Đoàn kết toàn dân làm nên thắng lợi

17:40, 16/08/2010

HGĐT- Dân tộc Việt Nam có truyền thống quý báu là đoàn kết để tồn tại, phát triển và giữ gìn bản sắc văn hóa của mình.


Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển truyền thống đó trên cơ sở tiếp thu lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác – Lê nin để xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam làm nhiệm vụ dẫn dắt, tổ chức, lãnh đạo nhân dân ta làm cách mạng giải phóng dân tộc và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.


Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 do Đảng lãnh đạo nổ ra trong cả nước và giành thắng lợi chỉ trong vòng gần hai tuần lễ. Một trong những nguyên nhân quan trọng có ý nghĩa quyết định là do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phán đoán đúng tình hình quốc tế và tình thế cách mạng trong nước, nắm và chớp đúng thời cơ, chủ động tiến công cách mạng và giành được chính quyền trong cả nước. Mới 15 tuổi Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân làm cách mạng giải phóng dân tộc thành công. Việt Nam là nước thuộc địa đầu tiên trên thế giới tự giành lại độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân.


Cách mạng Tháng Tám là thành quả của toàn dân tộc đoàn kết đấu tranh dưới lá cờ vẻ vang của Đảng. Cách mạng Tháng Tám mở ra thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của dân tộc ta. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, nhân dân ta trở thành người chủ thật sự của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã kháng chiến thắng lợi, thống nhất đất nước, cả nước đi lên xây dựng CNXH và tiến hành đổi mới thu được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử.


Nền tảng cốt yếu nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về đoàn kết toàn dân là phát huy lòng yêu nước, cùng hướng tới mục tiêu nước độc lập, dân tự do và hạnh phúc.


Theo tư tưởng Hồ Chí Minh khi nước nhà đã được độc lập, thống nhất thì vấn đề cơ bản nhất để toàn dân đoàn kết là chăm lo cho đồng bào “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, nghĩa là đời sống vật chất của nhân dân được nâng lên và đời sống tinh thần vui tươi, hạnh phúc, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc được sống trong một xã hội công bằng, bình đẳng và dân chủ, hòa hợp.


Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là Di chúc của Người, trong quá trình xây dựng đất nước và tiến hành đổi mới Đảng ta đã chủ trương chuyển đổi nền kinh tế trong cơ chế quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, mở cửa và hộp nhập kinh tế quốc tế.


Theo quan điểm của Đảng thì phát triển kinh tế gắn liền thực hiện các chính sách an sinh xã hội nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo đảm các quyền con người về kinh tế, chính trị, văn hóa...


Có thể thấy quan điểm đó của Đảng trong thực tiễn hơn 20 năm đổi mới đã tạo ra những hiệu quả cho xã hội to lớn và hiệu quả ấy có được chính là do khối đại đoàn kết toàn dân.


Ngay khi lãnh đạo toàn diện công cuộc đổi mới, Đảng chủ trương phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, khuyến khích mọi người làm giàu chính đáng, phát huy mọi nguồn lực và sử dụng hiệu qủa đầu tư nước ngoài đã tạo nên bước phát triển kinh tế vượt bậc.


Trước năm 1987, nhân dân còn thiếu đói, phải nhập lương thực, vậy mà nhờ chính sách khoán đổi mới trong nông nghiệp ,đến nay nước ta đã là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Hàng hoá nông sản ngày càng phong phú và có nhiều mặt hàng xuất khẩu. Công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn đóng góp phần quan trọng đổi mới cuộc sống cư dân nông thôn, giải phóng lao động nông nghiệp từng bước thoát khỏi lối canh tác nặng nhọc, lạc hậu, lam lũ. Nông thôn, nông nghiệp nước ta ở nhiều vùng đã đi vào cơ khí hoá, điện khí hoá, tự động hoá. Chính sách tam nông đang đi vào sản xuất, đời sống nông thôn, nông nghiệp, nông dân phát huy khả năng làm giàu và tăng nhanh lực lượng sản xuất ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới và cuộc sống mới của cư dân nông thôn.


