược ghi một số tham luận tiêu biểu của các cá nhân, tập thể xuất sắc, điển hiền trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua.
Coi trọng giáo dục tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên
Trần Phú là phường trung tâm kinh tế, VH - XH của thị xã Hà Giang với trên 2 nghìn hộ, 7.610 khẩu, 17 dân tộc sinh sống. Những năm qua, Đảng bộ phường đã lãnh đạo 22 chi bộ, trên 400 đảng viên cùng nhân dân luôn đoàn kết, phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, từng bước xây dựng phường trở thành điểm sáng văn minh đô thị. Thực hiện mục tiêu này, Đảng bộ phường luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, tổ chức quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến đảng viên và quần chúng nhân dân. Đồng thời, phát huy tốt vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, tính gương mẫu của đảng viên, từ đó vận động nhân dân chấp hành tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước. Phường đã xây dựng, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận giao dịch “một cửa” theo phương châm “Nhanh gọn, minh bạch, trách nhiệm, hiệu quả, thân thiện”. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra trách nhiệm của cán bộ, công chức trong các lĩnh vực có thẩm quyền giải quyết công việc liên quan đến công dân và thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa”.
Trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng thị xã Hà Giang trở thành thành phố, phường Trần Phú đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân chấp hành nghiêm quy định về quản lý đô thị; tổ chức cho nhân dân ký cam kết tháo các biển quảng cáo, chậu hoa, cây cảnh, mái che cơi nới hoặc hàng hoá để trên hành lang, vỉa hè không đảm bảo mỹ quan và vi phạm hành lang đường nội thị. Với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, phường Trần Phú đã xây dựng được nhiều km đường bê tông, rãnh thoát nước, lát gạch vỉa hè được trên 7.000 m2, thực hiện tốt 13 tiêu chí xây dựng tuyến phố văn minh...
Về dự Đại hội Thi đua yêu nước, đồng chí Phan Văn Nguyện, Chủ tịch UBND phường Trần Phú khẳng định: Các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần quan trọng, làm thay đổi bộ mặt đô thị và nâng cao đời sống người dân phường Trần Phú, mức thu nhập bình quân đạt 19 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 85%, hộ trung bình 15%; 100% hộ có ti vi, xe máy; 20% hộ có ô tô; 48% hộ có máy vi tính và điều hoà; 99,8% hộ có điện thoại; 40% hộ thuê bao Ineternet. Với những thành tích trong phát triển KT-XH, Đảng uỷ, chính quyền và nhân dân phường Trần Phú vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ thi đua của Chính phủ...
THIÊN THANH (Lược ghi)
Tích cực xuống bản vận động học sinh đến lớp
Trong quá trình công tác, cô giáo Mai Thị Sen, Hiệu Phó trường PTCS Sính Lủng (Đồng Văn) luôn tâm niệm nếu không tự phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi thì sẽ dần đánh mất hình ảnh người giáo viên trướchọc trò và đồng nghiệp. Vì vậy, cô đã rèn luyện cho mình lòng yêu nghề, mến trẻ, luôn tự tìm tòi, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có phương pháp giảng dạy linh hoạt, phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh. Công tác ở vùng cao, ngoài việc phấn đấu trở thành giáo viên giỏi, cô luôn đến từng nhà vận động học sinh đến lớp, đến trường đầy đủ, tránh tình trạng nghỉ học hàng loạt hoặc nghỉ “cài răng lược” vào ngày mùa. Những lần xuống bản, cô luôn tìm hiểu đời sống, tâm tư, nguyện vọng của từng gia đình, qua đó thấu hiểu hoàn cảnh, biết nguyên nhân khiến các em phải nghỉ học, từ đó đề ra giải pháp khắc phục. Lòng yêu nghề, sự nhiệt tình trong công tác của cô đã có sức lan tỏa, thu hút được nhiều đồng nghiệp cùng tham gia.
