Nâng cao hiệu quả công tác giám sát
HGDT - Năm 2009, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh phải đối mặt với những khó khăn và sự tác động sâu sắc của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Song với sự lãnh đạo sát sao, tập trung, thống nhất cao của BCH Đảng bộ tỉnh, sự chỉ đạo, quản lý, điều hành linh hoạt của chính quyền, sự giám sát thường xuyên, chặt chẽ, có hiệu quả của HĐND các cấp, nền KT-XH của tỉnh ta đã phát triển ổn định và tiếp tục duy trì được nhịp độ cao trên tất cả các lĩnh vực.
Những kết quả đã đạt được của tỉnh trong năm có phần đóng góp không nhỏ của HĐND các cấp. Để đánh giá những kết quả đã đạt được của HĐND các cấp thời gian qua, phóng viên Báo Hà Giang đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Viết Xuân, ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Sau đây là nội dung cuộc phóng vấn:
PV: Thưa đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, nhưng các chỉ tiêu KT-XH mà Nghị quyết HĐND tỉnh Hà Giang đề ra năm 2009 đều đạt và vượt kế hoạch. Xin Chủ tịch cho biết, HĐND tỉnh đã thực hiện những giải pháp gì để có được kết quả trên?
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Viết Xuân: Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, Hà Giang có 6/63 huyện nghèo của cả nước, điều kiện địa lý, thời tiết không thuận lợi, nhưng năm qua được sự quan tâm giúp đỡ to lớn của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các Tổng công ty, các tổ chức chính trị - xã hội trong nước v.v... Vớisựlãnhđạo sát sao, tập trung, thống nhất cao của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; sự chỉ đạo, quản lý, điều hành năng động, quyết liệt của chính quyền các cấp; sự giám sát thường xuyên, chặt chẽ, có hiệu quả của HĐND các cấp; nền KT-XH của tỉnh vẫn ổn định và tiếp tục duy trì được nhịp độ phát triển cao trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng giá trị gia tăng đạt 13,46%.Có 49/95 chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2009 đạt và vượt so với kế hoạch, tăng cao hơn so với năm 2008. Chính trị - xã hội ổn định, QP-AN luôn được củng cố vững mạnh... Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, các ngành, các cấp, của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đối với hoạt động của HĐND đã góp bằng các nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất: Có thể khẳng định rằng, việc xác định đúng, trúng nhiệm vụ trọng tâm và ra nghị quyết có tính khả thi cao, đúng pháp luật và phù hợp với thực tiễn địa phương đã đem lại sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, rõ nét nhất như sản xuất nông, lâm nghiệp: Việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây lúa đã tạo ra sản phẩm 202 cánh đồng mẫu, đưa năng suất lúa bình quân lên 50,32 tạ/ha, đưa bình quân lương thực đầu người lên 419 kg/người, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Với chủ trương phát triển rừng sản xuất bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân, vì vậy diện tích rừng trồng đạt 13.456 ha, tăng trên 1.150 ha so với năm 2008. Nhận thức trong nhân dân về việc trồng rừng, bảo vệ rừng đã được nâng lên. Chỉ tính riêng trong năm 2009, toàn tỉnh đã trồng mới trên 900 ha cây chè, người dân đã chú trọng hơn trong việc thâm canh tăng năng suất và đầu tư cho chế biến. Nhiều gia đình có thu nhập khá từ cây chè v.v...
Thứ hai: Hoạt động của HĐND các cấp có nhiều đổi mới, từ hoạt động xây dựng các Nghị quyết tại các kỳ họp đảm bảo đúng luật, cũng như hoạt động tiếp xúc cử tri, tuyên truyền sâu rộng, cụ thể Nghị quyết đến với các vùng dân cư, các cơ quan, doanh nghiệp... tạo niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp quyết tâm thực hiện Nghị quyết đã đề ra.
Thứ ba: Hoạt động giám sát, giám sát chuyên đề và tái giám sát của Thường trực và các Ban HĐND các cấp một cách thường xuyên, nghiêm túc đã đem lại bầu không khí tin cậy và cởi mở giữa cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp. Hoạt động giám sát đã chọn đúng những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để giám sát. Trong hoạt động giám sát đã chỉ rõ những điểm mạnh cần phát huy, nhân diện và chỉ ra những thiếu sót, hạn chế cần khắc phục. Kết luận giám sát đã chỉ ra rõ những việc cần phải giải quyết, ấn định thời gian và yêu cầu chính quyền, cơ quan chức năng cần phải chấn chỉnh, thực hiện đạt hiệu quả. Hoạt động giám sát, giám sát chuyên đề và tái giám sát đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ đạt kết quả cao hơn, thiết thực và hiệu quả hơn.