Sản xuất công nghiệp của nước ta dù đang ở quá trình đi vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá song đã có một số ngành công nghiệp mới có tính mũi nhọn.Với phương châm đi tắt, đón đầu những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, nền công nghiệp nước ta đang chuyển mình theo hướng hiện đại, hiệu quả, góp sức đẩy nhanh quá trình chuyển từ lao động thủ công sáng cơ khí hoá và tự động hoá, từng bước đi vào kinh tế tri thức. Đây chính là quá trình giải phóng con người, bảo đảm nhân quyền cơ bản trong thời kỳ toàn cầu hoá kinh tế và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, thời đại kinh tế tri thức.


Bảo đảm quyền con người, để mọi người dân đều được sống bình đẳng trong một xã hội “dân chủ, công bằng, văn minh” là mục đích và cũng là yêu cầu trong quan điểm củng cố và tăng cường đoàn kết toàn dân của Đảng .Do đó, trong các chính sách kinh tế, xã hội Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng an sinh xã hội ,nhất là các chính sách xoá đói, giảm nghèo đối với nhân dân vùng nông thôn, vùng núi, ven biển, hải đảo. Nổi bật trong những chính sách ấy là khuyến khích người dân làm giàu hợp pháp đi liền với đẩy nhanh giảm đói, bớt nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống, hưởng thụ và trình độ phát triển giữa các vùng, các dân tộc, các tầng lớp dân cư.


Trong quá trình đổi mới, hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản được đổi mới và từng bước hoàn chỉnh dần. Theo đó lưới an sinh xã hội phát triển để bảo đảm cho mọi người dân đều có thể được hưởng thụ thành quả tiến bộ khoa học ,kỹ thuật, công nghệ mới và các thành quả của công cuộc đổi mới về văn hoá , xã hội. Người dân tham gia vào các quá trình xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và nhiều chính sách còn tạo những điều kiện thuận lợi cho các nhóm đối tượng xã hội yếu thế có thể hoà nhập cộng đồng.


Quyền có việc làm và hưởng thụ các thành quả lao động ngày càng có điều kiện thực thi tốt hơn nhờ những chính sách kinh tế đổi mới như chính sách phát triển kinh tế tư nhân , thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư ra ngoài nước, đào tạo nghề, luật doanh nghiệp.


Xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh trong đó các dân tộc thật sự đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển là một quan điểm cơ bản nhất của Đảng để tăng cường khối đoàn kết toàn dân. Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập và mở cửa đều phải tạo ra những cơ hội cho mỗi con người, mỗi người dân, là người dân tộc đa số hay dân tộc thiểu số đều có điều kiện lao động và hưởng thụ công bằng hơn những thành quả lao động của mình.


Đoàn kết toàn dân trong quá trình đổi mới còn phát huy cao độ tình thương, lòng nhân ái của truyền thống dân tộc để chăm sóc tốt hơn ngưòi có công với nước và đùm bọc đồng bào nghèo bị thiên tai, nhân hoạ. Đây cũng là một nội dung trong quan điểm và chính sách đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.


PHẠM VĂN KHÁNH (Báo Nhân Dân)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam thành công tốt đẹp
Như tin đã đưa, ngày 12.8, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức trọng thể Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2010-2015.
16/08/2010
Bắc Quang - xứng đáng là huyện Anh hùng thời kỳ kháng chiến chống Pháp
HGĐT- Là huyện núi đất vùng thấp của tỉnh Hà Giang, chính vì vậy Bắc Quang có một vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh cũng như kinh tế - xã hội của tỉnh.
16/08/2010
Thẩm định dự án thành lập thành phố Hà Giang
HGĐT- Ngày 9. 8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, đã chủ trì hội nghị của Bộ Nội vụ với các Bộ, ngành Trung ương, để thẩm định đề án thành lập Thành phố Hà Giang, trực thuộc tỉnh Hà Giang.
16/08/2010
Triển khai công tác chuẩn bị phục vụ Đại hội Đảng bộ khóa XV
HGĐT- Sáng 13.8, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các ngành: Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin – truyền thông, Báo Hà Giang, Đài PT-TH tỉnh và thường trực Thị ủy Hà Giang để thống nhất kế hoạch nội dung tuyên truyền, khánh tiết phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010-2015). Đồng chí Hoàng Trung Luyến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy,
13/08/2010