Với cương vị lãnh đạo nhà trường, cô luôn cùng tập thể đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, qua đó sự nghiệp trồng người trên địa bàn xã Sính Lủng đã có nhiều khởi sắc, chất lượng giảng dạy, học tập của giáo viên, học sinh được nâng lên qua các năm. Và điều ấn tượng nhất là tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học đã giảm nhiều qua các năm, các em đều ý thức được tinh thần tự học và ham học hỏi.
VĨNH PHÚC (Lược ghi)
HTX Huyền An mạnh dạn đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, kinh doanh
HTX Huyền An, thị trấn Cốc Pài (Xín Mần) được thành lập năm 2004, với tổng số vốn điều lệ ban đầu là 710 triệu đồng và chỉ có 15 xã viên. Sau hơn 6 năm hoạt động, với sự năng động của Ban Chủ nhiệm HTX tích cực đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, đến thời điểm này số vốn của HTX đã tăng vọt lên 9,8 tỷ đồng với 150 động thường xuyên và 50 lao động thời vụ.
Ban đầu, HTX Huyền An kinh doanh chủ yếu trên lĩnh vực vận tải và sản xuất vật liệu xây dựng, thấy nhu cầu sản xuất trên các lĩnh vực xây dựng, giao thông, thủy lợi, kinh doanh nông sản trên địa bàn sở tại còn yếu, Chủ nhiệm HTX Nguyễn Tháp Huyền đã mạnh dạn họp bàn cùng tập thể xã viên HTX, xây dựng cho HTX mình một kế hoạch kinh doanh lâu dài, lấy mục tiêu chất lượng dịch vụ, năng suất và chất lượng lao động làm tiêu chí phát triển của HTX. Nghĩ đi đôi với làm, tập thể cán bộ, xã viên HTX Huyền An đã chủ động huy động thêm vốn góp mở rộng quy mô sản xuất, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị máy móc, vận dụng phát triển thêm nhiều ngành nghề, khai thác tối đa tiềm năng của thị trường dịch vụ vận tải, khai thác và cung ứng vật liệu xây dựng, tham gia thi công các công trình xây dựng... Với sự năng động của mình đến năm 2009 doanh thu của HTX đã đạt trên 8 tỷ đồng, đóng góp ngân sách nhà nước 700 triệu đồng/năm; tạo công ăn việc làm ổn định cho 150 lao động, chủ yếu là người địa phương với mức thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài việc đầu tư phát triển kinh tế HTX hiệu quả, quan tâm sâu sắc đến người lao động, HTX Huyền An còn tích cực tham gia các phong tràohoạt động phúc lợi xã hội, với tổng mức đầu tư cho lĩnh vực này trị giá gần 1 tỷ đồng.
ĐỨC CƯỜNG (Lược ghi)
Gắn kết các phong trào thi đua để hoàn thành nhiệm vụ
Được thành lập trên cơ sở chia tách từ Sở Điện lực Hà Tuyên năm 1991 và đổi tên thành Công ty Điện lực Hà Giang theo QĐ của Hội đồng quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2010, trong 19 năm xây dựng và phát triển, Công ty Điện lực Hà Giang luôn đảm bảo công tác điện khí hóa đến các vùng nông thôn và hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu của ngành và các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đứng chân trên địa bàn của một tỉnh vùng cao miền núi biên giới, điều kiện hoạt động gặp nhiều khó khăn như địa hình phức tạp, ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, nhu cầu sử dụng điện phát triển nhanh, Công ty Điện lực Hà Giang vẫn đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục không để xảy ra sự cố mất điện kéo dài. Năm 2006, Công ty Điện lực Hà Giang là đơn vị đầu tiên trong số 6 tỉnh biên giới phía bắc đạt 100 %xã có điện lưới Quốc gia. Đến nay Công ty Điện lực Hà Giang trực tiếp quản lý vận hành 784 trạm phân phối, trong đó có 530 trạm thuộc vùng sâu, vùng xa; 2.073,940 km đường dây 35 KV; 196.95 km đường dây 10, 22kV; 1.713,373 km đường dây 0,4 kV; 195/195 xã, phường, thị trấn có điện lưới Quốc gia. Kết quả này đã làm thay đổi căn bản đời sống của đồng bào các vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Thành tích của tập thể cán bộ, công nhân Công ty Điện lực Hà Giang đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất, hiện đang hoàn tất hồ sơ để đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Ông Nguyễn Hữu Hồng - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Điện Lực Hà Giang, đại diện Công ty về dự Đại hội thi đua yêu nước cho biết: Để đạt được kết quả trên, trong những năm qua Công ty luôn chăm lo mọi mặt đến đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, nhân viên trong đó có công tác thi đua – khen thưởng. Thông qua công tác này, Công ty đã kịp thờiđộng viên, khuyến khích toàn thể cán bộ, nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Tạo động lực thúc đẩy mọi thành viên trong Công ty phát huy cao độ tính tự chủ, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm. Ban lãnh đạo Công ty nhờ đó cũng kịp thời có những chủ trương, giải pháp quản lý phù hợp và linh hoạt, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, sản phẩm trí tuệ của mỗi cán bộ, nhân viên.
