Triển khai các giải pháp PCLB-GNTT
HGĐT- Ngày 22.4, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá công tác phòng, chống lụt bão (PCLB) và giảm nhẹ thiên tai (GNTT) năm 2009, triển khai các giải pháp năm 2010.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCLB-GNTT chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có lãnh đạo các sở, ngành thành viên Ban chỉ huy; lãnh đạo các huyện, thị.
Với phương châm phòng là chính, năm qua, công tác PCLB-GNTT trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt. Các huyện, thị đều tổ chức diễn tập những tình huống sát thực tế với phương châm 4 tại chỗ gồm: Chỉ huy tại chỗ, vật tư tại chỗ, lực lượng tại chỗ và hậu cần tại chỗ, phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia phòng, chống thiên tai. Năm 2009, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt mưa đá, gió lốc, sạt, lở đất, gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, tổng giá trị thiệt hại trên 35 tỷ đồng. Ngay khi xảy ra thiên tai, Ban chỉ huy PCLB các cấp đã trực tiếp đến những nơi bị thiệt hại, động viên, thăm hỏi, đôn đốc công tác khắc phục hậu quả. Đối với công tác PCCCR, trong thời gian qua, do thời tiết khắc nghiệt, khô hạn kéo dài và ý thức phòng, chống cháy rừng của một số người dân chưa tốt nên đã để xảy ra 105 vụ cháy, gây thiệt hại trên 800 ha rừng… Để thực hiện tốt công tác PCLB-GNTT, đồng thời chủ động phòng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban chỉ huy PCLB-GNTT đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng việc xây dựng phương án di dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Công tác này phải được tiến hành khẩn trương ở những vùng có địa hình phức tạp, cấu tạo địa chất yếu, hay xảy ra lũ ống, lũ quét. Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức chủ động phòng, chống thiên tai trong nhân dân. Bên cạnh đó, cần hạn chế các tác động của con người đối với thiên nhiên, thực hiện tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển rừng, nhất là rừng đầu nguồn.
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Việc chủ động PCLB-GNTT rất quan trọng, tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Trong thời gian tới, cần tiến hành kiểm tra, tu bổ, sửa chữa, bảo vệ các kho tàng, phương tiện, đường xá, cầu, cống, hồ đập, các công trình xây dựng, củng cố mạng lưới thông tin liên lạc, hệ thống dự báo, cảnh báo để phát hiện kịp thời các sự cố do thiên tai gây ra. Tổ chức trực 24/24 giờ, đặc biệt là ở các thời điểm, các vùng trọng điểm thường xảy ra bão, lũ, vùng có nguy cơ sạt, lở đất. Xây dựng và hoàn thiện phương án đối phó với thiên tai, phát huy tính chủ động trong thực hiện phương châm 4 tại chỗ, từ công tác chỉ đạo đến huy động lực lượng, phương tiện, kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, công tác PCCCR tới mọi người dân.
Ý kiến bạn đọc