“Hướng đi, hướng phát triển đã rõ hơn, Hà Giang cần nỗ lực phát huy”
(Lược ghi ý kiến phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh tại Mèo Vạc)
...Nhìn một cách tổng quát, tỉnh Hà Giang đã triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch 5 năm (2005 – 2010); thực hiện tốt các nghị quyết của T.Ư trong điều kiện hết sức khó khăn. Đặc biệt, trong khi cả nước gặp khó khăn do những tác động của sự suy thoái kinh tế thế giới, Hà Giang cũng đã nỗ lực, năng động, sáng tạo, có nhiều biện pháp, giải pháp chỉ đạo quyết liệt nên tăng trưởng kinh tế năm 2008 vẫn đạt 12,5%, năm 2009 đạt 13%. Từ những chủ trương đúng, giải pháp tốt, những cách làm phù hợp, sát với thực tiễn cuộc sống nên trong nông nghiệp đã cónhững kết quả rất đáng mừng. Bình quân lương thực (tính riêng ngô, lúa) của tỉnh đã đạt 400 kg/người; các huyện đều có những cánh đồng mẫu, những mô hình thử nghiệm đạt hiệu quả cao để nhân rộng, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Việc đưa cây cải dầu vào trồng trong vụ đông ở các huyện vùng cao núi đá, đưa cây cao su vào trồng ở các huyện vùng thấp là những hướng đi tích cực trong phát triển kinh tế, tạo ra những triển vọng tốt. Đối với kinh tế rừng, tỉnh đã làm tốt quy hoạch 3 loại rừng, phát triển kinh tế rừng. Điều rất mừng là ý thức trồng rừng của người dân đã được nâng cao, nên diện tích rừng đã ngày càng tăng. Các thế mạnh về chăn nuôi, về công nghiệp khai khoáng, công nghiệp thủy điện đã được tỉnh phát huy, hệ thống giao thông phát triển tốt, đầu tư xã hội cũng tăng lên. Trong chăn nuôi, tỉnh đã có nhiều chính sách thích hợp để hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi hàng hóa, như việc hỗ trợ trồng cỏ chăn nuôi bò ở các huyện vùng cao núi đá. Tuy có sự hỗ trợ đắc lực của T.Ư, nhưng chính từ việc xác định rõ hướng đi và từ những cách làm sát với thực tiễn đã mang lại hiệu quả, tạo cho Hà Giang những bước phát triển toàn diện, vì vậy đời sống văn hóa – xã hội của người dân cũng được cải thiện một bước đáng kể, số hộ nghèo giảm xuống nhanh chóng; giáo dục, y tế, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có những bước phát triển tốt và ổn định, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Đặc biệt, Nghị quyết 30a và Quyết định 167 của Chính phủ mới được triển khai, song tỉnh đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả nên cơ bản các hộ nghèo đã được giải quyết những khó khăn. Bên cạnh đó, bằng những giải pháp xây dựng các hồ “treo”, Hà Giang cũng đã rất năng động và sáng tạo trong việc tìm hướng giải quyết những khó khăn về nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao núi đá...
Tuy vậy, những khó khăn trước mắt đối với tỉnh cũng còn rất nhiều vì tỉnh có tới 6 trên 11 huyện nghèo cần được hỗ trợ theo Nghị quyết 30avà Quyết định 167 của Chính phủ. Chính vì thế, trong hướng đi, hướng phát triển đã ngày một rõ hơn của mình, Hà Giang cần tiếp tục cố gắng, nỗ lực khắc phục những hạn chế, phát huy cao độ sự năng động, sáng tạo; mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nêu cao trách nhiệm, tích cực suy nghĩ khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế để người dân hết nghèo, đời sống ngày càng tốt hơn. Để phát huy lợi thế, tiềm năng cần chú trọng tới đầu tư xã hội, tạo mọi thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cho phát triển… Trước mắt, năm 2010 là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm, năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, tỉnh cần tiếp tục có những giải pháp tích cực để hoàn thành kế hoạch trên cơ sở phát huy chính những tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đặc biệt, Đại hội Đảng các cấp tới đây cần đề ra được mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện cụ thể, làm cho người dân thấy rõ được những kết quả, những chuyển biến về kinh tế- xã hội trong những năm tiếp theo, từ đó cùng với Đảng bộ các cấp ra sức thực hiện.
Hà Giang đã vượt qua những khó khăn để duy trì tăng trưởng kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, tích cực. Đây là những thành quả rất đáng mừng, đáng trân trọng.
Đầu năm mới, xin chúc cho Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Hà Giang tiếp tục giành được nhiều kết quả mới trong phát triển KT – XH.
Ý kiến bạn đọc