Đoàn cán bộ tỉnh ta thăm, làm việc tại tỉnh Cao Bằng
HGĐT - Ngày 25.8, Đoàn cán bộ tỉnh ta do đồng chí Hoàng Minh Nhất, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khoá XII đơn vị tỉnh Hà Giang dẫn đầu đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Cao Bằng.
Cùng đi có đồng chí Hoàng Đình Châm, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở Xây dựng, Công thương, Khoa học- Công nghệ, huyện Vị Xuyên; Công ty Cổ phần Khoáng sản An Thông, Công ty Cổ phần thép An Khang.
Đoàn công tác có buổi trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Dự buổi làm việc, phía tỉnh bạn có đồng chí Nông Văn Páo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh đã thông báo với đoàn về công tác quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng trong thời gian qua. Cao Bằng là tỉnh có nhiều loại tài nguyên, khoáng sản, tỉnh có trên 140 mỏ và điểm mỏ với trên 22 loại khoáng sản, trong đó một số loại có trữ lượng lớn, đáp ứng quy mô khai thác, chế biến công nghiệp là Mangan, quặng Sắt, Bauxit, Chì- Kẽm... Trong công tác quản lý, hàng năm, tỉnh đều thành lập các đoàn kiểm tra chuyên đề về hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Sau kiểm tra có những kết luận để chấn chỉnh kịp thời, chấm dứt tình trạng khai thác, xuất khẩu quặng thô sang Trung Quốc như trước đây. Tỉnh cũng ban hành tiêu chí chế biến sâu đối với một số khoáng sản chủ yếu trên địa bàn tỉnh như Sắt, Mangan, Chì- Kẽm. Thực hiện chủ trương chế biến sâu, đến nay tỉnh Cao Bằng đã có 20 Dự án chế biến khoáng sản được cấp phép đầu tư, trong đó có 3 Dự án luyện Gang với tổng công suất 150.000 tấn/năm; 1 nhà máy sản xuất Sắt xốp với công suất 200.000 tấn/năm; 1 khu liên hợp Gang thép với công suất 221.000 tấn phôi thép/năm và nhiều dự án khác. Đối với khoáng sản Vàng, tỉnh thực hiện chủ trương chọn nhà đầu tư, khai thác theo hình thức hồ sơ đơn vị nào đưa ra mức nộp thuế cao nhất, có phương án khai thác tối ưu nhất. Tỉnh cũng đã phê chuẩn các quy hoạch trên lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến một số loại khoáng sản trữ lượng lớn... Tuy nhiên, trong hoạt động khoáng sản ở tỉnh cũng có một số bất cập như các điểm mỏ phần lớn chưa được đầu tư thăm dò mà chỉ có tài liệu sơ bộ nên việc khai thác chủ yếu theo kinh nghiệm, các doanh nghiệm chủ yếu đầu tư cho cơ sở vật chất chứ chưa chú trọng đào tạo con người, rất ít đơn vị có Giám đốc điều hành mỏ đủ tiêu chuẩn. Ngoài ra, trong hoạt động khoáng sản cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến công tác an toàn lao động, ô nhiễm môi trường, việc hoàn thổ đất sau khi kết thúc khai thác...
Tại buổi làm việc, đôi bên trực tiếp trao đổi về những thuận lợi, khó khăn trong công tác quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt là việc thực hiện các Dự án chế biến sâu trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Minh Nhất vui mừng nhận thấy sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản của tỉnh Cao Bằng thực hiện được trong những năm qua. Đồng chí nhấn mạnh, Hà Giang và Cao Bằng có sự tương đồng về nhiều mặt, do đó thành quả đạt được trên các lĩnh vực của Cao Bằng là bài học kinh nghiệm đối với Hà Giang và ngược lại. Những bài học kinh nghiệm, những ý kiến phát biểu trong buổi làm việc này hết sức có ý nghĩa đối với Hà Giang, trong đó, kinh nghiệm sâu sắc nhất mà đôi bên cùng đồng tình đó là khi quyết định đầu tư dự án liên quan đến khoáng sản cần chọn doanh nghiệp đủ năng lực, đồng thời cần có sự giám sát, kiểm tra tiến độ thường xuyên trong quá trình thực hiện dự án của các đơn vị... Đồng chí Hoàng Minh Nhất cảm ơn các đồng chí lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đã quan tâm, tiếp đón cũng như chân thành phát biểu ý kiến những kinh nghiệm trong hoạt động khoáng sản trong buổi làm việc này.
Đoàn công tác tỉnh ta đã thăm quan Nhà máy Pero Mangan thuộc Công ty Cổ phần Khoáng sản Tây Giang; Nhà máy sản xuất Sắt xốp và phôi thép hợp kim Cao Bằng của Tổ hợp mỏ luyện kim Cao Bằng thuộc Công ty Cổ phần Khoáng sản Luyện kim Việt
Ý kiến bạn đọc