Tổng kết 12 năm Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm (1998 - 2010)

17:21, 09/08/2010

HGĐT- Ngày 9.8, BCĐ phòng, chống tội phạm và ma túy tỉnh tổ chức tổng kết 12 năm thực hiện Nghị quyết 09/CP, Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm, giai đoạn 1998-2010.


Các đồng chí Đàm Văn Bông, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng, chống tội phạm và ma túy; Thiếu tướng Nguyễn Bình Vận, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội nghị. Dự Hội nghị có các đồng chí Đại tá Lê Đăng Khoa, Phó Chánh văn phòng Thường trực phòng, chống tội phạm ma túy (Bộ Công an); Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng ban Phong trào (Ủy ban MTTQ Việt Nam ); lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị của tỉnh.


Sau 12 năm thực hiện Nghị quyết 09/CP, Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm, các lực lượng chức năng của tỉnh đã chủ động nắm tình hình, giải quyết có hiệu quả những vấn đề nảy sinh về an ninh - trật tự. Vì vậy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, QP-AN được tăng cường, khối đại đoàn kết toàn dân không ngừng được củng cố, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Các cấp, các ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân đã tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, kềm chế sự gia tăng của tội phạm, tạo thế trận toàn dân trong phòng, chống tội phạm, tạo môi trường xã hội lành mạnh. Lực lượng Công an đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức đoàn thể mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy. 12 năm qua, các lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá, đề nghị truy tố 4.590 vụ với 6.492 đối tượng. Trong đó, án đặc biệt nghiêm trọng 363 vụ, chiếm gần 10%; án rất nghiêm trọng 727 vụ, chiếm gần 19%; án nghiêm trọng, ít nghiêm trọng 3.500 vụ, chiếm trên 65%. Đã truy bắt được 240 đối tượng có Lệnh truy nã, lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục 385 đối tượng; đưa 1.719 đối tượng vào diện giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Phong trào cảm hóa, giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư đã phát triển rộng khắp, nhiều đối tượng đã tái hòa nhập cộng đồng, được chính quyền địa phương và các đoàn thể quan tâm, giúp đỡ, tạo việc làm. Các đề án của Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm như: Phát động toàn dân tham gia phòng, ngừa phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm, tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật, trách nhiệm công dân về bảo vệ an ninh trật tự; đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm có tính quốc tế; đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên đều đạt kết quả khả quan.


Phát biểu tại hội nghị, các đồng chí Đàm Văn Bông, Lê Đăng Khoa biểu dương những kết quả đạt được sau 12 năm thực hiện Nghị quyết 09/CP, Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trên tuyến biên giới, hoạt động của tội phạm buôn bán người, chiếm đoạt trẻ em, tội phạm hình sự có sự cấu kết với đối tượng nước ngoài vẫn diễn biến phức tạp. Việc thực hiện Nghị quyết 09/CP, Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm ở một số nơi hiệu quả chưa cao, chưa thường xuyên... Khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới cần tiếp tục củng cố, kiện toàn BCĐ phòng, chống tội phạm và ma túy, mại dâm, HIV/AIDS; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân gương mẫu chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh tố giác tội phạm. Triển khai có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ANTT, nhất là công tác quản lý nhân hộ khẩu, người nước ngoài, quản lý vũ khí, vật liệu nổ; mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm có tính quốc tế, tội phạm xâm hại trẻ em; tăng cường hợp tác quốc tế, thường xuyên tổ chức giao ban, hội đàm trao đổi thông tin, tình hình và phối hợp điều tra, truy bắt tội phạm, giải cứu nạn nhân. Các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở, cần có quy chế phối hợp chặt chẽ trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm. Đặc biệt, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là chi bộ đảng ở cơ sở, phát huy sức mạnh toàn dân trong tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng các mô hình đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm.


TIẾN CHIẾN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thị xã Hà Giang phát triển từ chặng đường 65 năm
HGĐT- Trong những ngày thu tràn ngập nắng vàng, khắp các ngả đường phố núi Hà Giang, đâu đâu cũng bắt gặp bầu không khí phấn khởi. Với những nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền và người dân, tất cả đang tập trung xây dựng, chỉnh trang đô thị, chuẩn bị cho mục tiêu lớn là đưa thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm nay.
09/08/2010
Trường Chính trị tỉnh: Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước
HGĐT- Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những nguời thi đua là những người yêu nước nhất”, tập thể cán bộ giảng viên, công nhân viên và học viên trường Chính trị tỉnh đã thường xuyên phát động và tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước với tư tưởng xuyên suốt “Thi đua dạy tốt, học tốt và phục vụ tốt”.
09/08/2010
Cụm thi đua 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc: Sơ kết công tác thi đua - khen thưởng 6 tháng đầu năm
HGĐT- Sáng 7.8, Cụm thi đua khen thưởng (TĐKT) 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, gồm: Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn và Hà Giang tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác TĐKT 6 tháng đầu năm 2010.
09/08/2010
Đại hội Công đoàn Ngân hàng No&PTNT
HGĐT- Sáng 8.8, Công đoàn cơ sở Ngân hàng No&PTNT tổ chức Đại hội khoá VI, (nhiệm kỳ 2010 - 2012). Đến dự có lãnh đạo các Ngân hàng đóng trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng No&PTNT các huyện, thị xã cùng gần 70 đại biểu đại diện cho trên 100 đoàn viên công đoàn đơn vị.
09/08/2010