Thị xã Hà Giang phát triển từ chặng đường 65 năm

17:09, 09/08/2010

HGĐT- Trong những ngày thu tràn ngập nắng vàng, khắp các ngả đường phố núi Hà Giang, đâu đâu cũng bắt gặp bầu không khí phấn khởi. Với những nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền và người dân, tất cả đang tập trung xây dựng, chỉnh trang đô thị, chuẩn bị cho mục tiêu lớn là đưa thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm nay.


Đứng từ đỉnh Núi Cấm, bao quát toàn cảnh thị xã, nhìn sức vóc thành phố trẻ với đôi núi, đôi sông đang vươn lên mạnh mẽ, những cơn gió mát gợi cho tôi lần về với ký ức chặng đường 65 năm với bao thăng trầm của mảnh đất này.

Trước khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa trời, người dân thị xã đã từng phải trải qua những năm tháng oằn mình dưới ách áp bức, cai trị của bọn xâm lược, từ thực dân Pháp, phát xít Nhật cho đến bè lũ Quốc Dân Đảng... Và rồi, dưới sự lãnh đạo của Đảng, khi tiếng kèn vang lên giữa trưa 8.12.1945, thị xã tươi đẹp của chúng ta đã hoàn toàn được giải phóng. Sau những bước nối lịch sử, ngày 22.7.1957, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 317/TTg về việc giải tán xã An Cư và tái lập TXHG trực thuộc Uỷ ban hành chính tỉnh. Vào dịp kỷ niệm cách mạng Tháng mười Nga 7.11.1957, người dân đã được đón chào sự ra đời của Uỷ ban hành chính lâm thời thị xã. Cùng với đó, Chi bộ Đảng xã An Cư được đổi tên thành Chi bộ TXHG với 35 đảng viên đầu tiên, đánh dấu mốc quan trọng cho sự hình thành, phát triển của Đảng bộ thị xã.


Lần trở về 50 năm trước, với rất nhiều khó khăn từ những buổi đầu xây dựng, khi ấy thị xã chưa được công nhận thoát nạn mù chữ; cơ cấu sản xuất chỉ gồm nông nghiệp, một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ; bộ mặt nơi đây mới bắt đầu biến chuyển với sự hình thành, xây dựng của các công sở Nhà nước và nhà cửa của nhân dân. Tháng 5.1960, thị xã lần đầu tiến hành Đại hội Đảng bộ, đó là bước khởi đầu mới cho hành trình vươn lên xây dựng đô thị trung tâm của tỉnh.


Qua bao thăng trầm, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân TXHG đã phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, theo Đảng, theo Bác Hồ, một lòng cho mục tiêu giành độc lập dân tộc, bảo vệ và kiến thiết đất nước. Trong hành trình lịch sử, đồng bào các dân tộc nơi đây đã ghi công lao với 3.186 người tham gia cách mạng, trong đó có 150 người là liệt sỹ, 147 người là thương binh... Từ buổi đầu sau cách mạng tháng Tám, thị xã chỉ có vài đảng viên cho đến năm 1962, Đảng bộ mới có 40 đảng viên sinh hoạt tại 4 chi bộ và 1 tổ Đảng, nhưng đến nay, Đảng bộ đã có đến 82 cơ sở Đảng với 4.400 đảng viên. Thị xã ngày nào với 4 khu phố thì nay đã có 8 phường, xã, 101 tổ dân phố, thôn và có khoảng 5 vạn người sinh sống.


Thị xã đã trở thành đô thị loại III, vững chắc với vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của một tỉnh địa đầu Tổ quốc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005 - 2010 đạt 17,05%. Cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng thương mại - dịch vụ chiếm 70,22%, công nghiệp - xây dựng chiếm 23,97%, nông, lâm nghiệp chiếm 5,81%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,36%. Với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, đến nay với sự đầu tư lớn của Nhà nước và toàn xã hội, diện mạo đô thị ngày càng có những đổi thay vượt bậc. Lĩnh vực dịch vụ, du lịch trở thành một ngành mũi nhọn, TXHG hiện có 48 khách sạn, nhà nghỉ, 56 nhà hàng, 3 siêu thị; trên địa bàn có tới 325 doanh nghiệp, 61 hợp tác xã, 805 hộ và cơ sở sản xuất thủ công nghiệp và 4.532 cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ. Năm 2009, giá trị sản xuất thương mại – dịch vụ đạt 955 tỷ đồng... Với vai trò là trung tâm văn hoá, thị xã đã có bước phát triển mạnh trên lĩnh vực giáo dục với 20/30 trường đạt chuẩn Quốc gia, 5/8 phường, xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc Trung học. 87% số hộ gia đình đạt gia đình văn hoá, trên 90% tổ dân phố, thôn và cơ quan, đơn vị đạt văn hoá, 8 tuyến phố được công nhận tuyến phố văn minh...


