Đại hội Thi đua yêu nước toàn tỉnh lần thứ IV thành công tốt đẹp
HGĐT - Sáng ngày 23.9, tại hội trường lớn UBND tỉnh đã diễn ra Đại hội Thi đua Yêu nước toàn tỉnh lần thứ IV, năm 2010.
Đến dự có các đồng chí: Hoàng Minh Nhất, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khoá XII đơn vị tỉnh Hà Giang; Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Triệu Tài Vinh, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Viết Xuân, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Đình Châm, Ủy viênBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh cùng gần 400 đại biểu chính thức về dự Đại hội. Đến dự còn có lãnh đạo Vụ Địa phương, Ban Thi đua Khen thưởng T.Ư; lãnh đạo Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh Lào Cai.
Trước giờ khai mạc, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các đồng chí thành viên Ban tổ chức Đại hội, Trưởng đoàn đại biểu các huyện, thị xã đã đến dâng hương, dâng hoa, báo công trước Tượng đài Bác Hồ tại Tỉnh ủy.
Sau lời phát biểu khai mạc của đồng chí Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Đàm Văn Bông đọc báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước 5 năm (2005- 2010), phương hướng, nhiệm vụ phong trào thi đua yêu nước giai đoạn (2010- 2015). Báo cáo nêu rõ, thực hiện lời kêu gọi thi đua ái quốc và lời căn dặn của Bác “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã ra sức thi đua, vượt khó để giành được nhiều kết quả trên các lĩnh vực: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm sau cao hơn năm trước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; kết cấu cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện, đến nay 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm, 100% số xã có chợ, 100% xã có trường học, Trạm Y tế, Trụ sở xã được xây dựng kiên cố; đời sống của người dân ngày một nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 15,8%, 20 vạn hộ nghèo được xoá nhà tạm. Có được những thành quả chung đó là nhờ các cấp, các ngành đã triển khai đồng bộ các phong trào thi đua yêu nước, động viên, khích lệ cán bộ, công nhân viên chức và nông dân phấn đấu vươn lên, hoàn thành các nhiệm vụ được giao cũng như phấn đấu lao động sản xuất, xoá đói, giảm nghèo. Trong sản xuất nông, lâm nghiệp, từ các phong trào thi đua xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh lúa, ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm cho thu nhập cao. Nổi bật là phong trào thi đua “Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; dồn điền đổi thửa; xây dựng cánh đồng mẫu, cánh đồng thâm canh; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất”... Những tập thể, cá nhân đó đã góp phần thúc đẩy, tạo bước đột phá trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong lĩnh vực giao thông, công nghiệp cũng đã xuất hiện những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong việc thực hiện các phong trào thi đua ở các ngành, các địa phương, tạo nên bước đột phá mạnh mẽ về xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông, công nghiệp trên địa bàn. Điểm nổi bật đó là phong trào góp công, góp sức cùng với Nhà nước làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, giúp nhau xoá nhà tạm. Phong trào thi đua yêu nước trên lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, đào tạo cũng được phát động thường xuyên và được đông đảo cán bộ, nhân dân hưởng ứng tham gia. Trong giáo dục có các phong trào thi đua như: “Dạy tốt, học tốt; mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học, tự sáng tạo; xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; cuộc vận động “Hai không” trong toàn ngành. Có thể khẳng định, các phong trào thi đua, cuộc vận động đã có sức lan toả mạnh mẽ, có tác động tích cực đến sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo toàn tỉnh. Các phong trào thi đua trên lĩnh vực an ninh- quốc phòng, xoá đói, giảm nghèo cũng được phát động và được đông đảo cán bộ, chiến sỹ, nhân dân hưởng ứng... Điểm quan trọng tác động mạnh mẽ đến kết quả các phong trào thi đua đó là các cấp, các ngành đã biết kết hợp chặt chẽ phong trào thi đua của đơn vị mình với việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Có thể khẳng định, trong những năm qua, các phong trào thi đua yêu nước được triển khai ở các cấp, các ngành tác động mạnh mẽ vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang.
Đồng chí Hoàng Minh Nhất, Bí thư Tỉnh ủy, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước lên trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho 2 cá nhân.
Tại Đại hội, đồng chí Hoàng Minh Nhất đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng đối với phong trào thi đua yêu nước toàn tỉnh. Các đại biểu cũng được nghe nhiều ý kiến tham luận của các cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực.
