Đoàn công tác liên Bộ ủy ban Dân tộc làm việc tại tỉnh ta
HGĐT- Trong các ngày từ 5 - 8.4, Đoàn công tác liên Bộ ủy ban Dân tộc, gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính do đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Vụ trưởng Vụ Địa phương 1 (ủy ban Dân tộc) dẫn đầu đã lên thăm và làm việc tại tỉnh ta, nhằm tìm hiểu kết quả thực hiện các chính sách dân tộc; đánh giá khái quát tình hình kinh tế, văn hoá - xã hội của các dân tộc ít người, như Clao, Pu Péo, Phù Lá, Bố Y...; qua đó có hướng xây dựng chính sách riêng đối với đồng bào dân tộc ít người. Đón, làm việc với đoàn về phía tỉnh ta có lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Tính đến hết năm 2009, trên địa bàn tỉnh ta có 148.391 hộ với 714.346 người, trong đó dân tộc thiểu số là 627.380 người, chiếm 87,82%; hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 21,42% trên tổng số hộ toàn tỉnh. Trong những năm qua, được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã và đang được hưởng các chính sách hỗ trợ thiết thực như: Chương trình 135, 134; Chương trình nước sạch; Chương trình quy hoạch dân cư khu vực biên giới, Chương trình 30a. Nhìn chung, các chính sách dân tộc, các chương trình, dự án triển khai ở vùng đồng bào dân tộc đã mang lại hiệu quả, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội; góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ năm 2007 - 2009, Trung ương đã hỗ trợ cho Hà Giang tổng số vốn 428.120 triệu đồng cho 15.475 hộ gia đình vùng đặc biệt khó khăn vay vốn để sản xuất, kinh doanh; các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định 134 của Chính phủ được triển khai đồng bộ ở 123 xã đặc biệt khó khăn, đã có 16.114 hộ được hỗ trợ đất sản xuất với diện tích 2.804,4 ha; 17.396 hộ được hỗ trợ nhà ở; 9.707 hộ được hỗ trợ nước ăn. Riêng đối với dự ánphát triển dân tộc Pu Péo, từ năm 2006 - 2009 được thực hiện ở 7 xã của 3 huyện Bắc Mê, Yên Minh, Đồng Văn, dự án đã hỗ trợ cho các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đời sống với số tiền 9,5 tỷ đồng…Tuy nhiên, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là những dân tộc ít người như Clao, Pu Péo, Pố Y, Phù Lá…còn có những khó khăn, hạn chế như, trình độ văn hoá thấp, tình trạng mù chữ, tái mù chữ còn tồn tại; tỷ lệ hộ nghèo cao; các hủ tục, tình trạng tảo hôn vẫn còn. Nhất là trong xu thế hội nhập, xu hướng đồng hoá về ngôn ngữ, trang phục, nhà ở của đồng bào dân tộc ít người diễn ra nhanh dẫn đến mất dần bản sắc văn hoá đặc trưng của mỗi dân tộc.
Trên cơ sở hoạch định chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Trung ương, tỉnh ta cũng đã kiến nghị với Đoàn công tác một số nội dung cụ thể như: Chính sách ưu tiên, đào tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số thông qua việc tăng chỉ tiêu cử tuyển vào các trường chuyên nghiệp cho con em các dân tộc; trợ cấp cho cán bộ dân tộc ít người; tiếp tục đầu tư, đưa các chương trình, dự án đến với vùng dân tộc. Đối với các Dân tộc Lô Lô, Bố Y, Pu Péo, Phù Lá, Pà Thẻn, Clao, ngoài các chính sách chung đề nghị Uỷ ban Dântộc, các bộ, ngành Trung ương cần đầu tư, xây dựng đề án riêng cho từng dân tộc, phù hợp với địa bàn cư trú, phong tục tập quán của từng dân tộc; có hướng duy trì, bảo tồn các giá trị văn hoá đặc trưng của mỗi dân tộc.
Trước đó, Đoàn đã đi thăm, khảo sát tình hình kinh tế, xã hội; tìm hiểu phong tục, tập quán của dân tộc Clao tại xã Mậu Duệ (Yên Minh), Sính Lủng (Đồng Văn).
Ý kiến bạn đọc