Giữa những ngày mùa Thu tại TXHG, chúng tôi có dịp được gặp và trao đổi với cụ Ma Văn Hiệu, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tuyên, người đã từng có những năm tháng gắn bó với TXHG. Cụ tâm sự, trong hành trình dài, thị xã đã chuyển mình theo dòng chảy lịch sử. So với 30 năm trước, thì thị xã ngày nay đã có một bước nhảy vọt, tất cả đang hướng lên phía trước theo quy luật phát triển. Trong hành trình đi lên, thành phố Hà Giang cần phải xây dựng được nội lực, từng bước phát triển hàng hoá có sức vươn xa. Bên cạnh đó, cần hết sức chú ý đến vấn đề môi trường, các công trình công cộng vui chơi giải trí. Cụ cũng mong muốn, thế hệ lãnh đạo ngày nay cần phải đi vào thực tế, nắm bắt được mấu chốt của sự phát triển và cần phải hiểu rõ lịch sử để hướng đến tương lai...


Bước vào giai đoạn mới, vị thế và thử thách mới, Đại hội XVI Đảng bộ TXHG đã đề ra phương hướng tổng quát đến 2015 là “Xây dựng thành phố Hà Giang trở thành thành phố du lịch miền núi biên giới, có kinh tế ngày càng phát triển, chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh vững chắc, xã hội kỷ cương, văn minh và đậm đà bản sắc dân tộc”. Theo đó, tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân nền kinh tế đạt 19%/năm; đến 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm...


Trong một lần phát biểu với Đảng bộ TXHG, Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Minh Nhất nhấn mạnh, việc xây dựng và sự phát triển của thị xã có liên quan và là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh. Do đó, cần nâng cao nhận thức và hành động của từng cán bộ, đảng viên và từng người dân về trách nhiệm xây dựng thành phố, tạo thành một phong trào xã hội hoá, cùng tham gia đầu tư, nâng cấp, xây dựng thành phố, xây dựng lối sống, ứng xử của công dân trong một thành phố du lịch; cần mở rộng không gian đô thị, đáp ứng với sự phát triển về quy mô dân số. Khi đã trở thành thành phố, phương thức hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương phải được nâng tầm trong lãnh đạo, quản lí và điều hành, đội ngũ cán bộ phải được chuẩn hoá về trình độ, đổi mới và nâng cao về năng lực công tác...

TXHG 65 năm từ cách mạng tháng Tám, đã cho thấy cả một bước chuyển mình. Cây đại mà dịp lên thăm Hà Giang, Bác Hồ trồng ở giữa trung tâm thị xã ngày nào, giờ đã trở thành một cây lớn, một cây đại đoàn kết, bám rễ trường tồn và nở hoa thơm ngát. Với truyền thống đáng tự hào, với tiềm lực và vị thế của một đô thị trung tâm, Đảng bộ và nhân dân thị xã đã và sẽ luôn giữ vững lòng tin theo Đảng, theo Bác Hồ, đưa TXHG trở thành thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh.


GIAO THƯ

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tổng kết cuộc vận động ủng hộ giống gia súc, phản nằm và màn cho hộ nghèo
HGĐT- Ngày 30.7, Ban chỉ đạo (BCĐ) cuộc vận động ủng hộ, giúp đỡ hộ nghèo của tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết cuộc vận động ủng hộ giống gia súc nuôi luân chuyển, phản nằm và màn cho hộ nghèo trong tỉnh.
30/07/2010
Phó Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh làm việc tại Bắc Quang
HGĐT- Ngày 30.7, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy làm việc tại thôn Nậm An, xã Tân Thành (Bắc Quang), nhằm nắm tình hình phát triển KT-XH, hoạt động của BCĐ xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh... Cùng đi có các đồng chí lãnh đạo huyện, xã.
30/07/2010
Đảng bộ Công ty Cổ phần Xi măng nỗ lực vượt khó vươn lên
HGĐT- Trong 5 năm, từ 2006 - 2009, Đảng bộ Công ty Cổ phần Xi măng (CTCPXM) Hà Giang đã sản xuất được 191.096,15 tấn xi măng (XM), doanh thu đạt trên 150 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 7 tỷ đồng, thu nhập bình quân của công nhân viên chức luôn đạt trên 2 triệu đồng/ tháng. Đặc biệt Công ty (CT) đã thanh toán hết số nợ cũ của 2 ngân hàng (ĐT&PT Hà Giang và
09/08/2010
TÒA ÁN NHÂN DÂN HÀ GIANG đẩy mạnh phong trào thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”
HGĐT- Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cán bộ, công chức ngành TAND hưởng ứng nhiệt tình, thi đua với tinh thần sôi nổi, nỗ lực phấn đấu
06/08/2010