ĐỨC DŨNG (Lược ghi)
Trăn trở vì sự nghiệp phát triển giáo dục
Trường PTCS Thượng Bình nằm ở vùng sâu, vùng xa của huyện Bắc Quang, nơi đây đa phần đồng bào dân tộc thiểu số trình độ dân trí thấp, đời sống đại bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn nên việc đôn đốc, kèm cặp con em học tập còn hạn chế. Bên cạnh đó, do điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán, người dân sống không tập trung, giao thông đi lại khó khăn, học sinh hay nghỉ học nhất là vào mùa đông, ngày mưa, ngày mùa, ảnh hưởng đến việc duy trì sĩ số và chất lượng học tập.
Trước thực trạng đó, cô giáo Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng nhà trường luôn trăn trở, làm thế nào để phát triển sự nghiệp giáo dục của xã. Việc đầu tiên cô xác định là phải gần dân, lắng nghe ý kiến của dân, cùng chia sẻ khó khăn với dân để dân tin, qua đó tuyên truyền, vận động dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách phát triển giáo dục của Đảng, Nhà nước; tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương phát động phong trào toàn dân đưa trẻ đến trường, vận động người dân đóng góp ngày công tu sửa trường, lớp; kết hợp với trưởng các thôn, bản xuống dân, vận động trẻ trong độ tuổi đến trường, vận động người dân tham gia học bổ túc văn hóa. Bên cạnh đó, cô còn xây dựng mối đoàn kết trong Hội đồng sư phạm nhà trường để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học; xây dựng chuẩn đạo đức, lối sống của cán bộ, giáo viên với phương châm: Rèn thầy trước, luyện trò sau.
Để nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ từng năm học, cô luôn bám trường, bám lớp, nhiệt tình với các phong trào, dồn hết tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người”, vận động nhân dân góp lương thực, cho con em về học nội trú nhằm tránh tình trạng học sinh bỏ học và quản lý các em theo nội quy trường, lớp... Những việc làm của cô đã góp phần cùng tập thể nhà trường, chính quyền địa phương đưa sự nghiệp giáo dục có bước tiến mới. Qua các năm học, tỷ lệ học sinh chuyển lớp luôn đạt mức cao, học sinh chuyển cấp đạt 100%; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường đạt trên 98%. Trường duy trì tốt kết quả Phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, năm 2009 được công nhận Phổ cập giáo dục Trung học đúng độ tuổi.
TIẾN CHIẾN (Lược ghi)
Phát triển chăn nuôi, giúp bà con chòm xóm làm giàu chính đáng
Phấn đấu làm ăn, phát triển kinh tế gia đình và cùng bà con chòm xóm giúp nhau làm giàu chính đáng, anh Hoàng Thế Rụ, đại biểu tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế gia đình (Yên Hà, Quang Bình) đã trao đổi những kinh nghiệm và giải pháp làm ăn của gia đình mình mang lại hiệu quả thiết thực.