Đồng chí Đàm Văn Bông phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010- 2015. Trong 5 năm tới, tỉnh ta xác định phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp với quyết tâm cao để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đạt được mức tăng trưởng cao; giữ vững sự ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện thắng lợi công tác xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân; giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Để đạt được những mục tiêu chung của toàn tỉnh, phong trào thi đua yêu nước cần được duy trì và phát huy, công tác khen thưởng phải được đổi mới để các phong trào thi đua trở thành động lực để mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cá nhân phấn đấu làm việc nhiều hơn với khẩu hiệu hành động: “Quyết tâm không cam chịu đói nghèo- biến khó khăn thành cơ hội phát triển- vì Hà Giang phát triển, hãy làm việc nhiều hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn”. Đồng chí Bàn Đức Vinh, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh lên hưởng ứng lời phát động phong trào thi đua yêu nước 5 năm tới.
Đại hội cũng đã thống nhất bầu 9 đại biểu đi dự Đại hội Thi đua Yêu nước toàn quốc lần thứ VIII
Nhân dịp này, các đồng chí Đàm Văn Bông, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;u Xuân Chiểu, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. 6 tập thể: Sở Nội vụ; Nhân dân, cán bộ xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang); Nhân dân, cán bộ huyện Đồng Văn; Công ty TNHH một thành viên Sổ xố kiến thiết Hà Giang; Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh; Trường Trung học Y tế Hà Giang được nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; 2 tập thể là Công ty TNHH Miền Tây, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng tỉnh Hà Giang.
Trích bài phát biểu của đồng chí Hoàng Minh Nhất, Uy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XII tỉnh Hà Giang
... Thưa toàn thể Đại hội!
Trong giai đoạn từ năm 2005 – 2010, mặc dù tỉnh ta gặp không ít những khó khăn như: Thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra; các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; toàn tỉnh phải tập trung giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản của những năm trước; tình hình lạm phát, suy giảm kinh tế thế giới tác động không nhỏ tới phát triển KT – XH, tư tưởng và đời sống của nhân dân v.v... Nhưng, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của T.Ư; sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, cụ thể, kịp thời của Đảng bộ tỉnh; kết hợp với thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài và phát huy nội lực, nêu cao truyền thống đoàn kết, phát động các phong trào thi đua yêu nước, nên đã giành được thành tựu to lớn, tương đối toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công của tỉnh trong những năm qua là đã lãnh đạo tổ chức và phát động được nhiều phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực, vùng miền; được các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đồng tình hưởng ứng. Đặc biệt, phong trào thi đua thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thi đua lập thành tích trong học tập, lao động, công tác và xây dựng các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp (nhiệm kỳ 2010 – 2015) đã tạo ra khí thế mới trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh.
... Có thể khẳng định, việc tổ chức và triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong 5 năm qua trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng tạo nên sự đột phá trên một số lĩnh vực và tạo được bước phát triển mới: Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá nhanh, đạt tốc độ bình quân 12,7%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Dịch vụ chiếm 39% (tăng 4,1%); nông – lâm nghiệp chiếm 32% (giảm 10,9%); công nghiệp – xây dựng chiếm 29% (tăng 5,9%) so với năm 2005. Văn hóa – xã hội có bước phát triển mới; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao; an ninh – quốc phòng được củng cố; chủ quyền lãnh thổ quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; lề lối, tác phong làm việc được đổi mới.
Trong 5 năm qua là một chặng đường đầy gian nan, vất vả, nhưng với sức mạnh đoàn kết, tinh thần thi đua sáng tạo và ý chí kiên cường của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã làm nên những thành tích lớn, đáng ghi nhận. Kết quả, thành tựu đạt được thuộc về Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; trong đó có sự đóng góp tích cực của các tập thể, cá nhân là những đại biểu xuất sắc, ưu tú, tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực, vùng miền, dân tộc đang có mặt dự Đại hội lần này.
Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tôi ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi những cá nhân, đơn vị điển hình tiên tiến đã sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, xung kích đi đầu trong lao động sản xuất, học tập, chiến đấu và công tác; có ý chí vươn lên vượt qua khó khăn thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tôi tin tưởng rằng, các đồng chí sẽ là những nhân tố tích cực, tạo thành động lực mạnh mẽ trong các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh trong các giai đoạn mới tiếp theo.
Thưa toàn thể Đại hội!
Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh ta trong 5 năm qua, còn một số hạn chế nhất định, như: Phong trào thi đua phát triển chưa đều, chưa toàn diện, có nơi còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu; một số cấp, ngành chưa quan tâm đúng mức, còn thụ động trong phát động phong trào thi đua, nên phong trào thi đua chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công tác khen thưởng, có việc, thẩm định chưa được chặt chẽ, còn tràn lan, cào bằng; khen thưởng cho người lao động trực tiếp còn ít, còn thiên về những người lãnh đạo; có tập thể và cá nhân được khen thưởng ít có sức lan tỏa và nêu gương trong cuộc sống. Việc nhân rộng trong các địa phương và cơ quan, đơn vị về các điển hình tiên tiến chưa được chú trọng và chưa kịp thời.
Với khẩu hiệu hành động trong 5 năm tới của Đảng bộ tỉnh là: “Quyết tâm không cam chịu đói nghèo; biến khó khăn thành cơ hội phát triển; vì Hà Giang phát triển: Hãy làm việc nhiều hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn”, quyết tâm đó sẽ được cụ thể hóa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, với trọng tâm là thực hiện tốt, có hiệu quả: Bốn đổi mới; tám đột phá; mười năm chương trình trọng tâm; mười chín chỉ tiêu, sáu nhiệm vụ và bảy nhóm giải pháp chủ yếu.
Để phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 – 2015 thực sự trở thành động lực thúc đẩy toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân thi đua thực hiện thắng lợi, toàn diện nhiệm vụ chính trị của tỉnh và các địa phương, tôi đề nghị trong thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, Công tác thi đua khen thưởng phải bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, của từng địa phương, gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để phát động các phong trào thi đua trên từng lĩnh vực cho trúng, cho đúng; kịp thời đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp lãnh đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua cho phù hợp, thích ứng với sự thay đổi thường xuyên của từng giai đoạn và đời sống xã hội để xây dựng con người mới, làm tốt nhiệm vụ hàng ngày của mình, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Thật ra công việc hàng ngày chính là nền tảng của công tác thi đua”.
Hai là, phong trào thi đua phải thực sự rộng khắp và đi vào chiều sâu, tránh hình thức, có tác dụng động viên, khích lệ lôi cuốn mọi người cùng thi đua, lấy hiệu quả làm thước đo của phong trào. “Người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua, các bản làng, thôn xóm cùng thi đua”. Chú trọng tới người trực tiếp lao động, những cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; mạnh dạn cải tiến và ứng dụng KHKT vào sản xuất và đời sống; tìm kiếm phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa; những thành tích dũng cảm, tiêu biểu đột xuất, có tác dụng cổ vũ, ảnh hưởng lớn.
Ba là, phải lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và các mục tiêu công tác của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị và từng cá nhân làm tiêu chuẩn, thước đo để đánh giá chất lượng. Việc bình bầu, khen thưởng phải thực chất, đúng người, đúng việc, thực sự là những điển hình, tiêu biểu, tránh bình quân, cào bằng, nể nang. Tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm từng phong trào thi đua, khen thưởng kịp thời (cả về vật chất lẫn tinh thần). Cá nhân, đơn vị thực hiện tốt phải được biểu dương, khen thưởng; những đơn vị, cá nhân không chấp hành tốt phải phê bình và rút kinh nghiệm nghiêm túc.
Bốn là, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng xây dựng và nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến làm nòng cốt, hạt nhân trong phong trào thi đua, nhằm tạo ra khí thế, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua sôi nổi và rộng khắp. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Người tốt, việc tốt”, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thôn bản v.v...
Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng; thực hiện tốt nguyên tắc Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, các tổ chức đoàn thể vận động hội viên, đoàn viên và toàn dân và mọi thành phần kinh tế tự nguyện, tự giác tham gia phong trào thi đua. Xây dựng được nội dung, chương trình và kế hoạch tổ chức các phong trào thi đua, khen thưởng bảo đảm trúng, đúng, kịp thời và có hiệu quả.
Thưa toàn thể đại hội!
Với quyết tâm thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, tôi tin tưởng rằng, phong trào thi đua của tỉnh ta trong 5 năm tới, sẽ giành được những thành tích to lớn hơn, xuất hiện nhiều những điển hình tiên tiến, tiêu biểu, góp phần đưa tỉnh nhà nhanh chóng thu hẹp chênh lệch về trình độ phát triển với các tỉnh trong khu vực, tạo tiền đề vững chắc sớm thoát khỏi tỉnh đặc biệt khó khăn, kém phát triển...
Ý kiến bạn đọc