Quán triệt các văn kiện về phân giới cắm mốc
HGĐT- Ngày 22.3, tại thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Ủy ban Biên giới Quốc gia - Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị phổ biến quán triệt 3 văn kiện, bao gồm: Nghị định thư về phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu - quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
Đồng chí Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phân giới cắm mốc tỉnh Hà Giang tham dự và có ý kiến phát biểu tại Hội nghị. Dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo Vụ Biên giới Việt - Trung, Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao; Chủ tịch UBND 4 tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên và Lai Châu cùng lãnh đạo một số sở, ngành Công an, Quân sự, Biên phòng, Ngoại vụ, Nông nghiệp & PTNT, Xây dựng; lãnh đạo các huyện, xã biên giới, Đồn biên phòng, Trưởng nhóm phân giới cắm mốc 4 tỉnh nêu trên.
Ngày 18.11.2009, tại Bắc Kinh, đại diện Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc đã ký Nghị định thư về phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu - quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Sự kiện này đánh dấu mốc son mới trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam- Trung Quốc, là thành quả sau 9 năm triển khai công tác phân giới cắm mốc trên thực địa; dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp, sự nỗ lực cao độ, không ngại khó khăn, lực lượng liên quan của 2 nước đã hoàn thành việc xây dựng các văn kiện phục vụ ký kết trước thời hạn. Với việc ký kết các văn kiện nêu trên, là thời điểm kết thúc công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam- Trung Quốc; lần đầu tiên trong lịch sử giữa hai nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa có một đường biên giới rõ ràng, được thể hiện trên bản đồ thế giới, được phân giới và được đánh dấu bằng các mốc giới trên thực địa. Công tác quản lý biên giới cũng sẽ được thực hiện theo các Hiệp định mới. Với tổng số 1970 cột mốc (chưa kể mốc ngã ba biên giới Việt Nam- Trung Quốc- Lào), chiều dài đường biên giới 2 nước khoảng 1.450 km. Trong đó tỉnh Hà Giang là 442 mốc, có 358 mốc chính, 84 mốc phụ, trên chiều dài biên giới hơn 277 km. Việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc đã tạo điều kiện cho sự phát triển giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội hai nước và giữa các địa phương nói riêng, góp phần giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển lâu dài giữa hai bên.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phân giới cắm mốc tỉnh Hà Giang, có bài tham luận, nêu bật những thành tích trong công tác PGCM của các tỉnh, đồng thời có những kiến nghị đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư về cơ chế quản lý biên giới, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, các tỉnh, các huyện và các xã biên giới trong việc bảo vệ đường biên mốc giới; công tác tuần tra, tuyên truyền về bảo vệ đường biên mốc giới. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang mong muốn lực lượng vũ trang của các tỉnh trong khu vực, đặc biệt là bộ đội Biên phòng cần phối hợp chặt chẽ với địa phương, tổ chức tiếp nhận và nắm chắc đường biên cột mốc quốc giới theo hiệp định và nghị định thư phân giới cắm mốc, tham mưu cho địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, giải quyết các vấn đề cho những hộ dân có diện tích canh tác trong khu vực quy thuộc, triển khai các dự án phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng ở khu vực biên giới, đẩy nhanh tiến độ làm đường tuần tra, tổ chức thực hiện thoả thuận hợp tác biên giới hai bên đã ký kết, tăng cường hữu nghị với lực lượng bảo vệ biên giới của Trung Quốc, giải quyết các vụ việc xảy ra trên biên giới hiệu quả, đúng đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Ý kiến bạn đọc