Cục Hải quan tích cực thực hiện cải cách hành chính Nhà nước
HGĐT- Bám sát chương trình cải cách hành chính của ngành, Cục Hải quan Hà Giang đã tập trung chỉ đạo triển khai, thực hiện với phương châm đẩy mạnhhiện đại hoá (HĐH), cải cách hành chính và đơn giản hoá thủ tục.
Kiểm tra hành lý của người XNC tại Hải quan Cửa khẩu Thanh Thủy. Ảnh: Thiên Thanh |
Đồng thời, chỉ đạo các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc tiến hành rà soát văn bản thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước về Hải quan, nhằm phát hiện những văn bản không còn phù hợp, thiếu hoặc sơ hở, dễ bị lợi dụng để báo cáo Tổng cục Hải quan kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung. Giai đoạn I thực hiện cải cách hành chính, Cục Hải quan đã rà soát, thống kê được 132 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục và Chi cục. Trong đó, có 34 thủ tục hành chính (TTHC) đã và đang phát sinh. Giai đoạn II, Cục đã đề xuất cắt giảm, sửa đổi 9 TTHC còn bất cập, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Từ tháng 6-2008, Cục Hải quan đã tiến hành khai báo Hải quan từ xa tại Chi cục HQCK Thanh Thuỷ. Đến hết năm 2008, khai Hải quan từ xa chiếm 60% tổng kim ngạch XNK hàng hóa; năm 2009, tỷ lệ này tăng lên 72 % và 5 tháng đầu năm nay, khai Hải quan từ xa đạt 80% tổng kim ngạch. Áp dụng phương pháp quản lý này, có tới trên 80% lượng hàng hóa XNK được miễn kiểm tra thực tế, thời gian thông quan các lô hàng XNK được rút ngắn. Việc khai báo Hải quan từ xa đã tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại cho doanh nghiệp khi làm thủ tục XNK hàng hoá, được các doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Hải quan Hà Giang thường xuyên duy trì tổ giải quyết vướng mắc nhanh tại Cục và Chi cục HQCK Thanh Thủy; duy trì BCĐ cải cách, HĐH và thực hiện quy chế “một cửa” tại Văn phòng Cục, Chi cục HQCK Thanh Thủy. Mọi hoạt động về TTHC, nộp hồ sơ, giấy tờ... đều thông qua bộ phận “một cửa”, hạn chế việc tiếp xúc giữa doanh nghiệp với công chức Hải quan. Bên cạnh đó, Cục đã thiết lập đường dây nóng, hộp thư điện tử, hòm thư góp ý ở tất cả các đơn vị Hải quan cơ sở; niêm yết công khai quy trình nghiệp vụ Hải quan, các văn bản, chính sách trong quản lý Nhà nước về Hải quan ở trụ sở và nơi làm thủ tục để doanh nghiệp biết, thực hiện, giám sát.
Bên cạnh đó, công tác cải cách tài chính công được thực hiện nghiêm túc đạt hiệu quả. Cục đã thực hiện cơ chế khoán nên việc chi tiêu được quản lý chặt chẽ, đảm bảo đúng chế độ và thực sự tiết kiệm; thực hiện tốt việc chuyển đổi phương pháp quản lý nghiệp vụ từ thủ công truyền thống sang Hải quan hiện đại bằng kỹ thuật quản lý rủi ro, đảm bảo chặt chẽ, chính xác, nhanh chóng, thuận tiện, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho từng lô hàng, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, đầu tư và du lịch. Cục đã xây dựng, ban hành quy định thời gian làm thủ tục Hải quan cho lô hàng XNK tại cửa khẩu khi có đủ giấy tờ theo quy định tại cửa khẩu Thanh Thuỷ, rút ngắn hơn so với quy định của Luật Hải quan. Duy trì chế độ đối thoại với doanh nghiệp; thực hiện trực, làm việc ngày thứ 7 tại Cục Hải quan và làm việc ngày thứ 7, Chủ nhật, ngày lễ đối với các Chi cục HQCK để kịp thời giải quyết thủ tục XNK hàng hóa, người và phương tiện XNC, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp. Triển khai ứng dụng tối đa công nghệ thông tin vào công tác quản lý, nghiệp vụ; hầu hết các đơn vị đã được lắp đặt hệ thống thông tin nội bộ, đường truyền kết nối mạng với Cục Thuế, Kho bạc, Tài chính và đường truyền nối mạng từ cửa khẩu Thanh Thủy, Phó Bảng, Xín Mần về Cục với Tổng cục và ngược lại. Hiện nay, 90% công chức Hải quan đã sử dụng thành thạo các chương trình ứng dụng quản lý công tác văn phòng, chương trình ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động nghiệp vụ; 90% các văn bản của ngành, 70% công việc được trao đổi, xử lý trên mạng nội bộ; hoàn thành việc xây dựng, thực hiện tốt hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2000.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, chương trình cải cách hành chính đã đem lại những kết quả khả quan; thể chế Hải quan đã được hình thành, từng bước cụ thể các quan điểm đổi mới, mở cửa, hội nhập của Đảng, Nhà nước, điều chỉnh phù hợp với quan hệ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thiết lập, tạo ra mối quan hệ hành chính giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp lý về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ tương ứng, tương tác giữa các bên. Bộ máy tổ chức, công tác cán bộ được đổi mới, phù hợp với yêu cầu quản lý thực tế của nền kinh tế; hoạt động quản lý nhà nước về Hải quan dần được tin học hóa; đội ngũ CBCC được tuyển dụng, đào tạo đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của nền kinh tế thị trường; hệ thống cơ sở vật chất của các đơn vị Hải quan được xây dựng khang trang, trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn được trang bị hiện đại...đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ý kiến bạn đọc