PV: Như vậy, chứng tỏ hoạt động giám sát của HĐND tỉnh trong năm 2009 đã tác động rất tích cực đối với quá trình phát triển KT-XH của địa phương?
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Viết Xuân: Đó là lẽ đương nhiên. Qua hoạt động giám sát, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh đã kịp thời gửi 168 kiến nghị, đề xuất với HĐND tỉnh về sửa đổi và ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách ; 145 kiến nghị với UBND tỉnh và các ngành chức năng tỉnh về giải quyết nhiệm vụ cụ thể trên từng lĩnh vực; 21 kiến nghị với Bộ, ngành Trung ương và đề xuất với Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị với Bộ, ngành Trung ương ban hành, sửa đổi cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó có nhiều kiến nghị với các cấp chính quyền huyện, xã, các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát và đã được các cơ quan, đơn vị nghiêm túc tiếp thu và thực hiện.
Đặc biệt, qua giám sát đã kịp thời biểu dương, khích lệ những thành tích của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị đã đạt được những thành tích, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế và kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những sai sót.
PV: Để đạt được những kết quả cao hơn nữa, đáp ứng với yêu cầu và mong mỏi của đông đảo cử tri trong tỉnh, hoạt động giám sát trong năm 2010 của HĐND tỉnh là khá nặng nề, thưa Chủ tịch?
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Viết Xuân: Năm 2010, năm cuối thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; với mục tiêu là: “Đổi mới phương thức lãnh đạo - Đẩy mạnh cải cách hành chính - Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành - Hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2010 - Tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp”. Do đó phải tiếp tục thực hiện chương trình giám sát một cách thường xuyên, kiên quyết đối với công tác điều hành, chỉ đạo của UBND và việc thực hiện của các ngành, các cấp trên các lĩnh vực, nhất là giám sát về kết quả tăng trưởng tín dụng, triển khai vay vốn, tiến độ giải ngân thực hiện các chương trình dự án; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chương trình trồng rừng, trồng chè, cây ăn quả, cây cao su; chương trình kiên cố hoá trường lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, xây dựng bệnh viện tuyến huyện; chương trình xây dựng hạ tầng, nhất là chương trình xây dựng cầu treo và giao thông nông thôn và các dự án theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; chương trình hỗ trợ gạo trồng rừng 4 huyện vùng cao núi đá; đánh giá hiệu quả các đề tài khoa học và ứng dụng, chuyển giao vào sản xuất và đời sống; chương trình di dãn dân khỏi vùng sạt lở; rà soát đánh giá chương trình xuất khẩu lao động, dạy nghề, cấy nghề, tạo việc làm trong lao động nông thôn; hoạt động quảng bá, phát triển du lịch; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” v.v...
Tiếp tục giám sát chuyên đề và tái giám sát việc thực hiện lời hứa với cử tri của UBND tỉnh, của thủ trưởng các ngành trên các lĩnh vực về thực hiện chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; về bảo vệ môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản; chất lượng giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, thực hiện các chính sách về an sinh xã hội.
Trong lĩnh vực Tư pháp: Tiếp tục giám sát việc thực hiện chương trình Quốc gia về phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm bắt cóc trẻ em, buôn bán phụ nữ trên tuyến biên giới; phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông; đấu tranh phòng, chống tệ nạn cờ bạc.
PV: Rất nhiều vấn đề lớn cần triển khai thực hiện ngay trong năm 2010. Vậy HĐND tỉnh sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào thưa Chủ tịch ?
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Viết Xuân: Quan trọng là phải dốc sức chuẩn bị chu đáo, chất lượng và hiệu quả 2 kỳ họp và kỳ họp bất thường. Đây được coi là hoạt động xương sống, bởi vì: Có ra Nghị quyết sát, đúng và trúng với yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống mới kích thích và lôi cuốn được sự đồng thuận của nhân dân. Mà có sức dân là có tất cả.
Hoạt động tuyên truyền Nghị quyết của HĐND cần được chú trọng và đổi mới hơn. Trước hết là hoạt động tiếp xúc cử tri, các đại biểu phải đa dạng hơn, sâu sát hơn, gần dân hơn để trực tiếp nghe tiếng nói của cử tri ở cơ sở. Tại các cuộc tiếp xúc phải trực tiếp giải quyết, tháo gỡ nhiều vấn đề đặt ra trước ý kiến, kiến nghị của cử tri, tạo niềm tin và cử tri đến với các cuộc tiếp xúc ngày càng tự giác và đông hơn. Qua đó sẽ là động lực thúc đẩy nhân dân các dân tộc thực hiện thắng lợi Nghị quyết đề ra.
PV: Xin cảm ơn Chủ tịch HĐND tỉnh.
Ý kiến bạn đọc