Khi xác định chọn mô hình chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình, trên địa bàn xã lúc đó chưa có phong trào phát triển kinh tế theo hướng trang trại, nhất là chưa có hộ gia đình nào mạnh dạn áp dụng mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hoá. Trước điều kiện kinh tế của gia đình, anh băn khoăn, liệu đầu tư cho phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa có mang lại hiệu quả kinh tế không ?. Mặc dù còn rất nhiều băn khoăn trong quá trình bước đầu triển khai, nhưng anh đã mạnh dạn bàn bạc cùng gia đình và quyết định lựa chọn mô hình chăn nuôi kết hợp với phát triển kinh tế trang trại làm cơ sở để phát triển kinh tế gia đình mình. Quá trình thực hiện, được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm khích lệ, tạo niềm tin cho anh cùng gia đình theo đuổi mô hình. Nhận thấy điều kiện đất đai trong vùng tương đối rộng, thích ứng với chăn nuôi đại gia súc vì chăn nuôi trâu vừa có giá trị kinh tế cao, vừa đáp ứng cho việc cày kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, lấy phân bón... Với nguồnvốn sẵn có từ chăn nuôi lợn và từ cam, quýt cộng với nguồn vốn vay từ Ngân hàng, gia đình anh mua gần 20 con trâu cái sinh sản phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại. Do nhân lực gia đình có hạn, để có thêm điều kiện phát triển đàn gia súc, anh đã chủ động gặp gỡ và trao đổi với một số hộ bà con trong thôn, vùng lân cận có điều kiện về chăn nuôi, nhưng không có vốn để triển khai mô hình nuôi rẽ. Được nhiều hộ bà con ủng hộ hưởng ứng, sau mấy năm đầu tư thực hiện mô hình này, đàn trâu của gia đình anh đã tăng lên nhiều lần, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong xã, gia đình nhận nuôi rẽ có được trâu phục vụ cho sản xuất, dần từng bước thoát ra khỏi đói nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Từ việc đầu tư đúng hướng và thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, gia đình anh có tổng mức thu nhập bình quân đầu người lên tới 10 triệu đồng/người/ tháng.
ĐỨC DŨNG (Lược ghi)
Vượt lên khó khăn trở thành học sinh giỏi
Là một học sinh vùng cao, nơi điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn, không có điều kiện tiếp cận với các trang thiết bị hiện đại phục vụ quá trình học tập, ngoài việc học lý thuyết, không có không gian thực hành để củng cố kiến thức; các đầu sách tham khảo rất ít... nhưng em Lương Trọng Trung, học sinh lớp 11, trường THPT Hoàng Su Phì luôn cố gắng tìm cách vượt qua những rào cản đó để vươn lên trong học tập. Để đạt kết quả cao qua các năm học, em luôn xác định cho mình mục tiêu, động cơ đúng đắn, từ đó đề ra phương pháp học tập khoa học, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, ghi chép, làm bài đầy đủ. Trước mỗi bài tập khó, em thường tập trung nghiên cứu, tham khảo ý kiến của thầy cô, bạn bè để tìm ra phương pháp hóa giải tối ưu nhất. Ngoài việc ra sức học tập để có hành trang bước vào tương lai một cách vững chắc, em còn tham gia nhiệt tình vào các hoạt động, phong trào thi đua như: Tham gia các buổi sinh hoạt của thanh niên, học hỏi kinh nghiệm và rèn luyện khả năng giao tiếp, kĩ năng sống, cũng như giúp đỡ mọi người xung quanh. Các hoạt động này đã bổ trợ rất nhiều cho em trong học tập. Qua các năm học, bản thân em luôn có sự tiến bộ, từ một học sinh tiên tiến, em đã phấn đấu thành học sinh giỏi, được nhận nhiều phần thưởng của Huyện đoàn trao tặng, được nhận học bổng Vừ A Dính.
Trong năm học này, em đặt mục tiêu đạt kết quả cao nhất, chuẩn bị nền tảng kiến thức vững chắc để thi tuyển vào các trường chuyên nghiệp.
TIẾN CHIẾN (Lược ghi)
Ý kiến bạn đọc